Hồi đầu tháng, Tổng thống Moon Jae In đã bổ nhiệm cựu nghị sĩ Park Jie Won và ông Lee In Young lần lượt vào các vị trí Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) và Bộ trưởng Thống nhất của Hàn Quốc.
Việc giao hai vị trí quan trọng trong mối quan hệ liên Triều cho ông Park và ông Lee đang là một đề tài gây tranh cãi, theo South China Morning Post. Trong quá khứ, ông Park Jie Won và ông Lee In Young đều đã gặp ít nhiều rắc rối có liên quan đến Triều Tiên.
Tân Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Ảnh: The Hankyoreh. |
Là quan chức thân cận với cố tổng thống Kim Dae Jung, ông Park Jie Won từng bị cáo buộc chuyển 450 triệu USD từ các tập đoàn Hàn Quốc sang Triều Tiên ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều năm 2000 tại Bình Nhưỡng.
Ông Park bị cáo buộc tội lạm dụng quyền lực và tội nhận hối lộ khoảng 13 triệu USD. Ông bị phạt 3 năm tù song được ân xá. Ông Park tiếp tục đắc cử vào quốc hội và làm việc trong 3 nhiệm kỳ cho đến khi thất cử hồi tháng 4/2020.
Nhiều nhà lập pháp tại Hàn Quốc phản đối quá khứ của ông Park Jie Won, cho rằng việc ông Park làm Giám đốc NIS sẽ gửi đi một thông điệp sai lầm cho Washington và Bình Nhưỡng.
“Tôi không tin chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các giao dịch tài chính bất hợp pháp. Song nhiều cám dỗ mới sẽ được mang ra để tạo nên bước đột phá trong quan hệ hai miền bán đảo”, ông Cho Tae Yong, Phó cố vấn An ninh Quốc gia và cũng là một nhà đàm phán hạt nhân, nhận định.
Ông Park Jie Won từng tuyên bố sẽ minh bạch thực hiện chính sách quốc gia và tránh xa các hoạt động bất hợp pháp: “Tôi sẽ góp phần mang đến bước đột phá trong mối quan hệ liên Triều bằng cách cải cách NIS”.
Trong khi đó, tân Bộ trưởng Thống nhất Lee In Young cũng từng là một nhà vận động dân chủ nổi tiếng. Vào những năm 1980, ông Lee đã lãnh đạo hoạt động sinh viên nhằm ủng hộ tư tưởng chủ thể (học thuyết Juche) của Triều Tiên.
Tân Bộ trưởng Thống nhất Lee In Young trả lời phỏng vấn. Ảnh: Hankyoreh. |
Ông Lee từng bị kết án 18 tháng tù vì tội sở hữu tài liệu tuyên truyền của Triều Tiên và các tổ chức biểu tình, có nguy cơ gây ra tình trạng bất ổn xã hội.
“Khi tôi còn trẻ, chúng tôi chỉ muốn thống nhất đất nước. Nhiều kẻ độc tài đã lợi dụng tình trạng chia rẽ để hãm hại bán đảo Triều Tiên”, ông Lee từng chia sẻ vào năm 2014. “Nhiều người cáo buộc chúng tôi theo Triều Tiên. Điều này là không đúng. Chúng tôi có thiện cảm với Triều Tiên và khao khát đạt được hoà bình”.