Những phong tục được Gustave Dumoutier đề cập trong tác phẩm của mình đều rất đặc biệt, như lệ khao làng, việc xét xử ở làng, các hình phạt, các trò cúng phù thủy hoặc tục ăn đất ở một số địa phương.
Có những phong tục mà đọc đến, chúng ta ngày nay cảm thấy xa lạ và buồn cười, như “Tại vùng quê ngoại thành Hà Nội, khi sinh đẻ khó khăn, ông chồng phải trút hết quần áo, chỉ đóng khố, trèo lên mái ngói và tụt xuống bên kia”.
Gustave Dumoutier (1850-1904) là nhà Việt Nam học người Pháp thuộc thế hệ đầu. Ông đến Hà Nội vào đầu năm 1886 theo lời đề nghị của Tổng trú sứ Paul Bert, và chịu trách nhiệm thanh tra các trường Pháp - Việt, sau đó trở thành Giám đốc Học chính Trung - Bắc kỳ.
Ngoài công việc trong ngành giáo dục, ông cũng tập trung nghiên cứu về khảo cổ, dân tộc học, tôn giáo, dân gian, văn hóa Việt Nam. Đầu thế kỷ 20, ông là học giả tiên phong thực hiện các nghiên cứu về văn hóa dân gian Việt Nam. Sự nghiệp trước tác của ông rất đồ sộ, một trong những tác phẩm nổi tiếng và quan trọng nhất chính là Tiểu luận về dân Bắc kỳ (Essais sur les Tonkinois).
Tiểu luận về dân Bắc kỳ là cuốn khảo cứu giá trị về các mặt xã hội, dân tộc học. |
Essais sur les Tonkinois đăng lần đầu trên Revue Indo-Chinoise (Tạp chí Đông Dương) từ ngày 15/3/1907 đến ngày 15/2/1908 dưới dạng các bài viết/tiểu luận.
Trước khi từ giã cõi đời, trong nỗi cô đơn buồn tẻ tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Dumoutier đã tự tay tập hợp và sắp xếp các bài viết của mình, bố cục các nội dung thành tập di cảo. Sau khi ông mất, năm 1908, Essais sur les Tonkinois mới lần đầu được ấn hành tại Imprimerie d’Extrême-Orient (Nhà in Viễn Đông).
Sách vừa được NXB Hà Nội ra mắt độc giả, với bản dịch của Vũ Xuân Lưu.
Nội dung của cuốn sách gồm sáu chủ đề lớn liên quan tới tổ chức xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán và nếp sống thường nhật của người dân Bắc kỳ cuối thế kỷ thứ 19: xã hội (tổ chức làng xã An Nam, việc xét xử, việc quân); gia đình (sinh con, cưới hỏi, tang ma); trò giải trí và nghề nghiệp (ca kỹ và đào kép, các nghề, chơi bài lá, đưa đò, sơn và dầu sơn, phu trạm); thực phẩm (tục ăn đất, cỗ cúng, cỗ làng, đám ma, mừng thọ, tín ngưỡng dân gian liên quan đến bữa ăn); y học dân gian (thầy lang, hiệu thuốc); các trò mê tín (phù thủy và bói toán, hậu vận, cốt tướng, diện tướng).
Những chủ đề này được trình bày tương đối cụ thể theo quan sát, ghi chép và diễn giải của tác giả. Qua đó, độc giả phần nào hình dung được những nét văn hóa, phong tục tập quán, lối sống của người dân Bắc kỳ cuối thế kỷ 19.
Essais sur les Tonkinois đã trở thành tài liệu tham khảo của hai học giả Nguyễn Văn Huyên và Đào Duy Anh.
Đặc biệt, cuốn sách in kèm với hàng chục tranh minh họa, miêu tả chi tiết về cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người dân miền Bắc cách đây trên 100 năm, là tư liệu quan trọng cho những người muốn tìm hiểu sâu về đề tài này.
Khá nhiều tranh ảnh minh họa trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương của học giả Đào Duy Anh cũng lấy từ công trình này.
Các tranh vẽ minh họa trong sách đều rất sinh động và độc đáo. |
Trong Connaissance du Vietnam, hai học giả Pierre Huard và Maurice Durand cũng đã sử dụng một số lượng lớn tranh minh họa từ Essais sur les Tonkinois. Henri Oger, tác giả sách Kỹ thuật của người An Nam cũng thừa nhận có kế thừa của Dumoutier...
Hơn 110 năm kể từ lần xuất bản đầu tiên bằng tiếng Pháp, công trình nghiên cứu quan trọng của Gustave Dumoutier mới có dịp tái ngộ độc giả Việt Nam bằng tiếng Việt. Những nội dung cơ bản của nghiên cứu này được viết dưới góc nhìn của tác giả - một người Pháp có niềm đam mê nghiên cứu văn hóa - lịch sử An Nam, trong đó có sự đối chiếu với văn hóa Trung Hoa và các nước khác.
Đọc cuốn sách, ta có thể hiểu rõ hoặc hình dung chi tiết những nếp sinh hoạt thường ngày lẫn cách sống, cư xử trong cộng đồng, làng xóm của cha ông.