Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lựa chọn nỗi đau của riêng bạn

Bạn muốn có nỗi đau nào trong cuộc đời mình? Bạn sẵn sàng đấu tranh vì điều gì?

Nếu tôi hỏi, “Bạn mong muốn điều gì trong cuộc đời này?” và bạn nói với tôi những thứ kiểu như “Tôi muốn được hạnh phúc, có một gia đình tuyệt vời và được làm công việc mà tôi yêu thích”, câu trả lời của bạn quá chung chung và thực sự thì nó không có ý nghĩa gì cả!

Ai cũng thích những điều tốt đẹp. Ai cũng muốn được sống một cuộc đời vô tư lự, hạnh phúc, bình yên, được yêu và thỏa mãn trong chuyện ấy cùng các mối quan hệ, có diện mạo hoàn hảo, kiếm được nhiều tiền, được yêu quý và trọng vọng, dân tình sẽ đứng dạt sang hai bên mà cúi chào khi ta đi tới bất cứ đâu...

Ai cũng muốn được như thế cả!

Một câu hỏi thú vị hơn, câu hỏi mà nhiều người không nghĩ tới là, “Bạn muốn có nỗi đau nào trong cuộc đời mình? Bạn sẵn sàng đấu tranh vì điều gì?” Bởi vì nó quyết định cuộc đời ta sẽ chuyển sang hướng nào.

Ví dụ hầu hết mọi người đều muốn có một văn phòng làm việc riêng và kiếm được cả núi tiền, nhưng không mấy người muốn phải làm việc tới sáu mươi giờ mỗi tuần, mỗi ngày phải di chuyển hàng tiếng trên đường, xử lý đống giấy tờ đáng ghét và đối phó với hệ thống cấp bậc chuyên quyền trong công ty nhằm thoát khỏi sự giam cầm của cái khoang làm việc ngột ngạt như địa ngục này.

Hầu hết mọi người đều muốn có một cuộc mây mưa mỹ mãn và một mối quan hệ tuyệt vời, nhưng chẳng mấy ai nguyện ý trải qua những cuộc đấu khẩu, những lúc im lặng bối rối, những lúc tổn thương và biến động cảm xúc dữ dội để đạt được điều đó. Vì thế mà họ thỏa hiệp. Họ thỏa hiệp và tự hỏi “Nếu như...”, hết năm này sang năm khác, cho tới khi câu hỏi biến đổi từ “Nếu như...” sang “Còn có gì khác?” Khi vị luật sư tới nhà, tờ chi phiếu cấp dưỡng được gửi tới bằng đường bưu điện, thì họ nói, “Vì cái gì?” Nếu như không phải vì hạ thấp tiêu chuẩn và kỳ vọng của họ vào hai mươi năm trước, thì là vì cái gì?

Lua chon noi dau cua rieng ban anh 1

Tranh: Marlowe Pody, Rhode Island School of Design.

Bởi vì hạnh phúc đòi hỏi sự đấu tranh. Nó phát triển từ những rắc rối. Niềm vui có ló ra khỏi mặt đất như mấy bông cúc vàng và cầu vồng đâu cơ chứ! Thực ra thì, nói một cách nghiêm túc, ta chỉ tìm thấy cảm giác thỏa mãn và ý nghĩa cuộc sống khi ta lựa chọn và kiểm soát những nỗ lực của chúng ta. Dù bạn phải vật lộn với nỗi lo lắng hay sự cô đơn, hay chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hay với lão sếp xấu xa làm tiêu tốn của bạn đến cả một nửa số thời gian tỉnh táo trong ngày đi nữa, thì giải pháp nằm ở việc chấp nhận và tích cực gắn kết với trải nghiệm tiêu cực đó - không phải sự lảng tránh, cũng không phải sự che chở từ nó.

Mọi người đều muốn có một cơ thể hoàn hảo, nhưng bạn không thể có được nếu bạn không chấp nhận nỗi đau đớn và vất vả về thể xác khi ở trong phòng tập gym hàng giờ liền, trừ khi bạn thích việc đong đếm và phân loại chính xác những gì bạn ăn, hoạch định cuộc đời mình trên khẩu phần ăn trong cái đĩa nhỏ xíu xiu.

Mọi người muốn khởi nghiệp, nhưng bạn không thể trở thành một doanh nhân thành đạt trừ khi bạn tìm ra cách chấp nhận rủi ro, không ổn định, hết sai lầm này đến sai lầm khác, những giờ đồng hồ điên cuồng cống hiến cho một thứ gì đó mà có thể cuối cùng lại xôi hỏng bỏng không.

Mọi người đều muốn có một nửa kia, một người bạn đời, nhưng bạn không thể thu hút được một ai đó thật tuyệt vời mà không chấp nhận những hỗn loạn về mặt cảm xúc đi kèm với sự từ chối thẳng thừng, những căng thẳng về nhục dục chẳng bao giờ được giải tỏa, nhìn đờ đẫn vào chiếc điện thoại không chịu đổ chuông... Đó là một phần của trò chơi tình ái. Bạn không thể giành chiến thắng nếu chẳng chịu chơi.

Điều quyết định thành công của bạn không phải là “Bạn muốn hưởng thụ thứ gì?”, mà câu hỏi thích hợp phải là “Bạn muốn chịu đựng nỗi đau nào?” Con đường dẫn tới hạnh phúc là con đường đầy rẫy những thứ khốn kiếp và tủi hổ.

Bạn phải chọn lựa lấy một thứ gì đó. Bạn không thể nào có được một cuộc đời không đau đớn gì. Cuộc đời không thể lúc nào cũng chỉ toàn hoa hồng và vừa khởi nghiệp đã thành công. Câu hỏi về vui thú dễ dàng và hầu hết chúng ta đều có câu trả lời tương tự như nhau.

Câu hỏi thú vị hơn nhiều là về nỗi đau. Nỗi đau nào mà bạn muốn chịu đựng? Đó là câu hỏi khó nhưng quan trọng, câu hỏi sẽ đưa bạn tới được nơi nào đó. Là câu hỏi có thể làm thay đổi một cách nhìn, một cuộc đời. Đó là thứ khiến tôi là tôi, còn bạn là bạn. Đó là thứ sẽ xác định và phân biệt chúng ta với nhau và chắc chắn sẽ đưa chúng ta lại gần nhau.

Trong phần lớn quãng đời niên thiếu, tôi thường mơ trở thành nhạc sĩ - cụ thể là một ngôi sao nhạc rock. Khi tôi nghe thấy bất kỳ bản guitar nào, tôi luôn nhắm mắt lại và tưởng tượng ra mình ở trên sân khấu, đang múa những ngón tay thần thánh trên phím đàn trong tiếng hò reo của đám đông cuồng nhiệt. Mỗi lúc như thế, tôi lại mơ mộng hàng tiếng đồng hồ. Với tôi, câu hỏi không phải là liệu tôi có thể chơi nhạc trước đám đông đang gào thét kia hay không, mà là khi nào.

Tôi đã lên kế hoạch hết rồi, chỉ đơn giản là đang chờ đợi thời cơ trước khi có thể đầu tư năng lượng và nỗ lực thích hợp để bước ra ngoài kia và lưu lại dấu ấn của mình. Trước tiên, tôi cần phải tốt nghiệp cái đã! Rồi tôi còn cần phải kiếm tiền để mua thêm nhạc cụ nữa chứ. Tiếp nữa, tôi cần sắp xếp thời gian tập luyện. Sau đó, tôi cần tạo lập các mối quan hệ và lên kế hoạch cho dự án đầu tiên của mình. Rồi sau đó nữa... và sau đó nữa là... không gì cả!

Dù cho tôi có mơ tưởng về điều này hơn nửa đời mình, thực tại chẳng bao giờ diễn ra như vậy. Và sau rất lâu với biết bao nhiêu dằn vặt, tôi mới hiểu ra được nguyên nhân là: Tôi không thực sự muốn thế!

Tôi chỉ thích thú với kết quả cuối cùng - hình ảnh mình đứng trên sân khấu, khán giả reo hò; tôi xuất thần, dồn cả trái tim mình vào bản nhạc đang chơi - nhưng lại không thích thú gì với quá trình. Vì thế, tôi đã thất bại. Cứ lặp đi lặp lại như vậy. Trời ạ, tôi còn không cố gắng đủ đến mức thất bại ấy chứ! Tôi hầu như có cố gắng gì đâu? Quá trình luyện tập vất vả mỗi ngày, những việc cần phải làm để lập nhóm nhạc và ra mắt, nỗi khổ phải tìm kiếm các cơ hội trình diễn thực sự khiến khán giả tìm đến và quan tâm, dây đàn bị đứt, âm li bị cháy, bê vác hai mươi cân thiết bị tới và rời khỏi các buổi thu âm mà không có xe hơi... Đó là một núi giấc mơ, mà con đường lên tới đỉnh thì dài hàng dặm. Và điều khiến tôi phải mất rất nhiều thời gian mới nhận ra được là tôi không thích leo núi cho lắm. Tôi chỉ thích nghĩ mình đang ở trên đỉnh núi mà thôi!

Câu chuyện phổ biến trong nền văn hóa đương thời sẽ cho tôi biết rằng tôi đã tự làm bản thân bẽ mặt theo một cách nào đó, rằng tôi là một kẻ bỏ cuộc hay thua cuộc, rằng tôi không “có năng khiếu”, rằng tôi đã từ bỏ ước mơ và có lẽ tôi đã để mình chịu thua trước áp lực của xã hội.

Nhưng sự thật nhạt nhẽo hơn những lời lý giải này rất nhiều. Sự thật là, tôi nghĩ mình muốn một điều gì đó, nhưng rồi hóa ra lại không phải vậy! Hết chuyện!

Tôi chỉ muốn phần thưởng mà không muốn phải chịu đựng. Tôi muốn kết quả mà không cần đến quá trình. Tôi chỉ yêu thích chiến thắng mà không cần phải tranh đấu.

Và, cuộc đời thì không vận hành như thế!

Việc bạn là ai được xác định bởi việc bạn sẵn lòng chịu đựng điều gì. Người thích thú chịu đựng nỗi đau đớn trong phòng tập gym là những người thi ba môn thể thao phối hợp, có cơ bắp rắn rỏi, có thể bẩy tung cả một ngôi nhà nhỏ. Người thích những giờ làm việc dài lê thê và bộ máy cấp bậc trong công ty sẽ là những người vươn lên vị trí “sếp”. Những người thích sự căng thẳng và lối sống thiếu ổn định của giới nghệ sĩ chắc chắn là những người sẽ làm nên chuyện.

Đây không phải là sức mạnh ý chí hay sức chịu đựng bền bỉ. Đây không phải là một hình thái khác của lời răn dạy Có công mài sắt, có ngày nên kim. Đây là thành tố cơ bản và đơn giản nhất của cuộc sống: Nỗi đau của ta quyết định thành công của ta. Vấn đề của chúng ta dẫn tới hạnh phúc của ta, đi cùng với việc cải thiện một chút, biến đổi một chút các vấn đề đó.

Thế này nhé: Nó là một cầu thang dạng xoắn ốc dài bất tận. Và nếu như bạn nghĩ rằng một lúc nào đấy bạn được phép ngừng leo lên, thì tôi e là bạn không hiểu vấn đề rồi!

Bởi vì niềm vui nằm ở chính quá trình leo thang ấy!

Mark Manson / Nhà xuất bản Văn học và Huy Hoàng Books

SÁCH HAY