Nhiều người bán hàng đã gán “mác quê” cho thực phẩm của mình |
Thực phẩm “mác quê”
Đều đặn mỗi tuần, chị Ngọc Linh (Nguyễn Chí Thanh - Đống Đa) lại được mẹ gửi cho thịt lợn, thịt gà, rau củ quả từ Thạch Thất (Hà Nội). Chị Linh chia sẻ: “Đồ ăn ở quê rất yên tâm vì mẹ tôi mua tận gốc, không sợ thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích mà ăn vừa ngon lại vừa rẻ. Gửi xe khách tuy mất chút cước phí và tốn thêm chút công sức đi lấy hàng nhưng lại đảm bảo an toàn”. Chị Linh cho rằng thực phẩm quê tuy mẫu mã không được đẹp, không sử dụng chất kích thích nên thời gian chăn nuôi, trồng trọt cũng lâu nhưng đổi lại có vị ngọt thơm đậm đà, tự nhiên hơn những mặt hàng cùng loại bán ngoài chợ.
Khi thực phẩm “bẩn” đang bủa vây người dân thành thị, những thứ ở quê lại được xem trọng hơn bao giờ hết. Nhiều gia đình sinh sống tại Hà Nội đang tận dụng triệt để nguồn thực phẩm quê cho sinh hoạt của gia đình. Mỗi lần về thăm quê hay có dịp người nhà ở quê ra chơi, “hành lý” mang theo nếu không phải cà chua, khoai tây, rau lang, rau muống thì cũng có con cá, con gà hay cân thịt. Quê gần thì 1-2 tuần lại về lấy đồ, quê xa thì 2-3 tháng, không thì nhờ người thân đóng gói rồi gửi xe khách lên Hà Nội để ăn dần.
Xu hướng gửi thực phẩm sạch từ quê ra thành phố không chỉ dừng lại ở các gia đình đơn lẻ mà còn trở nên phổ biến và "chuyên nghiệp" hơn ở những cụm văn phòng. Chị Thúy An, nhân viên kinh doanh cho biết, nhân viên công ty chị quê quán nhiều nơi khác nhau, vì thế, mỗi tuần lại chia ra về quê thu gom thực phẩm. “Người nào nhà ở biển thì đặt mua tôm cá, ở những chỗ khác thì mạnh nhà nào nhà đấy mua, từ thịt gà, thịt lợn, trứng, rau củ,… Thành ra mỗi lần có ai ở quê lên là lại hô hào chị em ra bến xe khiêng đồ. Tủ lạnh nhà nào nhà nấy lúc nào cũng chật ních thức ăn”, chị An chia sẻ.
Nắm bắt tâm lý tiêu dùng của người dân, nhiều gian hàng, website bán thực phẩm quê được mở ra. Trên diễn đàn lamchame.com, webtretho.com, hay cả facebook thông tin rao bán thực phẩm quê được nhiều bà nội trợ vào xem, mua hàng và góp ý. Giá các mặt hàng được đăng công khai để người mua so sánh.
Ngoài ra, có không ít chị em phụ nữ làm văn phòng có thêm nghề tay trái là bán thực phẩm quê...
Dấu hỏi về chất lượng
Lợi dụng tâm lý “sính” đồ quê của rất nhiều dân phố, nhiều người bán hàng đã gán mác “quê” cho nhiều loại thực phẩm mà thực chất nguồn gốc đành rằng “ở quê” song chưa chắc đã đảm bảo chất lượng. Bất kỳ người bán hàng nào cũng giới thiệu là rau đặt ở quê, không phun thuốc, lợn gà nuôi tự nhiên, không dùng cám, rất an toàn, còn dân phố thì cứ tin tưởng rằng đã mua được nông sản do chính người nông dân làm ra ăn không hết. Thế nhưng, mấy ai ngờ được rằng ở quê, người trồng rau bán cũng sử dụng thuốc kích thích nảy mầm cho ngọn su su, thuốc trải lá cho rau muống… mà ngay đến người nông dân cũng không dám ăn rau mình trồng.
Trước tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm đáng lo ngại như hiện nay, việc người dân phố ưa chuộng thực phẩm quê là bình thường. Tuy nhiên, có bao nhiêu thực phẩm quê được rao bán là thật, đảm bảo tiêu chí an toàn – ngon – lành lại là chuyện khác. Nhất là khi thực phẩm quê được kinh doanh ồ ạt, cả người bán lẫn người nuôi trồng đều nghĩ tới mở rộng sản xuất mang tính thương mại hơn và đương nhiên những sản phẩm này không được kiểm soát chất lượng chặt chẽ.
Mặt khác, theo các chuyên gia thực phẩm, dù mua được thực phẩm sạch thật sự thì việc bảo quản thức ăn hàng tuần trong tủ lạnh chưa chắc đã tốt. Vì những chất dinh dưỡng, vitamin càng để lâu càng dễ thất thoát, đến khi chế biến hàm lượng dinh dưỡng sẽ không đảm bảo. Bên cạnh đó, quan điểm người mua thì đơn giản là: Lợn không nuôi cám, rau không tắm thuốc là sạch nhưng có biết đâu nguồn nước, môi trường, cách thức trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ cũng quyết định sản phẩm đó có sạch hay không.
Chất lượng thực phẩm chưa được kiểm soát, bởi vậy giải pháp chọn mua thực phẩm từ quê cho bữa cơm hằng ngày chưa hẳn đã là lựa chọn khôn ngoan. Với trình độ “phù phép” của những người bán hàng thì hàng nuôi công nghiệp có thể dễ dàng biến thành thực phẩm nuôi tự nhiên.