Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Loạt dự án giao thông dang dở khiến TP.HCM rơi vào 'thế kẹt'

Hệ thống cao tốc, metro chưa hoàn thiện, đường vành đai chưa khép kín, đường trên cao chưa có... được nhìn nhận là những thách thức với TP.HCM khi phải bắt kịp tốc độ đô thị hóa.

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030, TP.HCM có 6 tuyến cao tốc, 5 tuyến quốc lộ, 3 tuyến vành đai, 5 đường trên cao, 8 tuyến metro, 3 tuyến Tramway, Monorail.

Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM nhận định tiến độ thực hiện của thành phố vẫn còn chậm và chưa đồng bộ với quy mô dân số. Trong khi đó, TP.HCM đối mặt với thách thức hạ tầng phải bắt kịp quá trình đô thị hóa và tốc độ gia tăng dân số 5 năm gần đây.

Những công trình chưa thể hoàn thiện

Hiện, hệ thống đường cao tốc phía Nam chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1 với 2/6 tuyến, riêng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Các tuyến quốc lộ và đường tỉnh chưa được nâng cấp, mở rộng đủ lộ giới theo quy hoạch. Đường vành đai 2 chưa khép kín, chỉ hoàn thành 13,75 km/64,1 km, đường vành đai 3 sắp khởi công, vành đai 4 chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

Riêng 5 tuyến đường trên cao với tổng chiều dài 70,7 km và quy mô 4 làn xe, đến nay cũng chưa có tuyến nào được triển khai.

TP.HCM cũng chỉ mới hoàn thành một số nút giao khác mức như An Sương, Mỹ Thủy, cầu thép. 11 nút giao đang triển khai, đầu tư là Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; An Phú và 9 nút giao thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Hệ thống bến bãi của thành phố cũng chưa theo đúng tiến độ khi chỉ hoàn thành 228 ha trên tổng 1.146 ha diện tích được quy hoạch.

quy hoach giao thong anh 1

Bản đồ quy hoạch các tuyến metro TP.HCM. Ảnh: MAUR.

Đối với 8 tuyến đường sắt đô thị, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến hoàn thành vào năm 2023, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Còn 6 tuyến metro còn lại chỉ mới ở giai đoạn nghiên cứu hoặc tìm vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, tuyến BRT số 1 nằm trong định hướng phát triển giao thông xanh của TP.HCM dự kiến hoàn thành vào năm 2023, các tuyến còn lại vẫn đang nghiên cứu.

Tắc nghẽn kết nối vùng

TP.HCM và 7 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của TP.HCM là giải quyết bài toán liên kết vùng, thúc đẩy sự phát của cả 8 địa phương.

Theo nghiên cứu của Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT - TEDI, hành lang giao thông chính kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lần lượt theo 4 hướng.

Trong đó, hướng nối TP.HCM với Đồng Nai có quốc lộ 1K, quốc lộ 1A mở rộng, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đầu mối thành phố với Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội, đại lộ Đông Tây cũng được đầu tư mở rộng kết nối các trục hướng tâm.

quy hoach giao thong anh 2

Hành lang giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: TEDI.

Hướng nối TP.HCM với Long An có cao tốc TP.HCM - Trung Lương, quốc lộ 1A. Song, trục vành đai 2 đoạn An Lạc - An Sương - Trạm 2 chưa được đầu tư mở rộng dẫn đến tình trạng ách tắc thường xuyên ở cửa ngõ chiều vào.

Tương tự, cửa ngõ TP.HCM nối Long An về phía Nam thông qua quốc lộ 50 cũng chưa được mở rộng đã gây cản trở không ít cho người dân vào dịp cao điểm, lễ, Tết. Còn hướng nối TP.HCM với Bình Dương, Bình Phước hiện chủ yếu qua quốc lộ 13, quốc lộ 14.

Đối với hướng kết nối TP.HCM với Tây Ninh, hiện chủ yếu qua quốc lộ 22. Cửa ngõ này trước đây được đầu tư trong dự án đường xuyên Á song lưu lượng giao thông hiện quá lớn dẫn đến khó khăn trong việc kết nối. Ngoài ra, hướng này theo quy hoạch có cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, việc sớm đầu tư đường cao tốc là rất cần thiết.

quy hoach giao thong anh 3

Cửa ngõ Tây Bắc, đoạn qua cầu vượt Cộng Hòa hướng về trung tâm thành phố thường xuyên quá tải vào giờ cao điểm. Ảnh: Quỳnh Danh.

Bên cạnh đó, hệ thống vành đai kết nối vùng 3, 4 vẫn chưa được đầu tư xây dựng, dẫn đến luồng giao thông liên tỉnh không được phân luồng từ xa mà đi vào thành phố gây quá tải giao thông.

Về hàng không, đầu mối hàng không cho toàn vùng hiện tập trung tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải, đè nặng lên hệ thống giao thông TP.HCM.

Hơn nữa, bao quanh Tân Sơn Nhất là khu dân cư tập trung với mật độ đông, nhu cầu giao thông nội bộ khu vực lớn, góp phần làm tình trạng ùn tắc khu sân bay càng trở nên nghiêm trọng.

Đến nay, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Ngành giao thông kỳ vọng khi sân bay Long Thành đi vào khai thác sẽ cải thiện tình trạng quá tải tại Tân Sơn Nhất.

Tại Hội thảo về quy hoạch giao thông vận tải trên địa bàn hôm 20/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận thiếu vốn và cơ chế là nguyên nhân chính khiến hạ tầng giao thông thành phố không đạt như quy hoạch.

"Chúng ta cần nghiên cứu cơ chế làm kinh tế giao thông, chứ không phải dự án giao thông. Bởi nhu cầu vốn cho các dự án rất lớn, nếu chỉ dựa vào vốn Nhà nước thì rất khó", ông Mãi nói và cho rằng giao thông TP.HCM được quy hoạch từ năm 2013, đến nay có một số điểm nghẽn cần sửa đổi để có chiến lược mới, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế, xã hội.

Quy hoạch hạ tầng chưa bắt kịp tốc độ phát triển của TP.HCM

Quy hoạch TP.HCM được phủ kín năm 2012-2013, dựa vào quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt năm 2010; tuy nhiên, quy hoạch này bắt đầu cho thấy sự khác biệt với nhu cầu hiện nay.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm