Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lời phản biện còn thiếu khi V.League phải dừng cho U20 Việt Nam

VFF, VPF trực tiếp quyết định dừng V.League vì U20 Việt Nam. Nhưng chính các CLB mới là những người chấp nhận cho chuyện đó diễn ra.

Vòng 4 V.League vừa qua là lần bóng lăn cuối cùng trước khi hệ thống giải chuyên nghiệp Việt Nam dừng 1 tháng rưỡi nhường chỗ cho chuỗi hoạt động của các đội tuyển quốc gia với giải đấu tâm điểm là vòng chung kết U20 châu Á của U20 Việt Nam.

Trong 16 nước có đội dự vòng chung kết U20 châu Á, không nước nào dừng giải vô địch quốc nội lâu như Việt Nam.

U20 Viet Nam V.League anh 1

Sau đợt nghỉ nhường chỗ cho các đội tuyển trong tháng 2 và 3, Văn Hậu cùng đồng đội đá thêm 3 vòng V.League rồi lại nghỉ tiếp một tháng nữa vì SEA Games. Ảnh: Minh Chiến.

V.League có thực sự cần dừng lại vì U20 Việt Nam?

Việc V.League dừng lại vì U20 Việt Nam dễ tạo ấn tượng rằng các cầu thủ U20 đang đóng vai trò đặc biệt tại V.League, đang là ngôi sao hay chí ít được đá chính liên tục. Sự thật ngược lại khi cầu thủ U20 gần như không có vai trò nào ở giải đấu số một Việt Nam.

Trong danh sách 30 cầu thủ U20 Việt Nam hướng tới giải châu Á, chỉ 10 người được đăng ký thi đấu ở lượt đi V.League. 4 trong số này chưa được vào sân, 4 người khác được sử dụng với thời lượng khiêm tốn, chỉ hai cái tên có suất đá chính là Nguyễn Phi Hoàng ở Đà Nẵng và Bùi Vĩ Hào tại Bình Dương, hai đội bóng đang đội sổ giải đấu.

Nghĩa là có hay không nhóm cầu thủ U20, V.League cũng chẳng sao. Và giải đấu hoàn toàn có thể tiếp tục mà không hề gây ảnh hưởng tới sức mạnh của đội tuyển ở giải châu Á.

Trong cùng khu vực, Indonesia cũng không dừng giải quốc nội vì U20 dù họ sắp là chủ nhà U20 World Cup và đặt kỳ vọng cực lớn cho đội tuyển trẻ này. Nhiều CLB của họ thậm chí từ chối nhả người cho đội tuyển quốc gia, điều đang mang tới cơn đau đầu cho HLV Shin Tae-yong. Trên thế giới và nhất là ở các nền bóng đá phát triển, cầu thủ đã lên đội một CLB là gần như đoạn tuyệt với các đội trẻ, giống như trường hợp Kylian Mbappe không dự U20 World Cup 2017 sau khi đã lên đội một Monaco.

Với bản thân cầu thủ trẻ, việc được ra sân ở V.League thậm chí còn mang tới sự tiến bộ lớn hơn việc hội quân U20. Thực tế cũng chứng minh cầu thủ càng sớm được chơi ở V.League, vị trí của họ tại các đội tuyển trẻ càng được đảm bảo.

Trong bối cảnh năm 2023, sự liền mạch của V.League là điều càng cần thiết. 2023 có hai mùa giải V.League, là năm chứng kiến sự thay đổi về thời điểm tổ chức giải từ lịch châu Á sang lịch châu Âu. Điều đó khiến V.League 2023 trở thành một trong những mùa giải ngắn nhất lịch sử. Vì lẽ đó, những nhà tổ chức lẽ ra phải cố gắng duy trì tính liên tục, đảm bảo sự hấp dẫn của V.League. Nhưng họ chấp nhận để giải đấu bị cắt vụn, dừng lại liên tục.

1 tháng rưỡi sắp tới chưa phải quãng nghỉ dài duy nhất của giải đấu. Cuối tháng 4 tới, V.League dừng tiếp 1 tháng cho SEA Games.

U20 Viet Nam V.League anh 2

Chia sẻ với báo giới, HLV Bozidar Bandovic của CLB Hà Nội khẳng định: “V.League chuẩn bị bước vào quãng nghỉ dài 1 tháng rưỡi, sau đó thêm khoảng 1 tháng nữa, tôi chưa từng gặp giải đấu nào có 2 quãng nghỉ dài như thế này”. Ảnh: Minh Chiến.

Tiếng nói của các CLB

VFF, VPF là hai đơn vị trực tiếp dừng V.League. Nhưng các CLB cũng có trách nhiệm không nhỏ khi đã chấp nhận thực trạng này.

Không phải tới lúc giải đấu dừng lại, họ mới biết điều đó. Chương trình hoạt động của các đội tuyển và hệ thống giải chuyên nghiệp đã được đề xuất từ cuối năm ngoái. Các CLB đã nhận được kế hoạch, được quyền lên tiếng, được phép phản biện trước mùa giải. Nhưng họ không có hành động nào đủ mạnh mẽ để thay đổi thực trạng ấy. Kết quả là từ năm này qua năm khác, lịch hoạt động của V.League luôn phải nhường nhịn cho các đội tuyển quốc gia.

Câu chuyện V.League và U20 Việt Nam giống hệt câu chuyện vừa qua của HAGL với nhà tài trợ giải đấu. Các bên đều đã nhận thông tin từ trước, họ có thừa thời gian để xem xét, phản hồi và xử lý vấn đề theo cách sẽ mang tới nhiều quyền lợi lớn hơn cho các bên ngay từ đầu. Nhưng họ bỏ qua hết những cơ hội đó.

Hàng loạt phát biểu của các HLV ngoại trong thời gian qua phản ánh những bức xúc của các CLB và người hâm mộ. Nhưng nó là tiếng kêu cứu muộn màng và không đem lại bất kỳ thay đổi nào cho mùa giải hiện tại.

Nghịch lý nằm ở chỗ các CLB đang đóng góp nhiều nhất cho V.League, đóng góp nhiều nhất cho các đội tuyển quốc gia. Trong bối cảnh bóng đá phong trào vẫn chưa phát triển mạnh mẽ như kỳ vọng, các CLB, các ông bầu vẫn là nhân tố có sức ảnh hưởng lớn nhất tới nền bóng đá. Nhưng chính họ lại không nhận được lợi ích lớn nhất, không có vị thế tương xứng với những gì đã bỏ ra.

Vì sao có tình trạng đó? Vì họ nghĩ rằng có lên tiếng cũng chẳng thay đổi được gì? Vì có thay đổi cũng chẳng làm V.League tốt hơn? Hay đơn giản nó là một tiền lệ mà họ đã dễ dàng chấp nhận và bỏ qua sau từng năm. Dù thế nào, nếu các CLB không hành động, chẳng ai có thể bảo vệ họ và V.League sẽ mãi mãi đứng dưới trong bậc thang ưu tiên của bóng đá Việt Nam. Giải đấu chưa thể phát triển thì đội tuyển quốc gia chưa mạnh lên. Đó là một cái vòng luẩn quẩn mà chẳng kỳ tích nào của các đội tuyển có thể giải quyết được, kể cả tuyển quốc gia, U23 hay sắp tới là U20 Việt Nam tại giải châu Á.

HLV Bulgaria: Gọi hết cầu thủ U20 cũng chẳng ảnh hưởng đến V.League

Từng làm việc ở nhiều nước Đông Nam Á, HLV trưởng Velizar Popov của CLB Thanh Hóa lên tiếng phàn nàn việc V.League nghỉ tới 45 ngày chỉ để nhường chỗ cho các tuyển trẻ Việt Nam.

Văn Thanh không ăn mừng bàn thắng vào lưới HAGL

Khi ngoại binh Jhon Cley gỡ hòa 1-1 cho Công An Hà Nội (CAHN) ở phút 83, tiền vệ Vũ Văn Thanh chỉ phản ứng rất kiềm chế trước bàn thắng vào lưới đội bóng cũ.

Nhiều HLV than phiền việc V.League nghỉ quá dài vì U20 Việt Nam

HLV trưởng các CLB Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa hay Bình Định đều lên tiếng về vấn đề V.League bị dừng lại quá lâu. 

Minh Chiến - Bảo Ngọc

Bạn có thể quan tâm