Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, các địa phương cần nỗ lực để khởi công dự án sớm hơn, vào tháng 6/2023. Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, TP.HCM cùng các địa phương đã bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch chung, đặc biệt là kế hoạch giải phóng mặt bằng dự án.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm thông tin như trên tại hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM và công tác chuẩn bị dự án đường vành đai 4 TP.HCM diễn ra sáng 2/7.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá vành đai 3 TP.HCM là dự án lớn, thời gian thực hiện ngắn nên các địa phương cần triển khai song song công tác giải phóng mặt bằng.
"Nhanh, nhưng phải chắc. Thời điểm khởi công phải có 70% mặt bằng cho ban quản lý dự án triển khai thi công", Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị.
Bản đồ tổng thể dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: TCIP. |
Ông Thọ yêu cầu các địa phương phải gắn trách nhiệm đến từng cơ quan đơn vị, cán bộ phụ trách, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch.
Nghị quyết của Quốc hội cho phép các địa phương thực chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật… Song, các bộ cũng lưu ý địa phương cần cân nhắc không thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.
Theo kế hoạch, từ tháng 10 năm nay đến cuối năm 2023, dự án vành đai 3 TP.HCM phải có tối thiểu 70% mặt bằng được bàn giao. Đến tháng 3/2024, toàn bộ mặt bằng được bàn giao.
Sau khi có mặt bằng, công trình thi công trong 36 tháng và thông xe toàn tuyến phần cao tốc vào tháng 10/2025. Dự kiến, toàn bộ dự án hoàn thành vào tháng 6/2026.
Hôm 16/6, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 với 475/478 (chiếm 95,38%) phiếu tán thành của đại biểu. Tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng. Trước đó, mốc thời gian khởi công được xác định vào cuối năm 2023. Sau khi khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 7; quý IV/2022 các đơn vị tiến hành bàn giao ranh dự án để triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cuối năm 2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng. Tất cả công việc phải được triển khai đồng bộ, khẩn trương.
Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km (đoạn qua TP.HCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km). Điểm đầu của dự án là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Khi tuyến đường được đưa vào khai thác, phương tiện vận tải liên tỉnh không phải đi qua trung tâm thành phố, khu vực đông dân cư; tiết kiệm được thời gian hành trình, chi phí, tạo thêm hướng kết nối giữa TP.HCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TP.HCM - Long Thành.