Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Long An 'dọn đường' đón làn sóng đầu tư hậu Covid-19

Trước làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hậu Covid-19, Long An đang “đón đầu" các nhà đầu tư mới bằng việc xây dựng các khu công nghiệp tiêu chuẩn.

Ngày 17/5, Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An đã khởi công dự án Khu công nghiệp Việt Phát với diện tích 1.800 ha tại xã Tân Long, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Dự án được quy hoạch theo mô hình mới kết hợp giữa khu công nghiệp và khu đô thị, trong đó diện tích dành cho phát triển khu công nghiệp là hơn 1.200 ha.

Đây là dự án khu công nghiệp và đô thị kiểu mới, theo hướng xanh, sạch, bền vững, được kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Long An nói riêng và góp phần đón đầu “làn sóng” dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hậu Covid-19 của Việt Nam nói chung.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân Thành Long An, cho biết với hơn 1.200 ha phát triển khu công nghiệp, doanh nghiệp ưu tiên các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản.

khu cong nghiep Long An anh 1

Trong sáu tháng đầu năm 2019, Long An đã dẫn đầu về thu hút FDI ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tích lũy trong tỉnh đạt 6,1 tỷ USD. Ảnh: Hà Bùi.

“Sau dịch Covid-19, xu hướng sản xuất và chế biến thực phẩm của thế giới sẽ được chú trọng. Trong khi đó, Long An lại là trung tâm của vùng nguyên liệu, chính vì vậy đây là thế mạnh cần được ưu tiên của địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến khích những ngành nghề có tính công nghệ cao, đột phá để thúc đẩy phát triển khu vực, đẩy mạnh kết nối hạ tầng”, ông Lê Thành khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Thành cho biết doanh nghiệp đang cố gắng tạo ra sự khác biệt với các khu công nghiệp truyền thống để phục vụ nguồn FDI sắp đổ vào khu vực phía Nam.

“Dịch Covid-19 và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc là cơ hội để các nhà đầu tư đứng ra tổ chức bài bản, đúng các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị KCN thông minh, thân thiện với môi trường và định hướng phát huy tối đa tiềm năng khu vực”, ông Lê Thành nói.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Long An là một vùng đất yếu, chính vì vậy việc xây dựng hạ tầng có nhiều khác biệt so với các tỉnh lân cận như Đồng Nai hay Bình Dương. Chi phí đầu tư tại đây sẽ cao hơn gấp khoảng 1,5 lần.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng Việt Nam, hiện có nhiều khu công nghiệp nhưng được xây dựng theo mô hình cũ. Cần khuyến khích các khu công nghiệp sinh thái bởi nó giúp thúc đẩy sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường cũng như về mặt an sinh xã hội, tạo sự phát triển bền vững.

Bà Trang Bùi, Giám đốc Thị trường của JLL Việt Nam, khẳng định lĩnh vực bất động sản công nghiệp và kho vận của Việt Nam mới chỉ phát triển vài năm trở lại đây và được đánh giá là một thị trường còn non trẻ. Riêng về bất động sản công nghiệp phía Nam, hiện nay chỉ còn 2 khu vực còn nhiều quỹ đất để phát triển là Đồng Nai và Long An, trong đó Long An là địa phương có vị trí thuận lợi, là cửa ngõ chính kết nối đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM.

Bên cạnh đó, bà cho biết đại dịch Covid-19 là thời điểm giúp Việt Nam ghi điểm lớn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những doanh nghiệp đang tìm cách đưa dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

“Chắc chắn dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là thị trường châu Âu và cần một thời gian để phục hồi. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam đều đang có một niềm tin lớn vào thị trường, trong khi những doanh nghiệp đang có ý định tiến vào Việt Nam càng cảm thấy tự tin trước lựa chọn này hơn”, bà Trang Bùi thân tích.

Hà Bùi

Bạn có thể quan tâm