Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lót tay 80 triệu yen: 'Việt Nam đã có kinh nghiệm xử lý'

“Việc tờ nhật báo lớn nhất nước Nhật Yomiuri Shimbun đăng tải thông tin chứng tỏ vụ việc rất nghiêm trọng. Việt Nam cần phải vào cuộc ngay", TS Lê Đăng Doanh khẳng định.

Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI, trụ sở chính tại Nhật) đã thắng thầu trong dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM nhờ "lót tay" cho Huỳnh Ngọc Sĩ 20 triệu yen vào năm 2008.

Trước thông tin, Nhật Bản phải "lót tay" cho một quan chức Việt Nam 80 triệu yen để nhận được gói thầu đường sắt tuyến số 1, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng vì đã có kinh nghiệm từ vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ nên lần này Việt Nam cần phải vào cuộc ngay, phối hợp với Nhật Bản điều tra làm rõ.

“Việc tờ nhật báo lớn nhất nước Nhật Yomiuri Shimbun đăng tải thông tin chứng tỏ  vụ việc rất nghiêm trọng. Việt Nam cần phải vào cuộc ngay  để tổ chức điều tra. Chúng ta cũng cần hợp tác với phía Nhật, đề nghị giao hồ sơ liên quan, trong đó có lời khai chủ tịch Tập đoàn JTC”, ông Doanh nói.

Vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ tương tự như vụ án lần này tại Tổng Công ty đường sắt VN.

Theo TS Lê Đăng Doanh, vụ việc lần này tương tự với vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ, đã nhận hối lộ 20 triệu Yên của Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI, trụ sở chính tại Nhật). Nhờ vậy, PCI đã thắng thầu trong dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM.

“Có kinh nghiệm rồi, hy vọng vụ việc lần này sẽ được xử lý sớm, không nên làm lâu như vụ Huỳnh Ngọc Sĩ. Làm sáng tỏ vụ việc sẽ chứng tỏ với các nhà đầu tư trên thế giới tinh thần hợp tác, không bao che, thái độ quyết liệt trong chống tham nhũng của Việt Nam”, ông Doanh nói.

Vị chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, qua vụ việc trên, một lần nữa cần có tiếng chuông cảnh tỉnh về việc hợp tác, giám sát thi công các dự án ODA.

“Nếu lời tố cáo là thật, nhà thầu Nhật đã phải hối lộ một số tiền khá lớn. Chúng ta nên nghiêm túc nhìn lại, xem xét chất lượng của các dự án từ vốn ODA, và việc sử dụng nguồn vốn này từ trước tới nay ra sao?”, ông lê Đăng Doanh nói.

Dự án đường sắt nào ở Việt Nam vướng nghi án 'lại quả'?

JTC tố đã hối lộ 80 triệu yen (khoảng 16,5 tỷ đồng, theo tỷ giá hiện tại) cho một quan chức tại cơ quan có trách nhiệm quản lý dự án tại Đường sắt Việt Nam.

Trước đó,  vụ án ông Huỳnh Ngọc Sĩ cũng được phát hiện từ báo Yomiuri Shimbun vào ngày 25/6/2008.

Theo đó phía Nhật Bản đã truy tố bốn cựu quan chức của PCI về việc đưa tiền cho quan chức Việt Nam để được thắng thầu trong dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM, đồng thời ủy thác tư pháp, đề nghị Việt Nam phối hợp điều tra vụ tiêu cực này.

Sau khi tiếp nhận thông tin trên, cơ quan điều tra Bộ Công an đã vào cuộc, khởi tố vụ án tiêu cực tại Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM và khởi tố ông Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, kiêm trưởng ban quản lý dự án) cùng một số người có liên quan.

Căn cứ tài liệu của Nhật Bản và kết quả điều tra của Bộ Công an, Viện KSND tối cao đã truy tố ông Huỳnh Ngọc Sĩ một lần nhận hối lộ 262.000 USD từ quan chức Nhật Bản.

Ngày 18/10/2010, TAND TP.HCM xét xử tuyên phạt ông Huỳnh Ngọc Sĩ tù chung thân về tội nhận hối lộ. Ông Sĩ kháng cáo. Ngày 1/9/2011, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo trên, giảm án xuống còn 20 năm tù về tội nhận hối lộ.

Bộ Giao thông vào cuộc quyết liệt nghi án nhận hối lộ

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng yêu cầu lập ngay đoàn thanh để thanh tra tất cả dự án có nhà thầu JTC đã tham gia; dừng giải ngân và rà soát các thủ tục giải ngân.

Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm