Mưa thân yêu
Tôi đã viết gửi
mưa thật nhiều
Tôi đã khen mưa
đẹp
biết bao nhiêu
nhưng lần này tôi không
khen mưa nữa. Mưa
thân yêu, nghe
tôi dặn không thừa
Tôi dặn mưa:
mưa hãy học
biết ơn
Biết ơn sông,
biết ơn hồ,
biển lớn
Biết ơn nắng,
biết ơn trời lợn cợn
những đám mây
Biết ơn luôn cả những
ly nước đầy
Biết ơn luôn cả những
gì đầy nước
Biết ơn luôn cả những
bay hơi
mà không ai
thấy được
Như giọt lệ
ai cũng khóc
mà cứ giấu đi thôi
Biết ơn luôn cả những
bóng ai ngồi,
giọt mồ hôi mỏi
chờ mong
mưa đến.
Lời bình
Lòng biết ơn là đức tính cần thiết để gắn bó con người với nhau. Mở rộng hơn, vạn vật trong thế giới cũng được gắn kết bằng những tương giao hữu hình và vô hình, trực tiếp hoặc sâu xa gián tiếp. Thế nên, bất kỳ hiện diện nào cũng hàm chứa căn nguyên khiến ta có thể nghĩ đến khía cạnh biết ơn vì lý do của sự hiện diện.
Tứ thơ trong bài Mưa thân yêu xuất phát từ ý niệm tương giao gắn với nhu cầu nhân văn hóa cuộc đời. Từ lời nhắn gửi cùng mưa, một hành trình của nước được tái hiện thông qua các hình thái tồn tại, vận động, chuyển hóa. Đó cũng là cấu trúc của bài thơ.
Hành trình của nước trong văn bản sẽ chỉ là một mô tả địa lý - khí tượng nếu thiếu đi tư tưởng nhân văn bao trùm lên các hiện tượng. Từ tự nhiên đến con người, từ sông hồ biển cả nắng gió và hơi nước đến giọt lệ âm thầm, giọt mồ hôi mòn mỏi, chất thơ được định hình trong ý nghĩa cao cả về tồn tại của đời sống.
Đã có lúc nào chúng ta thấy mình đang sống một cuộc đời cỗi cằn và lãnh đạm? Những bận bịu lo toan có làm chúng ta quên đi ân nghĩa ở đời? Sẽ chẳng ai muốn mình là một cơn mưa vô ơn, là giọt nước vô tình như thế. Bài thơ Mưa thân yêu khẽ khàng nhắc ta điều đó.