Một cư dân tham gia lễ cầu nguyện cho Tyre Nichols ở Sacramento, California, hôm 30/1. Ảnh: Fred Greaves/Reuters. |
Các chuyên gia cho rằng những lời đồn và cáo buộc sai sự thật về Tyre Nichols - người bị cảnh sát Memphis đánh đập dã man hôm 7/1 và qua đời 3 ngày sau đó - phơi bày vấn nạn đổ lỗi cho nạn nhân ở Mỹ, đặc biệt trong những vụ việc liên quan đến cảnh sát.
Những lời bàn tán lan truyền nhanh chóng đến nỗi gia đình Nichols và các nhà dân quyền hàng đầu nhận thấy họ cần phải giải quyết trực tiếp, theo BBC.
Những lời đồn bắt đầu như thế nào?
Những lời bàn tán trên mạng xã hội bắt đầu từ ngày 27/1. Các phóng viên của BBC đã nghe thấy tin đồn ở Memphis và chúng xuất hiện trên các nền tảng trực tuyến ngay sau đó. Vì vậy, có khả năng tin đồn bắt nguồn từ người dân địa phương.
Tuy nhiên, sau khi một số video trên TikTok và YouTube đề cập đến chủ đề này, một nhóm người đã bắt đầu lan truyền nó.
Những lời đồn ngày càng lan rộng, đến mức cha dượng của Nichols, ông Rodney Wells, phải phủ nhận chúng trước đám đông trong một buổi cầu nguyện vào tối 30/1.
"Cảnh sát đã cố gắng che đậy điều đó. Họ vẫn cố tung tin đồn không đúng sự thật về con trai tôi", ông Wells nói với các hãng tin địa phương.
"Con trai tôi không có quan hệ với một trong những người vợ của các sĩ quan. Đó chỉ là tin đồn", Fox 13 dẫn lời ông Wells.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris nắm tay bà RowVaughn Wells - mẹ của Tyre Nichols - trong lễ tang tại Mississippi hôm 1/2. Ảnh: Andrew Nelles/Reuters. |
Song không có bằng chứng nào cho thấy cảnh sát liên quan đến việc lan truyền tin đồn. Các đoạn video từ hiện trường cũng không cho thấy các sĩ quan biết Nichols hoặc đặc biệt tìm kiếm anh trước khi chặn xe.
Mục sư Al Sharpton cũng đề cập đến cáo buộc này khi đọc điếu văn cho Nichols trong lễ tang hôm 1/2.
"Họ không yêu cầu người đàn ông này xuất trình giấy phép hay đăng ký xe. Họ kéo anh khỏi xe và bắt đầu đánh đập. Không ai nói gì về bạn gái và bắt đầu đánh đập một người đàn ông không có vũ khí", tờ Local Memphis dẫn lời mục sư Sharpton.
BBC đã liên hệ với một số tài khoản Twitter phổ biến nhất đang lan truyền tin đồn và không tài khoản nào có thể cung cấp bằng chứng hoặc cho biết nguồn gốc của những thông tin này.
Vì sao mọi người lan truyền tin đồn?
Những người lan truyền tin đồn chưa được kiểm chứng có nhiều quan điểm và động cơ khác nhau. Một số lên án chuyện “ngồi lê đôi mách” hoặc cho rằng tranh chấp cá nhân không biện minh cho bạo lực.
Số khác bao gồm các nhà hoạt động và những người có ảnh hưởng rộng rãi từng tham gia phong trào Black Lives Matter, lập luận rằng bằng chứng về động cơ cá nhân sẽ là cơ sở nâng cáo buộc hình sự đối với nhóm cảnh sát lên tội giết người cấp độ một hay giết người có chủ mưu.
5 sĩ quan trong vụ đánh đập đang bị buộc tội giết người cấp độ hai. Ở Tennessee, tội giết người cấp độ một có thể nhận án tử hình trong khi tội giết người cấp độ hai có thể bị phạt từ 15 đến 60 năm tù.
Tương tự các sự kiện nổi tiếng, những người khác lan truyền tin đồn tin rằng họ đang giúp đỡ nạn nhân. Số khác chỉ đơn giản muốn gia tăng ảnh hưởng và lượt theo dõi trực tuyến.
Song một số người cũng có những lý do sâu xa hơn.
"Đó là nỗ lực hợp lý hóa lý do xảy ra một sự việc như thế này", phóng viên Snopes Nur Ibrahim nói.
Một nhóm influencer khác đã sử dụng tin đồn để đánh lạc hướng công chúng khỏi các cuộc tranh luận lớn hơn, đồng thời tuyên bố rằng nó khiến những cáo buộc về sự tàn bạo và phân biệt chủng tộc của cảnh sát trở nên vô nghĩa.
Katherine Keneally, Giám đốc nghiên cứu cấp cao tại Viện Đối thoại Chiến lược - một tổ chức tư vấn chống chủ nghĩa cực đoan, cho biết "những kẻ có ý đồ xấu" và động cơ chính trị rất thành thạo các kỹ thuật đánh lạc hướng.
"Họ đang sử dụng điều này để khiến dư luận xao nhãng khỏi những vấn đề lớn hơn - sự tàn bạo của cảnh sát và những cảnh khủng khiếp trong video", bà nói. "Họ sẽ chớp lấy bất kỳ loại tin đồn nào để thúc đẩy mục đích của mình".
Vấn nạn cố hữu
Một số nạn nhân nổi tiếng từng bị cảnh sát bạo lực trong những năm gần đây đã trở thành chủ đề của những tin đồn thất thiệt hoặc chưa được chứng minh, nhằm làm chệch hướng dư luận khỏi các vấn đề xã hội lớn hơn.
Đôi khi những tin đồn bắt đầu với một mẩu sự thật. Chẳng hạn, sau vụ sát hại George Floyd, một số influencer đã tập trung vào hồ sơ tội phạm của anh hoặc cáo buộc các hãng tin "che đậy" lý lịch của nạn nhân.
Trên thực tế, hồ sơ của Floyd đã được báo cáo rõ ràng, cũng như việc ông tham gia vào các hoạt động tôn giáo và chống bạo lực sau khi ra tù.
Lễ tang của Tyre Nichols tại nhà thờ ở Memphis, Tennessee, hôm 1/2. Ảnh: Andrew Nelles/Reuters. |
Sau cái chết của Breonna Taylor do hành động của cảnh sát Louisville, Kentucky, vào năm 2020, một số người cũng cho rằng cô tham gia vào hoạt động tội phạm vì mối quan hệ với bạn trai cũ - người bị buộc tội buôn bán ma túy.
"Những tin đồn đó hầu hết là sai", bà Ibrahim nói. "Họ đã lấy một ít thông tin đúng sự thật rồi mở rộng và phóng đại nó đến mức hầu như trở thành thông tin sai lệch”.
Tyre Nichols cũng đang trải qua những điều tương tự. "Đó là lý do chúng ta thấy rất nhiều câu chuyện trong năm ngày qua", bà Keneally cho hay, đồng thời khẳng định những tin đồn này có tác động lớn, tiêu cực và kêu gọi các công ty truyền thông xã hội nỗ lực ngăn chặn những câu chuyện gây hiểu lầm.
"Thông tin gây hiểu lầm và thông tin cố tình gây hiểu lầm thực sự có thể ảnh hưởng đến gia đình, cuộc điều tra và nỗ lực chống lại sự tàn bạo của cảnh sát trong tương lai", bà nói.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.