Triều Tiên đã bắt đầu năm 2022 bằng việc tiến hành 7 vụ phóng tên lửa chỉ trong một tháng, bao gồm cả tên lửa có tầm bắn xa nhất kể từ năm 2017. Động thái này làm dấy lên lo ngại về khả năng nhà lãnh đạo Kim Jong Un tái khởi động thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Thế nhưng, thay vì đề cập đến vấn đề này, mới đây, Bình Nhưỡng đã cho ra mắt bộ phim tài liệu kể lại cuộc đấu tranh của ông Kim để giúp nền kinh tế đất nước vốn đang “quay cuồng” sau thời gian dài phong tỏa và các lệnh trừng phạt quốc tế.
Bộ phim tài liệu phát sóng ngày 1/2, có tên là "Năm đại thắng 2021" dài 110 phút, liệt kê loạt thành tựu của đất nước trong phát triển, chế tạo tên lửa và nỗ lực đánh bại đại dịch Covid-19 dưới sự dẫn dắt của lãnh đạo Kim Jong Un.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: KCNA. |
Điều đáng nói là dù không nêu rõ, bộ phim đã đề cập thoáng qua cuộc khủng hoảng lương thực mà Triều Tiên phải đối mặt trong bối cảnh đất nước đóng cửa biên giới để phòng chống Covid-19, đồng thời đối mặt lệnh trừng phạt và tình trạng hạn hán, lũ lụt, theo Washington Post.
Phong cách của nhà lãnh đạo Triều Tiên
Bộ phim tài liệu kéo dài gần hai giờ là tác phẩm thường niên, nêu ra hàng loạt thành tựu lớn nhất của Triều Tiên trong năm qua và ca ngợi nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Chủ đề của bộ phim có thể thay đổi hàng năm, nhưng năm nay bộ phim nhấn mạnh vào những đóng góp của ông Kim trong các vấn đề kinh tế.
Bộ phim thừa nhận rằng "tình hình đất nước đang khó khăn hơn bao giờ hết", một dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu lương thực đã trở thành vấn đề không thể phủ nhận tại Triều Tiên.
Người dẫn cho hay trong một cuộc họp, ông Kim bày tỏ quan ngại rằng “điều cấp thiết để ổn định sinh kế cho người dân là giảm bớt tình trạng lương thực căng thẳng”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã kêu gọi các biện pháp khẩn cấp để giải quyết “cuộc khủng hoảng lương thực”, trong bối cảnh sản lượng ngũ cốc giảm sút trầm trọng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cưỡi ngựa trắng trong bộ phim tài liệu. Ảnh: KCNA. |
Theo Rachel Minyoung Lee, cựu chuyên gia phân tích về Triều Tiên, việc bộ phim tài liệu mô tả về tình hình thiếu lương thực của Triều Tiên phù hợp với phong cách của ông Kim - người có xu hướng muốn thể hiện rõ ràng hơn các vấn đề mà đất nước phải đối mặt so với những người tiền nhiệm.
Bà Lee đưa ra ví dụ rằng đó sẽ là điều không tưởng nếu một ấn phẩm tuyên truyền của Triều Tiên sử dụng thuật ngữ “khủng hoảng lương thực” vào những năm 1990 - khi mà tình trạng thiếu lương thực còn nguy cấp hơn tình hình hiện tại.
“Tôi không chắc về điều này nếu chúng ta đang sống trong thời đại của ông Kim Jong Il (cha ông Kim Jong Un)”, bà Lee nói. “Giờ đây, chúng ta đang thấy cái nhìn rõ ràng hơn về những vấn đề thực tế".
Triều Tiên đã áp đặt lệnh đóng cửa biên giới trong suốt đại dịch Covid-19. Theo các chuyên gia, nước này đã hạn chế hoạt động thương mại với Trung Quốc, đối tác kinh tế lớn nhất của mình. Điều này đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực, vật tư và tiền mặt, tác động nghiêm trọng đến những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Theo Washington Post, Triều Tiên dường như đã thực hiện các bước để nối lại một số hoạt động thương mại với Trung Quốc, nhưng mức độ vẫn chưa rõ ràng.
Nỗ lực “nhân hóa” ông Kim
Trong phim, ông Kim đã đến thăm các dự án phức hợp nhà ở tại Bình Nhưỡng, tổ chức nhiều cuộc họp lãnh đạo và tham dự các cuộc duyệt binh.
Bộ phim có một đoạn cho thấy ông Kim phải vật lộn để bước xuống cầu thang trong chuyến thăm công trường xây dựng vào ngày mưa.
"Đoạn phim này cho thấy những đức tính như một người mẹ nơi ông, khi ông quên mình vì ước mơ của mọi người", người thuyết minh trong phim nói. Người này thậm chí còn mô tả "cơ thể của ông đã héo hon" do làm việc quá nhiều.
Ông Kim Jong Un với những bước đi gây chú ý trong phim tài liệu mới phát sóng. Ảnh: Reuters. |
Việc ông Kim bị sụt cân cũng có thể nhìn thấy rõ trong suốt bộ phim, thông qua cảnh quay từ những ngày đầu cho đến thời gian gần đây khi ông gầy đi đáng kể.
Chia sẻ với AFP, bà Lee cho rằng: "Chủ đề quan trọng của bộ phim tài liệu là thể hiện sự tận tâm của ông Kim đối với người dân".
Đồng tình với quan điểm này, ông Yang Moo Jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nói rằng đây là một nỗ lực nhằm "nhân hóa" ông Kim.
“Họ đang cố khắc họa ông ấy như một nhà lãnh đạo rất yêu thương người dân. Kết quả là ông ấy thường xuyên phải làm việc quá sức và mệt mỏi”, ông Yang nói.
Đoạn phim được quay lại cũng cho thấy cảnh ông Kim cưỡi một con ngựa trắng - biểu tượng quan trọng thể hiện quyền lực của gia tộc họ Kim.
Những bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Triều Tiên trên lưng ngựa trắng “được sử dụng để nhắc nhở người xem rằng ông Kim Jong Un là hậu duệ của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, một người được tôn kính", ông Yang nói.
Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Triều Tiên đang chuẩn bị kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông Kim Jong Il, cha ông Kim Jong Un vào tháng 2 cũng như sinh nhật lần thứ 110 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào tháng 4.
Trong khi đó, theo ông Cheong Seong Chang thuộc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên của Viện Sejong (Hàn Quốc), bộ phim tài liệu được phát hành vào dịp Tết Nguyên đán có thể là một nỗ lực để cho thấy tình trạng sức khỏe của ông Kim.
"Các cảnh cưỡi ngựa dường như được đưa vào để ‘khoe’ ông Kim khỏe mạnh", ông cho biết.
Trước đó, ông Kim đã khiến giới quan sát chú ý vào mùa hè năm ngoái khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhà nước với vẻ ngoài gầy đi đáng kể.
Hồi tháng 6/2021, hãng truyền thông nhà nước KCNA thậm chí đã phát sóng các cuộc phỏng vấn người dân Triều Tiên - những người cho biết họ lo lắng về vẻ ngoài của nhà lãnh đạo. Một số người chia sẻ rằng “nước mắt của họ tự nhiên trào ra” khi chứng kiến cảnh ông Kim "tiều tụy".