Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân vùng mỏ gượng dậy sau lũ bùn chưa từng thấy

10 ngày sau khi bị lũ bùn quét qua, người dân và công nhân ở Mông Dương (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) vẫn miệt mài khắc phục hậu quả.

Cảnh lũ bùn chưa từng thấy ở Quảng Ninh

Sau 3 ngày, dù nước đã rút song nhiều người dân Mông Dương (TP Cẩm Phả) vẫn không thể về nhà. Bùn đất dày hàng mét khiến hàng chục ngôi nhà biến mất không còn dấu vết.

10 ngày sau đợt mưa bão lịch sử tại Quảng Ninh, đặc biệt là tại khu dân cư 4 Mông Dương (Cẩm Phả), người dân đã bắt đầu quay trở về nhà dọn dẹp bùn đất, khắc phục thiệt hại và ổn định lại cuộc sống.
Theo thống kê của địa phương, tại hai tổ dân số 1 và 2 (khu dân cư số 4 Mông Dương), 67 hộ mất nhà do bị ngập hoàn toàn trong bùn đất, 40 hộ bị ảnh hưởng bởi đường xá chia cắt không có lối vào.
Hầu hết trong số 107 hộ dân bị ảnh hưởng là công nhân viên làm việc tại mỏ than Mông Dương, phân nửa số căn nhà bị ngập trắng là phòng trọ cho công nhân thuê nên không có nhiều đồ đạc giá trị. Những gian nhà này bị bỏ lại hoàn toàn, không có người dọn dẹp.
Trước mắt, chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ các gia đình mất nhà hoàn toàn 3 tháng tiền thuê nhà, mỗi tháng 2 triệu đồng. Các gia đình bị ảnh hưởng đường xá chia cắt không có lối vào là 1,5 triệu/tháng. 
Chị Hà Thị Lương (tổ 1, công nhân công ty than Mông Dương) nằm ở đầu khu khu phố đi ra đường cái nên nền đất cao hơn, ảnh hưởng của bùn đất cũng hạn chế hơn các gia đình khác. Khi trở về dọn dẹp, bùn chỉ còn đọng khoảng 20 cm trong nền nhà. Tuy nhiên chị vẫn phải nhờ người thân từ quê đến giúp đỡ để ổn định cuộc sống.
Với anh Nguyễn Đức Đức (37 tuổi, tổ 2, công nhân mỏ than Mông Dương) thì hoàn toàn khác. Nhà anh ngập sâu trong lớp bùn đất dày hơn 1 mét nên gia đình phải tá túc nhờ người thân. Anh đang đào bùn trước sân và cố gắng mở cửa để tìm dùng những vật còn chưa hư hỏng.
Ông Nguyễn Văn Hà (Phó quản đốc phân xưởng cơ khí mỏ than Mông Dương) được cơ quan cho nghỉ một ngày sau khi nước rút để dọn dẹp nhà cửa. "Công việc tại mỏ cũng khá bộn bề, công nhân luân phiên 24/24h khắc phục ngập lụt để công việc trở lại bình thường. Tuy nhiên những ai có nhà cửa trong diện bị thiệt hại nặng thì đều được ưu tiên nghỉ một hai ngày để về dọn dẹp", ông chia sẻ.
May mắn hơn nhiều hộ khác khi xây nhà ở nền đất cao, cửa khoá kín nên căn nhà của ông Hà không bị bùn tràn vào. Tài sản có giá trị không bị ảnh hưởng.
Đàn ông nạo vét bùn đất, phụ nữ nhặt nhạnh đồ đạc trong nhà ra lau chùi, cọ rửa. Những đồ đạc dù là nhỏ nhất còn dùng tốt như bát đũa, xoong chảo, giày dép đều được phơi phóng ngay trên nền nhà còn phủ dày bùn đất.
Một phụ nữ đang thử dùng tay nạo vét bùn đất nuốt trọn chiếc xe máy trước sân dãy nhà trọ. Đuôi chiếc xe máy ngoi lên trong biển bùn này là hình ảnh tiêu biểu cho thiệt hại của cơn lũ lịch sử lớn nhất suốt 40 năm nay tại Quảng Ninh.
Gian nhà bà Đặng Thị Én (50 tuổi) nằm giữa tổ 2 chịu thiệt hại nặng khi mọi đồ đạc bị tàn phá hoàn toàn. Bà sống một mình và là người may mắn thoát chết khi bám vào cánh cửa, không bị dòng nước lũ cuốn đi vào tối 26/7. Sau đó bà được một công nhân trọ nhà bên cứu thoát lên khu đất cao.
Đến ngày 5/8, bà Én (ngoài cùng bên phải) đã cũng 60 hộ gia đình khác lên khu tái định cư lánh nạn. Nơi đây có đủ điện nước, mỗi phòng 3 giường đầy đủ chăn chiếu và nhu yếu phẩm địa phương cấp phát cứu trợ cho từng hộ gia đình.
Tại mỏ than Mông Dương, sau nhiều ngày chiến đấu suốt ngày đêm, mỏ đã được khắc phục khoảng 70%. Miệng giếng khoan số 2 và suối thoát nước H10 cơ bản khơi thông. Tuy nhiên, lượng bùn đất vẫn còn đọng dày 20-30 cm trong nền sân nhà máy, ảnh hưởng đến sản xuất.
Ngày ngập cao nhất, kho vật tư bị nhấn chìm dưới hơn một mét bùn và nước.  
Công nhân nhà máy tạm thời khắc phục bằng cách phun rửa hàng trăm nghìn vật tư lớn nhỏ.
Sau đó các đội luân phiên nhau nạo vét lớp bùn đặc quánh trộn lẫn cả than và dầu ra ngoài.
Công nhân mỏ hồ hởi đứng chờ thang tại miệng giếng để xuống hầm lò vào ca làm việc. 2/3 tổng số công nhân mỏ than Mông Dương đã có việc làm trở lại sau đợt mưa lũ lịch sử.

Theo thống kê của tỉnh Quảng Ninh, đợt mưa lũ lịch sử trong nửa thế kỷ qua gây thiệt hại chưa từng thấy cho địa phương. Toàn tỉnh ghi nhận 17 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương và hàng nghìn ngôi nhà bị ngập úng, sạt lở và sập đổ. Thiệt hại về vật chất ước tính trên 2.000 tỷ đồng.

Anh Tuấn

Bạn có thể quan tâm