Cùng bán thịt lợn tại chợ Nhật Tân, nhưng sạp thịt của chị Tân luôn hết sớm nhất, thậm chí nhiều hôm khách phải xếp hàng để mua thịt như thời bao cấp. Có những khách đi chợ từ 6h30 sáng mà cũng không mua được thịt, họ đành sang tận nhà để dặn trước chị “để phần”. Chị thường đi thịt lợn của những nhà trong vùng, được nuôi bằng nước gạo từ những nhà hàng, khách sạn. "Cơm xin từ những nhà bếp khách sạn này lợn ăn không hết nên họ không phải dùng đến cám tăng trọng. Vì thế mà thịt lợn không có mùi hôi, không ra nước", chị Hà, một khách hàng của chị, tin tưởng cho biết.
Hai rổ cà chua của chị Hiền (Tây Hồ) vừa mang ra đến chợ Quảng An, chị cầm một quả lau qua loa rồi cho lên miệng ăn luôn. Khách hàng tin tưởng cà chua sạch, không có thuốc trừ sâu nên mỗi người mua vài cân. Chưa đầy 15 phút, chị Hiền đã cầm rổ đi về. Chị cho biết: “Đây là khách lạ thôi, khách quen biết, người ta còn đến mua tại ruộng, nhiều hôm không phải đi chợ”.
Lợn nuôi theo kiểu dân dã bằng rau, nước gạo được nhiều người tiêu dùng chọn vì tin tưởng sạch và đảm bảo không có chất tăng trọng. Ảnh Nhật An. |
Gần đây, người tiêu dùng không còn chuộng những mớ rau xanh mướt, mỡ màng như trước nữa. Những mớ rau còn nguyên con sâu đang bò lại có khách “vồ” ngay, họ cảm thấy yên tâm “rau này chắc không có thuốc trừ sâu”. Nhiều người chọn ăn thực phẩm giữa mùa, cuối mùa và có vẻ ngoài càng xấu, càng sâu, càng tốt. Vì theo lý giải của họ, các loại rau xanh, hoa quả đầu mùa đắt đỏ nên người trồng thường dùng thuốc vươn cho nhanh lớn.
Ngay cả những con cua đồng, tôm sông, dù là cua nhỏ nhưng lấm lem bùn đất vẫn có giá cao hơn 30.000 đồng mỗi kg so với giá cua bình thường. Chị Hằng (Tây Hồ) cho hay, mỗi lần về quê chồng tại Hà Tĩnh chị đều gom cua lên Hà Nội bán. Bảo vệ chưa kịp đến thu vé chợ thì chị đã bán hết mẻ cua.
Chị Vân (một khách hàng ở Ngọc Khánh) cho biết, dù mức giá có đắt hơn nhưng cũng đáng đồng tiền bát gạo. Chị mua một cân cua đồng với giá 160.000 đồng (đắt hơn 30.000 đồng so với cua đang bán ngoài chợ) nhưng nấu lên được đầy một xoong gạch cua thơm phức, béo ngậy. “1 kg cua thường, giá rẻ hơn nhưng không thể nhiều gạch như vậy. Nhưng quan trọng hơn cả là mua được cua sạch, lòng yên tâm và miệng cũng ăn ngon hơn hẳn”, bà nội trợ này cho biết.
Những mớ rau muống nước chưa kịp bó đã bán gần hết. Với người mua, rau sạch là rau mà người trồng cũng hái đem về ăn. Ảnh: Nhật An. |
Ngay đến gạo ăn hàng ngày, nhiều bà nội trợ cũng gửi mua những mối quen ở quê. Hạt gạo xỉn màu, vỡ rất nhiều nhưng là gạo người nhà ở quê trồng được, nên chị Hương (Thái Thịnh) rất yên tâm, chị còn đặt luôn cả chuyến xe chở cho người quen, hàng xóm, đồng nghiệp lấy mỗi người vài chục yến.
Cũng vì nhu cầu thực phẩm sạch, thực phẩm quê mà nhiều chị em văn phòng thành đầu mối buôn đủ loại hàng. Ban đầu họ mua để dùng cho gia đình, rồi dần lấy hộ người quen. Nhiều chị đã kiếm được nguồn lãi lớn từ nghề tay trái này. Những thông tin về thực phẩm bẩn, sử dụng thuốc trừ sâu, tăng trọng…tràn lan trên thị trường nên việc kinh doanh của chị em ngày càng thuận lợn.
Tuy nhiên, theo chị Thắm (Hòa Bình), muốn làm ăn lâu dài, họ phải giữ được chữ tín. Người quen ở quê phải luôn để ý và thu gom từ những nhà trồng rau an toàn. Trồng rau mà chính chủ vườn cũng hái về ăn thì mới yên tâm thu mua gửi ra phố. Chị cũng nói thêm, vì là thực phẩm quê nên không phải lúc nào cũng có sẵn, không có su hào, hoa lơ…trái mùa như các chợ ở thành phố. Mỗi chuyến hàng lên là các loại rau củ quả khác nhau, nên mỗi ngày những chủ buôn này đều phải lên thực đơn trước cho khách lựa chọn.