Theo các chuyên gia, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) phần nào phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại lên tới 1.200 tỷ đồng sau trận lũ lụt tại Quảng Ninh vừa qua. Diễn biến này cũng đặt ra thách thức cho Tập đoàn trong quản lý, khai thác boxit tại Tây Nguyên, nhất là trong điều kiện thời tiết khó lường như hiện nay.
Xử lý chất thải than: rất kinh khủng
Theo TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban QLDA Than đồng bằng sông Hồng, hoạt động khai thác khoáng sản là xâm hại nặng nề đến cân bằng chung của tự nhiên đã hình thành cả 100 triệu năm. Trước những biến đổi cực đoan của khí hậu, sự mất cân bằng càng nặng nề, dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Chính vì vậy, hoạt động khai thác khoáng sản như than đòi hỏi thực hiện nghiêm ngặt công tác bảo vệ môi trường như: Xử lý thải (chất thải rắn, nước…), hoàn thổ, trồng cây, khơi thông dòng chảy…
Việc khai thác than của TKV còn nhiều vấn đề phải bàn. |
“Tuy nhiên, những yêu cầu này chưa được TKV thực hiện tốt. Công tác quản lý thải rất lỏng lẻo, thể hiện ở chỗ các mỏ khai thác không có bãi thải riêng như quy định bắt buộc, thải của mỏ này chồng lên thải của mỏ kia, dẫn đến không quản lý được khối lượng, khó kiểm soát độ an toàn và cũng khó quy kết trách nhiệm”, ông Sơn nhận xét và lấy ví dụ.
Tại buổi tọa đàm về vấn đề “Ứng phó thảm họa môi trường từ khai thác than”, do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức chiều 10/8, tại Hà Nội, ThS. Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam đồng quan điểm: “Việc nhiều núi xỉ bị đổ sụp, hồ chứa bị vỡ… trong trận lũ lụt tại Quảng Ninh vừa qua cho thấy, những yêu cầu nghiêm ngặt trong xử thải như tính toán sức chứa, đắp kè, trồng cây… đã không được TKV thực hiện đầy đủ”.
Cũng theo ông Bái, nhiều thiệt hại về người, tài sản, môi trường sống cũng như thiệt hại của ngành Than trong trận lũ lụt vừa qua lẽ ra có thể hạn chế được. Ông Bái lấy ví dụ, sự cố sụt nhà ở khu vực Mông Dương: “Tôi đã nhiều lần đến bãi than Mông Dương và thấy rằng, bãi thải khu vực này ở trạng thái nguy hiểm. Nếu chủ đầu tư xây bãi thải đủ cao trình, hoặc tiến hành gia cố, việc sụt lún đã không nghiêm trọng đến thế. Hoặc nếu chính quyền địa phương chủ động di dời những hộ dân quanh khu vực nguy hiểm này, sẽ hạn chế được nhiều thiệt hại về người, tài sản”.
TS. Đào Trọng Hưng, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam chung mối lo ngại về công tác quản lý, khai thác than nằm trong tổng thể quản lý Vịnh Hạ Long, cũng như quản lý môi trường.
“Vấn đề báo động nhất là công tác xử lý chất thải than, rất kinh khủng”, ông Hưng nói và lấy ví dụ, tại phường Hòa Khánh (Hạ Long), bãi thải cao đến 300 m, từ dưới nhìn lên, xe đổ thải trông chỉ như bao diêm, song hoàn toàn không được gia cố, che chắn. Hay ở khai trường lộ thiên như bãi than Cọc 6, tất cả thải đổ ra cửa sông và từ đó trút thẳng ra Vịnh Hạ Long.
“Bãi thải hoàn toàn không có quy chuẩn gì, đổ được chỗ nào thì đổ. Gặp trận mưa như vừa rồi, các “núi thải” sụt không có gì lạ. Nguy hiểm hơn, toàn bộ chất thải ngâm trong nước, sẽ ngấm vào nước sinh hoạt, cũng như trút xuống toàn bộ Vịnh Hạ Long”, ông Hưng nói.
TKV: “nạn nhân” hay “thủ phạm”?
Vậy ngành than là nạn nhân hay thủ phạm? Trả lời câu hỏi này của PV Báo Giao thông, ông Bái cho rằng, những năm vừa qua, TKV đã tăng mức đầu tư nhất định thực hiện các giải pháp công nghệ nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác than.
Tuy nhiên, mức độ đầu tư cũng như các biện pháp thực hiện chưa tương xứng với quy mô, tốc độ khai thác. “Và để xảy ra hậu quả vừa rồi, ngành than vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm”, ông Bái nhận định.
Để giảm nhẹ thiệt hại bằng cách nào? Ông Bái cho rằng, phải xem lại công tác quy hoạch, từ quy hoạch đô thị, dân cư và khai thác. Cùng với đó, phải nhận diện được nguy cơ, trên cơ sở đó, có kịch bản ứng phó phù hợp.
Công tác khai thác than chưa đảm bảo an toàn. |
Còn theo ông Hưng: “Về thể chế, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản đều đã quy định rất chặt chẽ. Tôi cho rằng, nếu chúng ta thực hiện chỉ 1/10 các quy định này thôi cũng tốt lắm rồi”.
Ông Hưng lấy dẫn chứng về các biện pháp xử lý của TKV: “Họ vẫn nặng về giải pháp công trình như bờ chống. Với yêu cầu phải trồng cây xanh, họ trồng loại cỏ vitever chống sạt lở, nhưng nhìn như trồng sả không ai dùng đến, giống như trò đùa vậy. Có thể nói, công tác phục hồi môi trường của ngành than chỉ nói nhưng không làm, hoặc làm kiểu đối phó”, ông Hưng thẳng thắn.
Với những hạn chế trong quản lý, khai thác than ở Quảng Ninh của TKV, hoạt động khai thác boxit, xử lý môi trường tại Tây Nguyên có đáng lo ngại, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu có thể gây ra mưa, lũ bất thường? Ông Bái nhận định, về mặt khí hậu, Tây Nguyên còn mưa nhiều hơn. Toàn bộ khu vực khai thác boxit lại nằm ở địa hình cao, nên nếu sự cố xảy ra, mức độ thiệt hại còn nghiêm trọng hơn nữa.
“Nếu TKV nhìn thẳng vào sự thực, về năng lực, trách nhiệm của mình, từ đó có biện pháp an toàn, dân sẽ yên tâm hơn”, ông Bái nói.
Ông Sơn cảnh báo: “Chất thải sau khai thác than chủ yếu dạng khô, áp lực chủ yếu là trọng lượng và sự cố xảy ra chủ yếu là trôi lấp. Với khai thác boxit, bùn đỏ ở dạng ướt, nên còn chịu thêm áp lực thủy tĩnh. Nếu hồ chứa bùn đỏ không đảm bảo, dễ xảy ra sự cố tràn, vỡ đập, nguy hại khôn lường”.
Ông Bái cho biết, khi than bị bóc ra khỏi lớp đất đá, nhiều chất biến đổi, như chất lưu huỳnh sẽ chuyển thành axit. Kim loại nặng trong chất thải có nguy cơ hòa tan vào đất, trong đó có nhiều chất độc hại, như chì, kẽm, mangan, asen, thậm chí một số vùng có thể có phóng xạ.
“Dòng nước thải nếu quản lý không đúng, sẽ đi vào môi trường, làm biến đổi không khí, đất, đặc biệt là nước biển, tác động tới thủy sản và sinh vật thủy sinh khác tại Vịnh Hạ Long”, ông Bái e ngại.