Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lối sống của Tô Hoài

Tô Hoài viết thật nhiều, có tới 150 đầu sách, nhưng ông không coi mình là quan trọng. Bảo là biết điều, là khiêm tốn có lẽ không phải. Ai đâu còn trẻ con thế! Sống cho nhẹ nhõm.

Ai từng sống ở Hà Nội, từ trước 1945 - hoặc nói rộng ra một chút, trước 1954 - hẳn nhớ thành phố này vốn bé nhỏ và xinh xắn so với bây giờ rất nhiều.

Ngày ấy, từ mạn trường Chu Văn An đổ lên suốt đường Thụy Khuê và song song với nó là đường Hoàng Hoa Thám, phố xá đã trở nên vắng vẻ hẳn. Đến đầu dốc Tam Đa, chỗ tránh tàu điện, thì cảm giác ngoại ô càng trở nên rõ rệt; từ đây đến chợ Bưởi là vùng đất của các làng nghề: Làng Hồ, làng Cả làm giấy, dân Nghĩa Đô, làng Võng dệt cửi...

Một tháng sáu phiên, như mọi phiên chợ vùng quê, chợ Bưởi họp, và ở đấy người ta bắt gặp những gương mặt của một vùng đất bảo hào hoa, thanh lịch cũng được, mà bảo cũ kỹ, mòn mỏi, quê mùa, đi dần đến tan rã cũng được.

Những cảm giác này đã được diễn tả khá đầy đủ trong những trang sách của Tô Hoài, và các nhà nghiên cứu đã nói đủ thứ về nó, nào là ý nghĩa hiện thực, nào là ý nghĩa nhân đạo (mới đây, theo Tô Hoài kể, một nhà xuất bản ở Pháp đã gửi thư cho ông, ngỏ ý muốn dịch in lại tất cả những gì Tô Hoài đã viết liên quan đến cái vùng ngoại thành phía bắc).

Song để tìm hiểu con người làm nghề Tô Hoài, thì đấy cũng là điểm xuất phát. Những câu hát ru con, hát ví, mà bây giờ ta gọi là ca dao, dân ca, hoặc những câu Kiều, Hoa Tiên lởn vởn trở đi trở lại trong truyện Tô Hoài.

- Trăng thề còn đó trơ trơ

- Nhớ ngày nào liễu mới ngâm

Le te bên vũng độ tầm ngang vai

Chợt đâu bóng cả cành dài

Đã sương đã khói đã vài năm nay

- Anh thương cô nàng như lá đài bi

Ngày thì nắng dãi đêm thì dầm sương.

Trong truyện này nhân vật chính là cô Lụa, ở truyện kia là cô Mùi, rồi cô Ngây, cô Mì... xoay quanh các cô bao giờ cũng có một trang thanh niên giỏi giang văn vẻ nhưng lại nghèo rớt mùng tơi và lại thuộc Kiều và có thể làm thơ lẩy Kiều, để nói điều tâm sự. Có cảm tưởng như Tô Hoài là từ đám trai làng ấy mà ra. Tô Hoài viết văn, là để đi xa hơn cái việc những người thanh niên kia bắt đầu mà không bao giờ dám nghĩ tới chuyện đi tiếp.

Cần nhất lúc đầu là phải láu lỉnh và liều lĩnh một chút, liều lĩnh phiêu lưu như chàng dế mèn nọ, mà Tô Hoài đã dựng lên, để gửi gắm ít mơ mộng của tuổi trẻ. Nhưng những cái đó ở Tô Hoài không thiếu. Và thế là, cũng như những Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, một người làm nghề kiểu mới đã hình thành.

Chan dung To Hoai anh 1

Nhà văn Tô Hoài. Ảnh: An Thành Đạt.

Xưa kia, nói tới văn chương là nói tới lớp nhà nho hay chữ. Chẳng qua chán công danh, nên lấy câu thơ quyển truyện làm vui, mà trong những điều viết ra, vẫn còn bao niềm tâm sự.

Cho tới đầu thế kỷ này, khi nền văn học cũ tàn lụi thì lập tức nền văn học mới thay thế, và người làm văn chí ít cũng là lớp con nhà giàu, ở nhà học chữ Hán với gia đình, đến trường học tiếng Pháp theo quy cách nghiêm cẩn của nhà trường thuộc địa. Và tuy không ai giao phó, thật ra họ vẫn nhận lấy trách nhiệm của người trí thức phát ngôn cho những ý tưởng mà lớp thượng lưu muốn nói với xã hội.

Nhưng trong toàn bộ cái nền rộng lớn của văn hóa văn minh phương Tây được du nhập vào xứ sở này nửa đầu thế kỷ XX, còn có một hạt nhân quan trọng là tinh thần dân chủ. Cùng sự giàu có lên của toàn thể xã hội, lớp người nghèo khó có sự trưởng thành vượt bậc về mặt ý thức, và từ trong hàng ngũ của họ, bắt đầu có những người dám cầm lấy cây bút.

Những nhà văn loại này - như Vũ Trọng Phụng, như Nguyên Hồng, như Nam Cao - không tính tới chuyện cao sang, thoạt đầu, họ chỉ viết vì bức bách, vì thấy sự đời quá nhiều nông nỗi đau xót, và cũng có thể đơn giản là vì tìm thấy trong sự viết lách một cái kế để sinh nhai.

Song trong quá trình kiếm sống, sự thực là họ đã nói lên tiếng nói của lớp dân lao động nghèo khổ. Không thể đòi hỏi họ quá nhiều. Khối người trong họ, trong đó có những cây bút rất có năng khiếu, đã như giống cây, ngày một cằn cỗi, vì thiếu kiến thức và không bao giờ vươn lên để trở thành một trí thức thực thụ.

Nhưng làm nhà văn chép được sự đời, thương cảm với những đau đớn ngang trái, làm nhà văn để nói hết cái cuộc sống vừa đẹp đẽ, vừa rất buồn này, thì nhiều người trong họ làm được, nhất là ở những người biết tự học và thường xuyên làm giàu kiến thức thêm cho mình.

Tô Hoài chính là một mẫu nhà văn thuộc về nhân dân lao động, nhà văn kết quả của quá trình dân chủ hóa [...]. Vượt lên trên những anh Hời, anh Cuông - chỉ lẩy Kiều, chỉ sáng tác thơ để chép vào sổ gửi các cô gái hoặc truyền tụng trong làng, sáng tác của Tô Hoài nay có dịp phổ biến rộng rãi hơn; như con cá từ ngòi đã ra đại dương, song nhìn kỹ, những dấu vết của ngày hôm qua, của cái khu vực xuất thân, không phải không còn thấp thoáng.

Tuy nhiên, dù là chỉ nghiên cứu Tô Hoài trong nghề cầm bút, người ta không thể không ghi nhận một sự thực:

Ngay từ 1940, khi bắt tay làm quen với giới sáng tác đương thời, thì đồng thời tác giả Dế mèn cũng bước vào hoạt động cách mạng. Lúc đầu ở thời kỳ Mặt trận bình dân, ông hoạt động trong cơ sở Hội ái hữu thợ dệt Hà Đông. Sau đó ông lại được tổ chức Đảng ở Hà Nội bắt liên lạc để hình thành nên lực lượng Văn hóa cứu quốc.

Tiếp đó, từ sau 1945, những hoạt động xã hội của nhà văn ngày một đa dạng. Triển khai ra theo chiều rộng, có lúc ông trở thành anh cán bộ địa phương, có thời gian đi cải cách ruộng đất, đi học trường Đảng nhiều năm làm đối ngoại nhân dân, đồng thời vẫn giữ chân trưởng ban đại biểu dân phố (1965-1972) ở cơ quan văn nghệ trên Trung ương hay ở Hà Nội, hầu như từ 1946 tới nay, khóa nào ông cũng được bầu làm bí thư chi bộ, đảng bộ.

Mặt khác, ngay trong giới cầm bút, ông cũng luôn luôn có hoạt động xã hội của mình, khi là Phó tổng thư ký Hội Nhà văn, khi chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội, từ đó đẻ ra cơ man nào là đầu việc, là họp hành, mà người ta gọi chung là công tác.

Hơn 50 năm trời liên tục như thế, lẽ tự nhiên là ở Tô Hoài, hình thành nên cả một nếp sống lạ lùng. Ở ông, cùng lúc tồn tại nhiều con người khác nhau: Nhà văn lam lũ ham đi ham viết và anh cán bộ tháo vát, chẳng việc gì có quyền từ nan; người lãng tử lang thang trong đời vui đâu chầu đấy và ông chủ văn chương nhạy cảm, giàu kinh nghiệm, biết đối phó với mọi biến chuyển ở khu vực mà mình phụ trách; người học trò chân thành và người thầy lâu năm phải nói như sách giáo khoa quy định.

Nhờ những con người này chung sống một cách hòa thuận, Tô Hoài cùng lúc làm được bao nhiêu việc khác nhau. Nhưng trong sự nhập vai thuần thục đó, tinh ý một chút sẽ nhận ra một sự phân ly nho nhỏ. Bên cạnh con người dễ dàng từ tốn, sống hoà hợp với mọi người là một cá nhân đơn độc với những tâm sự riêng. Có những lúc ngồi giữa bạn bè, bên chén rượu, con người đó vẫn cảm thấy bơ vơ một thân một mình như đang phiêu diêu đến chân trời xa lạ.

Trong một bài viết về Nguyên Hồng (in trong tập Những gương mặt, tr. 103), Tô Hoài tự nhận “Tính riêng tôi vốn ưa thầm lặng, vùi mình vào một xó”.

Đến phần hồi ức về Vũ Ngọc Phan, nhân lời trách của nhà phê bình đàn anh là sao không đến chơi, Tô Hoài nhìn lại mình như nhìn một ai khác: “Người ta cứ mỗi tuổi lại cứ thành nếp những tính nết kỳ quặc, riêng biệt, về sau tôi đâm ra lười nhác giao thiệp, ưa lủi thủi”.

Nhưng rồi cũng chỉ được phép đơn độc đến thế! Rồi cuộc đời chủ yếu lại là công việc, là những buổi họp, là những chuyến du ngoạn, là hội thảo nọ, hội thảo kia, là các loại báo cáo dài dòng, và những thầm thì hội ý kín đáo, nói chung là những màn diễn, mà có khi mình lên sân khấu, có khi mình là người khán giả đứng xem.

Và trong mọi việc lại thấy hiện ra một Tô Hoài lõi đời, sành sỏi, con ruồi bay qua không lọt khỏi mắt! Những chuyến giang hồ vặt không một đồng xu dính túi; cái miên man cuốn hút khi dông dài giữa đám cầm bút nhà nghề, những chuyến viễn du, mãi tận Huế, tận Sài Gòn, Dầu Tiếng, cái tự nhiên không dễ có khi một mình về công tác tại một bản Mèo thấp thoáng giữa triền núi cao... bao nhiêu từng trải, như còn in dấu vào cách sống, cách chuyện trò của Tô Hoài hôm nay, bên cạnh cái nhũn nhặn lảng tránh, con người ấy thật cũng đã nhiều phen phải dàn mặt, phải chịu trận, nói chung là phải đối chọi với đời và nếu như có lúc phải đầu hàng thì đó cũng là bước đường cùng, rồi, nín nhịn chẳng qua để tồn tại, và sau hết, để được viết.

Ấy là cái điều không chỉ Tô Hoài biết mà nhiều người cũng biết.

Trong đời làm báo, nhà phê bình Nguyễn Thị Ngọc Trai phát hiện cho mình một kinh nghiệm: Khi nào có vấn đề gì báo buộc phải lên tiếng, và không ai muốn viết, vì sợ mang tiếng xấu, thì hãy đến nhờ Tô Hoài.

Thế nào ông cũng có bài nộp báo đúng kỳ đúng hẹn, ký tên Tô Hoài hẳn hoi, nghĩa là đăng được, mà tác giả vẫn chẳng làm sao, bởi đọc qua người ta cũng biết ngay là người viết và tờ báo buộc phải làm vậy, chứ trong bụng nghĩ khác.

Đại khái, có thể hình dung như cái cảnh đứa trẻ bị buộc phải quỳ, thì cũng quỳ đấy, song mắt vẫn liếc về phía mọi người đùa bỡn “Xá gì chuyện này, quỳ cho xong nợ, tí nữa lại tha hồ tung tẩy”.

Tô Hoài không ngại viết thế này thế kia làm hỏng ngòi bút, bởi ông tin chắc rằng ngòi bút ông thế nào, người ta đã hiểu cả rồi.

Chỉ có những biển lớn mới chứa được những dòng sông bẩn, cái nhận xét của ai đó, đặt vào trường hợp Tô Hoài thấy không có gì gượng gạo.

Có một thoáng gì đó, như là một chút hư vô trong con người thực dụng Tô Hoài chăng? Một nhận xét như thế là đầy mâu thuẫn, nhưng biết sao được, con người mỗi chúng ta trong những năm này bị bao sức mạnh xâu xé, kể sao cho xiết! Một chút khinh bạc có từ rất sớm (bản thân Vũ Ngọc Phan vốn rất hiền từ cũng phải nhận ra và lên tiếng cảnh cáo, khi đọc Quê người, O chuột...), cái khinh bạc đó hẳn không bao giờ mất hẳn.

Cộng thêm vào đó là bao nhiêu ngọt bùi cay đắng đã đến trong cuộc đời một người viết văn, một người cán bộ, những phút bốc đồng và những lần tỉnh mộng, những lầm lỡ và man trá xen lẫn vào giữa những chân thành ngây thơ, cuộc bể dâu diễn ra ngay trước mặt.

Khi đã trải tất cả những sự đó rồi, cái hư vô sẽ như một thứ ánh sáng mờ mờ giúp cho người ta sống nhẹ nhõm hơn và tự do hành động hơn. Lúc này, hư vô đã trở thành một điều kiện bắt buộc để sống, hư vô là một thứ thuốc an thần cho những kẻ ham hành động, nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo, để hiểu rằng hành động của mình cũng rất có thể chỉ là vô nghĩa.

Không chỉ một lần, hình ảnh phù du như một ám ảnh trở về trong một số trang văn hồi ký, nó là những trang mang nặng tâm sự Tô Hoài. Những khi có việc đụng chạm đến toàn bộ cuộc đời viết văn của mình, ông phải nhớ tới nó.

Là phù du, những năm tháng dong nhan chơi bời viết lách trước cách mạng. Là phù du những chuyến viễn du mãi tận phương trời xa thẳm. Mà cũng là phù du, những khi cố gắng viết nốt những trang cuối cùng của một quyển sách tầm tầm. Tưởng đã qua hẳn rồi, nhưng không phải, làm sao quên được sự phù du khi hàng mớ năm tháng quàng lên vai, càng sống càng thấy nhiều điều ngang trái.

Có cần nhìn đi đâu xa, hãy nhìn cuộc đời những đồng nghiệp gọi là thành đạt sống ngay bên cạnh: Nguyễn Tuân được tiếng ngang ngạnh, rồi cũng là một Nguyễn Tuân phải khéo xoay sở để tạo ra cảm giác không bị ai quên, và nhất là một Nguyễn Tuân buông xuôi bất lực, muốn đi mà không đi được, muốn nói khác mà không nói được, khối cái đã tính nát ra định viết lại thôi.

Xuân Diệu loay hoay giữa những bài thơ thù tạc và những bài nói chuyện đi theo lối mòn, Xuân Diệu nhuộm tóc cố làm ra trẻ, ham ăn ham uống, lúc chết mỡ quấn vào tim. Một Nam Cao tâm huyết lại mất sớm, coi như đã xong. Nhưng bao kẻ sống sót sau những cơn giông tố, mấy người sống được đúng tầm người của mình, hay lại chui lủi trốn tránh, hoặc lá mặt lá trái, dối dá qua ngày?

Sự khinh bạc muốn gạt đi, nó cứ tìm đường quay trở lại. Rồi chính mình cũng đánh mất mình và nhìn đi nhìn lại, chỉ có thời gian là chiến thắng, là không thể đảo ngược. Cái phương châm sống cuối đời rút lại là ở hai điểm:

Một là làm thật nhiều muốn viết gì thì viết, không định bụng thế này thế kia, mà cũng không sợ mang tiếng khi viết.

Hai là không coi mình là quan trọng, chấp nhận hết thảy. Giữ được từng phút cảm động ngạc nhiên nho nhỏ, nhưng không còn gì ngạc nhiên trên những cái lớn

Thực hiện điểm thứ nhất thật không gì dễ hơn, nhất là khi người ta đã có trên 150 đầu sách như Tô Hoài.

Còn điểm thứ hai? Bảo là biết điều, là khiêm tốn có lẽ không phải. Ai đâu còn trẻ con thế! Sống cho nhẹ nhõm là cách tốt nhất để bảo toàn mình. Lại nhớ những câu Kiều mà thuở mới lớn, đã cùng nhiều bạn thợ cửi, ngâm đi ngâm lại không biết chán:

Nàng rằng thực dạy quá lời

Thân này còn dám coi ai làm thường!

Loanh quanh một hồi hóa ra chưa thoát khỏi chỗ xuất phát ban đầu? Nhưng với Tô Hoài lúc này, mọi sự khen chê không còn ý nghĩa. Trong cái thế kỷ đa đoan chúng ta đang sống, dẫu sao ông cũng đã luôn luôn dập dềnh trên mặt sóng.

Tháng bảy và tám 1997, ông đến Đà Lạt ngồi viết xong một tập hồi ức, có tên là Chiều chiều. Chắc chẳng ai không hiểu đấy là chủ tâm “chiều chiều cuộc đời”, nhưng ông vẫn không quên ghi thêm hai câu ca dao cổ: “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều. Nhớ người đãy gấm khăn điều vắt vai” cho tơ liễu và lửng lơ đôi chút. Âu lại cũng vẫn những cái tạng Tô Hoài.

Vương Trí Nhàn / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY