Hôm 18/6, CLB Viettel ra thông báo chia tay Nguyễn Trọng Đại. Đây không phải điều quá bất ngờ khi Trọng Đại từ lâu đã không khẳng định được vị trí và đánh mất cơ hội ở đội bóng thủ đô.
Bỏ qua những vấn đề ngoài chuyên môn, việc Trọng Đại ra đi đơn thuần chỉ là anh mong muốn có nhiều cơ hội thi đấu hơn. Năm 2022 cũng là năm cuối trong hợp đồng đào tạo trẻ của Đại với CLB. Chia tay đội bóng đã làm nên tên tuổi của mình cũng đồng nghĩa Trọng Đại phải làm lại từ đầu, sau cái mác “ngôi sao” ở các đội tuyển trẻ.
6 năm trước, Trọng Đại là trụ cột trong đội hình U19 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn vào bán kết U19 châu Á 2016, đặt dấu mốc lịch sử khi giành vé dự U20 World Cup lần đầu tiên. Cùng sinh năm 1997, cả Quang Hải, Đình Trọng lẫn Tiến Linh khi đó đều không được đánh giá cao về tầm ảnh hưởng và tiềm năng phát triển như Trọng Đại, người mang băng thủ quân cả trên sân lẫn phòng thay đồ.
Lần gần nhất Trọng Đại ghi bàn ở V.League diễn ra cách đây 2 năm. Ảnh: Việt Hùng. |
Tài năng của Trọng Đại được giới chuyên môn thừa nhận ở thời điểm bóng đá Việt Nam đang trên đường hồi sinh. Nhưng trước sự kỳ vọng của các HLV, những gì cầu thủ này thể hiện chỉ là nỗi thất vọng. Anh đánh mất băng đội trưởng ở U20 World Cup, trở thành kẻ dự bị ở U23 Việt Nam trong chiến tích Thường Châu, trước khi bị gạch tên hẳn khỏi Asian Games 2018, SEA Games 30 và U23 châu Á 2020.
5 năm sau ngày U20 Việt Nam dự World Cup trẻ, nhiều đồng đội của Trọng Đại đã trưởng thành, tiến những bước dài trong sự nghiệp khi giành suất đá chính ở CLB, trở thành trụ cột tuyển quốc gia. Khi Quang Hải, Hoàng Đức, Tấn Tài chơi hay ở AFF Cup và vòng loại World Cup, Trọng Đại như bị lãng quên.
Ở CLB Viettel, Trọng Đại dậm chân tại chỗ, chật vật từng ngày tìm cơ hội. Những người lấy suất đá chính của anh những năm qua là Hoàng Đức, Khắc Ngọc hay Văn Trâm. Ngoại trừ Hoàng Đức, những người còn lại đều không có xuất phát điểm cao như Trọng Đại. Loại Trọng Đại cũng không khiến CLB Viettel lo lắng khi trong đội vẫn còn nhiều cầu thủ trẻ tài năng như Nguyễn Hữu Thắng, Trần Hoàng Sơn hay Nguyễn Đức Hoàng Minh.
Chấn thương là một lý do cho sự sa sút của Trọng Đại, nhưng thói quen sinh hoạt và thái độ tập luyện thiếu nghiêm túc mới là thứ lấy đi sự nghiệp của cầu thủ này. HLV Trương Việt Hoàng từng ra tối hậu thư cho Trọng Đại: "Tiếp tục đá bóng thì phải chơi cho đàng hoàng hoặc không thì hãy dừng lại và chuyển hướng". Nhưng cho đến nay, dường như ông đã hết kiên nhẫn với cầu thủ này.
Trọng Đại chưa có dịp thi đấu cho tuyển quốc gia, dù khoác áo các tuyển trẻ U19, U23 từ rất sớm. |
4 vòng đầu V.League 2022, Trọng Đại chưa ra sân một phút nào. Khi cùng Viettel dự giải giao hữu tứ hùng hồi tháng 6, khi nhiều cầu thủ khác quyết tâm thể hiện để ghi điểm với ban huấn luyện, Trọng Đại đã đóng góp rất mờ nhạt. So với năm 2019, mùa giải đầu tiên CLB Viettel lên chơi V.League, số trận đá chính của Trọng Đại giảm từ 15 xuống 8 và 5 trận ở những mùa sau.
Màn thể hiện ở V.League là một trong những tiêu chí để các HLV đội tuyển đánh giá năng lực và phong độ cầu thủ. Trong đó, yếu tố CLB chủ quản chiếm phần quan trọng. Hơn một nửa số tuyển thủ quốc gia dưới thời HLV Park Hang-seo thời gian qua đến từ CLB Hà Nội và Viettel. Đây cũng là 2 trong số những đội bóng hàng đầu có nhiều cơ hội đại diện cho bóng đá Việt Nam tham dự các sân chơi châu lục như AFC Champions League hay AFC Cup.
Rời Viettel nghĩa là Trọng Đại đánh mất một cơ hội quan trọng để trở lại đội tuyển. Nhưng điều này cũng mở ra cho anh một cánh cửa khác, nếu Đại chịu thay đổi và nỗ lực tập trung hơn vào bóng đá. Đi thi đấu ở CLB khác không có nghĩa là không có cơ hội lên tuyển Việt Nam.
Có những tin đồn về việc Trọng Đại sẽ chuyển đến thi đấu cho các CLB miền Nam hoặc miền Trung (Hà Tĩnh). Nếu có thể gia nhập CLB Hà Tĩnh, Trọng Đại sẽ tái hợp HLV Nguyễn Thành Công, thầy cũ của anh ở các đội trẻ Viettel trước đây. Ông Công là người hiểu rõ năng lực của Trọng Đại. Đây có thể là lối thoát cho tiền vệ từng được coi là niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam.