Con cưng của các đại gia Trung Quốc thường chỉ thích hưởng thụ. Ảnh: Weibo |
Dù chỉ làm công việc kinh doanh bình thường hoặc thậm chí thất nghiệp, các cậu ấm, cô chiêu hay còn có tên khác là thế hệ siêu giàu thứ 2 vẫn thoải mái tiêu xài vì cha mẹ của họ là các doanh nhân giàu có hay quan chức chính phủ, theo Daily Mail.
Tháng 4/2013, tờ Nhật báo Thượng Hải đưa tin về một bữa tiệc sex và ma túy của hội siêu giàu diễn ra tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam. Giới chức khám xét một du thuyền sau khi nhận thông báo một người mẫu bán dâm tại bữa tiệc với giá 600.000 Nhân dân tệ (tương đương 96.600 USD).
Guo Meimei, 23 tuổi, là nữ hoàng trong nhóm thế hệ siêu giàu thứ 2. Một cậu ấm tên Chen Junyu tố cáo cô tội bán dâm tại bữa tiệc ở Tam Á. Meimei phản ứng bằng cách đăng ảnh 5 triệu Nhân dân tệ (khoảng 700.000 USD) tiền thắng cược trên mạng xã hội với chú thích: “Quá giàu để phải bán thân”. Đáp lại, Junyu đăng ảnh chụp tài khoản ngân hàng của mình với số dư lên tới 3,7 tỷ Nhân dân tệ (gần 600 triệu USD).
Màn đấu khẩu và khoe khoang trên mạng giữa Meimei và Junyu khiến dư luận phẫn nộ. “Thật đáng khinh cho một loạt ‘cậu ấm cô chiêu’ chỉ biết khoe của”, một tài khoản Twitter bình luận.
Năm 2014, Meimei từng bị bắt do phạm tội đánh bạc và thừa nhận từng đổi tình để lấy tiền trong quá khứ. Cô này còn lớn tiếng tự nhận mình là thành viên của Hội Chữ thập đỏ. Tổ chức này sau đó phải tuyên bố rõ rằng không có mối liên hệ nào với Meimei.
Muôn kiểu khoe mẽ
Zhang Jiale khoe loạt sản phẩm hàng hiệu trên mạng xã hội để thể hiện đẳng cấp. Ảnh: Weibo |
Một trường hợp nổi tiếng khác trong giới thanh niên giàu có Trung Quốc là cô nàng tomboy Zhang Jiale. Cô gái 22 tuổi này là người thừa kế duy nhất của Zhang Jun, một nhà tài phiệt kinh doanh hàng điện tử, bảo hiểm và bất động sản. Zhang từng đăng loạt ảnh chụp túi xách hàng hiệu, phi cơ riêng và bữa tiệc với sự góp mặt của các cô nàng chân dài.
Tuy nhiên, sự việc nghiêm trọng hơn cả là vụ tai nạn của siêu xe Ferrari 458 Spider thuộc sở hữu của Ling Gu, con trai của một quan chức cấp cao thuộc chính phủ, tại Bắc Kinh, hồi năm 2012. Gu, khi đó 23 tuổi, thiệt mạng cùng 3 cô gái trẻ đẹp. Hai người trong tình trạng khỏa thân, còn cô thứ 3 đang cởi đồ thì bị thương nặng.
Tháng 4/2015, hai siêu xe Lamborghini và Ferrari do thanh niên họ Tang (21 tuổi) và Yu (20 tuổi) điều khiển va chạm tại một đường hầm. Truyền thông đăng rất ít thông tin về hai tài xế, nhưng cảnh sát cho biết họ đều thất nghiệp. Chi tiết đó khiến cư dân mạng nghi ngờ hai thanh niên này là con của đại gia.
Hồi tháng 5, Wang Sicong, con trai của nhà tài phiệt Wang Jianlin - người giàu nhất Trung Quốc - đăng ảnh chó cưng đeo hai chiếc đồng hồ thông minh của hãng Apple bằng vàng thật ở hai chân trước. Wang còn đăng thêm dòng tin nhắn đầy khoe khoang trên mạng xã hội. Hơn thế, cậu ấm còn thuê một khu nghỉ dưỡng ở Tam Á để tổ chức sinh nhật lần thứ 27 và mời T-Ara, nhóm nhạc nữ nổi tiếng Hàn Quốc sang biểu diễn.
Luôn cô đơn
Tác giả Wang Daqi. Ảnh: Wang Daqi |
Tháng 6, Nhật báo Thanh niên Trung Quốc đưa tin 70 cậu ấm, cô chiêu của các tỷ phú Trung Quốc được gửi tới khóa huấn luyện trách nhiệm với xã hội và lòng yêu nước tại tỉnh Phúc Kiến. Các quy tắc của khóa học rất nghiêm ngặt. Bất cứ ai đến muộn đều phải nộp phạt.
Theo một số nhà phân tích, gốc rễ mọi vấn đề của thế hệ siêu giàu thứ 2 Trung Quốc xuất phát từ sự cô đơn mà họ luôn phải đối diện vì thiếu sự quan tâm chăm sóc từ cha mẹ.
Một bài viết trên tờ Nhật báo Quảng Châu nhận định, các bậc cha mẹ giàu có thường quan tâm nhiều đến vật chất hơn là chăm lo cho con cái. "Thiếu sự gắn kết giữa cha mẹ và con làm nảy sinh những hành vi không phù hợp", bài báo viết.
Trong khi đó, Wang Daqi, tác giả cuốn sách Con cái của giới nhà giàu mới xuất bản cho biết, nhiều cậu ấm, cô chiêu phải trải qua một tuổi thơ cô độc. “Họ lớn lên mà không nhận sự kèm cặp của cha mẹ. Họ thường được ra nước ngoài học. Cha mẹ cảm thấy có lỗi nên bù đắp bằng cách cho con thêm thật nhiều tiền”, Wang nhận định.