Nhiều cơ sở sản xuất rau lớn ở Lâm Đồng đã dùng chứng nhận VietGAP (sản xuất tốt theo quy trình đảm bảo các tiêu chí về an toàn, môi trường...) để bán tại các siêu thị. Thế nhưng, do không đủ nguồn cung, các cơ sở đã tổ chức thu gom rau trôi nổi trộn với rau VietGAP đưa đi tiêu thụ. Mỗi ngày từ Đà Lạt và Đức Trọng có khoảng 40 tấn rau trôi nổi được đưa ra thị trường dưới lớp vỏ bọc rau VietGAP. Sau khi vào siêu thị, lượng rau lớn với đủ chủng loại mặc nhiên được xem là rau rạch, chất lượng cao.
Nhân viên vựa rau Liên Quân (đường Hồ Xuân Hương, TP.Đà Lạt) đóng gói ớt Đà Lạt lên xe của công ty trách nhiệm hữu hạn Phong Thúy. |
Cam kết một đằng, làm một nẻo
Công ty trách nhiễm hữu hạn sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) được xem là một trong những cơ sở sản xuất rau lớn nhất tại Đức Trọng, chuyên cung cấp rau củ cho hệ thống siêu thị Co.op Mart và Lotte Mart. Ngoài đội xe tải đông lạnh có tải trọng 15 tấn chuyên chở hàng về TP.HCM tiêu thụ, cơ sở này còn có khoảng năm chiếc xe tải nhẹ, xe máy cày. Đội xe này ngoài chở rau từ trang trại của công ty, hằng ngày tỏa đi khắp nơi từ chợ Đức Trọng, chợ nông sản Đức Trọng, các nhà vườn tại huyện Đơn Dương, TP.Đà Lạt... thu gom rau.
Gần một tuần đi theo các xe hàng chở rau củ cho cơ sở Phong Thúy, chúng tôi ghi nhận cơ sở này mua nhiều loại rau củ nằm ngoài vùng nguyên liệu đăng ký của công ty. Thậm chí một số nơi bán hàng cho công ty không hề có giấy phép kinh doanh. Trong khi đó, hợp đồng cung ứng rau cho Co.op Mart, công ty này đã cam kết “cung cấp rau củ quả đạt chuẩn VietGAP có xuất xứ Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam”.
Lừa gạt người tiêu dùng
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Uyên - người nhận được chứng chỉ đào tạo Global GAP trực tiếp từ Tổ chức Global GAP của Đức: “So với Global GAP, VietGAP là một tiêu chuẩn thu nhỏ hơn nhiều. Về kỹ thuật, VietGAP không khó làm nhưng phải tuân thủ những tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt. Không phải mảnh đất nào cũng có thể đăng ký sản xuất VietGAP. Chỉ cần nằm cạnh nguồn nước ô nhiễm hoặc chất đất không đảm bảo tiêu chuẩn... cũng bị loại. Các cơ quan chức năng lập ra là để giám sát quá trình thực hành các tiêu chuẩn nông nghiệp để cho ra sản phẩm sạch. Vì vậy, nếu chỉ cần “du di” đầu vào, chúng ta sẽ có một đầu ra không đảm bảo và người tiêu dùng sẽ bị lừa gạt.
Theo chân ông Thọ, là người chạy xe ba gác cho vựa cà rốt Nam, chúng tôi ghi nhận liên tiếp trong bốn ngày, từ 10 đến 13/9, vựa rau Nam đã cung cấp cho công ty Phong Thúy đều đặn 1,3 tấn cà rốt/ngày. Đặc biệt, vào ngày 10/9, công ty Phong Thúy đã nhập 2,3 tấn cà rốt từ vựa rau Nam nhiều lần bằng xe ba gác.
Cà rốt trước khi rời vựa rau Nam được cho vào máy rửa sạch đất và cắt cuống sạch sẽ. Sau khi chuyển vào nhà kho của công ty Phong Thúy, nhân viên tại đây chuyển toàn bộ hàng sang các thùng nhựa cho đúng quy cách xuất hàng VietGAP rồi chất lên xe đông lạnh, không hề qua các bước xử lý khác.
60% là rau trôi nổi
Tại chợ Đức Trọng, đội xe của công ty Phong Thúy liên tục tấp xe vào các vựa rau để lấy hàng. Bà Tiệp, chủ vựa rau Lý Bằng, nói: “Phong Thúy lấy rau tại vựa tôi cách nhật, các ngày khác thì lấy tại vựa khác cũng trong chợ này. Mỗi ngày tôi bán cho công ty đó chừng 600kg”. Lý Bằng là vựa rau lớn chuyên cung cấp cải thảo và ớt. Theo bà Tiệp, mỗi sáng cơ sở của bà có khoảng 10 người tỏa đi khắp huyện Đơn Dương, huyện Đức Trọng để gom đủ hàng bán cho Phong Thúy và nhiều công ty cung ứng nông sản khác trên địa bàn huyện. Bà Tiệp là người hoàn toàn không biết gì về chứng chỉ VietGAP. “Rau đẹp mua về dễ bán là được, chứng chỉ gì không quan trọng”, bà Tiệp cho hay. Tại chợ Đức Trọng, đội xe của Phong Thúy còn đảo qua các vựa rau Tấn Tuyển, Muồn, Thu Cường để gom hàng cà chua.
Để đa dạng sản phẩm của mình, công ty Phong Thúy còn gom hàng tại Đà Lạt, chủ yếu ở vườn rau Liên Quân (đường Hồ Xuân Hương) và vựa rau ông Thiêm (đường Nguyên Tử Lực). Theo ghi nhận, từ sáng đến trưa 13/9, xe đông lạnh tải trọng 1,5 tấn có đề tên công ty Phong Thúy đã gom đầy xe toàn rau tần ô, ớt Đà Lạt, cải bó xôi. Vựa rau Liên Quân là vựa rau chưa được cấp phép kinh doanh và cũng chưa có chứng chỉ VietGAP.
Một cơ sở lớn khác tại Đà Lạt cũng có cách làm tương tự là công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất rau Đức Thành (đường Đồng Tâm, TP.Đà Lạt). Công ty này có 4,2ha đất trồng rau, củ các loại theo tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên lại liên kết với nông dân tại TP.Đà Lạt đẩy vùng nguyên liệu của mình lên khoảng 50ha, tập trung chủ yếu tại P.4, P.7 và xã Xuân Trường.
Ông Vũ Trọng Đức, Giám đốc công ty Đức Thành, cho biết các hộ dân liên kết của mình không phải là những hộ được cấp chứng chỉ VietGAP. Ông thừa nhận dù công bố với các đối tác siêu thị Big C, Maximark, Hiway... rằng tiêu chuẩn rau củ của mình là VietGAP, nhưng thực tế chỉ khoảng 50% lượng rau cung cấp là đúng tiêu chuẩn đã công bố, còn lại hằng ngày ông đặt hàng nhiều nhà vườn ở Đà Lạt. “Mỗi ngày tôi bán cho Big C, Maximark, Hiway, mỗi đơn vị 1 tấn rau”, ông Đức nói. Theo ông Đức, các đối tác của ông đều biết việc này, tuy nhiên vì giá rau VietGAP họ mua cũng ngang các loại rau sản xuất theo phương pháp truyền thống nên không thể đòi hỏi hơn.
Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy có 40ha đất sản xuất rau theo mô hình VietGAP. Với diện tích này, Phong Thúy có sản lượng tối đa 8 tấn/ngày (sản xuất liên tục không cho đất nghỉ). Tuy nhiên, mỗi ngày cơ sở này cung cấp cho hệ thống siêu thị Co.op Mart 15-20 tấn, Lotte Mart 1-1,5 tấn. Do đó để đủ lượng hàng cung cấp, ông Nguyễn Hồng Phong, giám đốc công ty Phong Thúy, cho biết phải đi gom bên ngoài. Bà Nguyễn Thị Diễm Thúy - vợ ông Phong, người phụ trách khâu thu mua tại công ty Phong Thúy - lý giải việc gom hàng của mình: “Sức ép của đối tác lớn nên buộc phải làm thế, nếu không đủ hàng đối tác sẽ cắt hợp đồng”. Ông Phong cho rằng, việc thiếu rau VietGAP cung cấp cho siêu thị và thông tin phải mua rau bên ngoài để bán kèm ông đã có thông báo cho siêu thị.
Biết nhưng phải nương tay
Đó làm quan điểm của ông Lê Văn Lục, chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh Lâm Đồng. Ông Lục cho rằng: “Việc các cơ sở cung ứng rau mua rau bên ngoài rồi kèm chung với rau VietGAP để bán cho các siêu thị bên ngoài là sai phạm. Chúng tôi biết nhưng có nương tay để họ có điều kiện sản xuất và có vốn đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu rau VietGAP của mình, nếu siết chặt quá thì họ không sản xuất VietGAP nữa, khi đó cũng khó khăn cho vùng rau Lâm Đồng. 260ha rau VietGAP tại Lâm Đồng không thể đủ cung ứng cho các siêu thị lớn tại TP.HCM. Tuy nhiên chúng tôi vẫn thường xuyên giám sát chất lượng rau của các cơ sở cung ứng rau lớn ở Lâm Đồng”.