Nhà chức trách Singapore cho biết 70% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ, trong khi gần 80% người được tiêm ít nhất một liều vaccine. Tỷ lệ này giúp Singapore trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tiêm chủng cho người dân đứng đầu khu vực, Bloomberg đưa tin.
Đối với những người đã được tiêm vaccine, cuộc sống sẽ diễn ra như thường lệ. Họ có thể ăn uống tại nhà hàng, chơi các môn thể thao trong nhà, và đến dự các sự kiện lớn.
Còn những người chưa tiêm vaccine - với số lượng ít hơn nhóm người trên - sẽ phải xét nghiệm Covid-19 trước khi muốn tham gia các hoạt động ngoài cộng đồng. Nếu không xét nghiệm, họ chỉ được đi theo nhóm tối đa hai người tại các trung tâm bán hàng rong hoặc ở các quán cà phê, và không được tập trung đông người, theo Straits Times.
Cách làm này nhằm bảo vệ những người chưa tiêm vaccine, do hệ quả của việc mắc phải virus corona, từ đó làm lây lan ra cộng đồng, sẽ rất nghiêm trọng, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Ong Ye Kung.
Tuy vậy, chính sách này gây nên nhiều tranh cãi. Hai tuần trước, nhiều người làm đơn kiến nghị chính phủ nước này gỡ bỏ các quy định hạn chế với nhóm chưa tiêm vaccine. Đến nay, đơn kiến nghị đã thu về hơn 10.000 chữ ký.
Một số người cảm thấy các quy định này mang tính phân biệt đối xử. Một số khác không hài lòng với cách chính phủ truyền đạt thông tin.
"Có người xem các quy định này là để bảo vệ những người chưa tiêm vaccine. Và cũng có người nghĩ đây là một hình phạt do họ từ chối tiêm vaccine", ông Peter Heng, một luật sư, nói với Straits Times. "Cùng một biện pháp, nhưng mỗi nhóm người sẽ nhìn nhận rất khác nhau".
Một trường hợp không tiêm vaccine Covid-19 là bà Macalia Fong, 60 tuổi. Bà có tiền sử bị dị ứng nặng với nhiều loại thuốc và được bác sĩ khuyên chưa nên tiêm vaccine.
Bà Fong cho biết nhiều nhà hàng nói rằng họ không đón tiếp những vị khách chưa tiêm vaccine như bà, dù bà sẵn lòng chi trả để được xét nghiệm Covid-19.
"Không phải là tôi không muốn tiêm vaccine Covid-19", bà Fong nói. "Tôi cũng muốn bảo vệ bản thân. Nhưng cơ thể tôi không cho phép tôi tiêm vaccine. Tôi có thể khiến bản thân gặp nguy hiểm".
Theo nhà xã hội học Tan Ern Ser tại Đại học Quốc gia Singapore, chính sách này có thể khiến đất nước bị chia rẽ. Những người không tiêm vaccine Covid-19 do hoàn cảnh khách quan sẽ cảm thấy họ bị trừng phạt vô cớ.
Ngoài ra, còn những người có lý do chính đáng để hoãn tiêm chủng, dù được khẳng định về sự an toàn của vaccine, như phụ nữ mang thai, ông Tan bổ sung.
Tuy nhiên, ông khẳng định "không thể thông cảm cho những người nghĩ rằng vaccine là một hình thức ép buộc".
Ông Tan hi vọng những quy định mới sẽ thôi thúc nhóm người còn do dự sớm đi tiêm vaccine.
Giáo sư Teo Yik Ying của Đại học Quốc gia Singapore khuyên những người chưa tiêm vaccine chỉ nên tiếp xúc với người sẵn sàng hạn chế di chuyển và tương tác xã hội. Hành động này nhằm ngăn ngừa virus lây lan, do người đã tiêm vaccine vẫn có thể mắc phải virus và truyền cho người khác.
"Bạn đã được tiêm chủng. Nhưng nếu trong nhà mình có người chưa được tiêm, đặc biệt là người cao tuổi, thì bạn cần phải giảm thiểu các hoạt động tương tác xã hội của mình", ông Teo cho biết.
"Mục đích của những quy định này không phải là phân biệt đối xử. Đó là cách chúng bảo vệ những người chưa tiêm vaccine khỏi căn bệnh nguy hiểm và cái chết", vị chuyên gia nói.