Các công ty dường như vẫn đánh đồng việc dành nhiều thời gian ở văn phòng với hiệu quả công việc, vẫn trao thưởng một cách đều đặn và thiên lệch cho những nhân viên làm nhiều giờ (ở công ty). Điều này giúp nam giới lợi càng thêm lợi.
Nhà thống kê Nate Silver phát hiện ra rằng ở Mỹ, kể từ năm 1984 tới nay, mức lương theo giờ cho những người làm việc từ 50 giờ trở lên - 70% trong số đó là nam giới - đã tăng với tốc độ gấp đôi so với mức lương theo giờ dành cho những người làm việc theo số giờ có tính điển hình hơn, tức là 35-40 giờ mỗi tuần.
Tình trạng thiên vị những ai làm nhiều giờ đặc biệt nghiêm trọng ở Nhật Bản, quốc gia không lạ gì với cảnh nhân viên ở lại văn phòng đến khuya. Đó một phần là do cơ chế thăng chức ở đây thường dựa trên số giờ làm việc cũng như thâm niên cống hiến ở công ty.
Nhân viên cũng chẳng thiệt thòi gì nếu có tham gia thêm nomunication, một cách chơi chữ ghép từ nomu (uống rượu) của tiếng Nhật và từ communication (giao tiếp) trong tiếng Anh. Về lý thuyết, phụ nữ tất nhiên có thể làm tất cả những điều trên, nhưng thực tế, họ ở thế khó hơn nhiều so với đàn ông.
Phụ nữ Nhật Bản dành trung bình năm tiếng mỗi ngày cho công việc không lương so với chỉ khoảng một tiếng đồng hồ của đàn ông: Vậy là rõ ai sẽ có nhiều thời gian rảnh hơn để gây ấn tượng với sếp bằng cách ở lại văn phòng đến tận khuya, sau đó cùng vỗ vai ngồi nhậu ở một câu lạc bộ thoát y gần đó.
Văn hóa làm việc nhiều giờ ở văn phòng cũng là một vấn đề trong môi trường học thuật - và điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi các lộ trình thăng tiến sự nghiệp được thiết kế xoay quanh nhịp sống điển hình của nam giới.
Một báo cáo của EU về các trường đại học ở châu Âu đã chỉ ra rằng quy định về ngưỡng tuổi xét cấp chức danh của các trường có sự phân biệt đối xử với phụ nữ:
Do phụ nữ thường có nhiều quãng tạm nghỉ trong sự nghiệp hơn so với đàn ông nên “tuổi đời của họ thường già hơn tuổi học thuật của họ”. Trong một bài báo trên tờ Atlantic, Nicholas Wolfinger, đồng tác giả của cuốn Do Babies Matter: Gender & Family in the Ivory Tower (tam dịch: Con cái có quan trọng không? Giới và gia đình ở Tháp Ngà), gợi ý rằng các trường đại học nên đặt ra các vị trí trong biên chế nhưng làm bán thời gian.
Người chăm sóc gia đình chính có thể làm bán thời gian trong khi vẫn tiếp tục thuộc biên chế (bù lại họ phải nhân đôi thời gian thử việc), đồng thời cho họ quyền lựa chọn quay trở lại làm việc toàn thời gian khi họ có thể.
Nhưng dù đã có một số trường đại học triển khai phương án này thì đó vẫn là những trường hợp hiếm hoi và nó vẫn đi kèm tất cả hệ quả nghèo đói khi về già do phải làm việc bán thời gian để chăm sóc gia đình hệt như ở những lĩnh vực khác.