Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tướng mạo của bậc đế vương

Hoàng Tất Thông lợi dụng chỗ ngồi sát gần và lấy cớ đàm luận với động chủ Hoa Lư để xem tướng Đinh Bộ Lĩnh, coi có phải là người sẽ làm nên việc lớn không.

Cuối giờ Thìn, phái đoàn đến cửa động Hoa Lư. Hoàng Tất Thông với phong độ một nhà nho lão thành thủng thẳng đi trước, Phạm Cự Lượng rắn rỏi và hiên ngang bước theo sau.

Hai người được dẫn vào dinh động chủ, Tất Thông đảo mắt qua thấy Đinh Bộ Lĩnh trong trang phục một võ tướng chễm chệ ngồi trên chiếc ngai phủ da hổ phía sau có hai võ tướng cầm kiếm tuốt trần đứng hầu. Hai bên tả hữu và hai ban văn võ nghiêm trang ngồi hướng mặt vào giữa.

Nhân sĩ Hoa Lư thử tài sứ giả

Hoàng Tất Thông ra hiệu cho Phạm Cự Lượng dừng lại nơi hàng hiên, còn mình ra đứng trước án thư cúi đầu chào và nói:

- Tôi, Hoàng Tất Thông quê Hoan Châu, được sứ quân Trần Minh công ở Bố Hải Khẩu cử đến Hoa Lư dâng động chủ lời vấn an và một phong thư giao hảo.

Vừa nói ông vừa lấy trong tay áo phong thư đặt lên án. Đinh Bộ Lĩnh vẫn ngồi yên, chỉ gật đầu mà không nói câu nào cả. Các quan văn võ hai bên thì có vẻ khinh khỉnh tự cao.

Dinh Bo Linh anh 1

Tranh Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Nguồn Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Thấy vậy Hoàng Tất Thông lùi ra ngoài sân, ngửa mặt lên trời mà nói lớn:

- Trời đất quỷ thần ơi! Trần Minh công đã lầm to.

Mọi người hết sức sửng sốt trước phản ứng quá đột ngột và táo bạo của Hoàng Tất Thông, nhất là Đinh Bộ Lĩnh. Ông liền hỏi:

- Ông bảo Trần Minh công đã lầm to cái gì?

Hoàng Tất Thông đáp rằng:

- Trần Minh công lầm to khi tưởng động chủ Hoa Lư là bậc anh hùng cái thế có thể làm nên sự nghiệp vẻ vang, không ngờ khi tới diện kiến mới thấy rõ là người thiếu cả lễ, hiếu, trung, chính.

Nghe Hoàng Tất Thông trả lời như thế, các quan đều giận tím mặt.

Đinh Dự ngồi vẫn giữ nét mặt bình tĩnh, cất tiếng hỏi:

- Ông bảo động trưởng Hoa Lư thiếu cả bốn đức lễ, hiếu, trung, chính ở chỗ nào? Nói không đúng thì đã có hổ dữ ngoài kia tiếp ông.

Hoàng Tất Thông vẫn bình tĩnh đáp:

- Khách từ xa đến viếng thăm và giao hảo, đã có báo trước, mình chưa phải là bậc đế vương, chỉ mới làm chủ một động, mà không niềm nở đón tiếp, thế là vô lễ.

Tôi xưng danh quê ở Hoan Châu là nơi đức tiên công trấn nhậm. Đáng lẽ khi biết tôi người Hoan Châu, ông phải hỏi thăm mới là người biết thủy chung, có lòng nghĩ đến phụ thân. Trái lại, ông làm ngơ, thế là người con bất hiếu…

Hoàng Tất Thông nói luôn một hơi không nghỉ. Đến đây Đinh Bộ Lĩnh vội bước xuống khỏi ngai, đi thẳng tới phía Hoàng Tất Thông:

- Lão phu bỏ qua cho những điều thiếu sót của kẻ hậu sinh quê mùa này. Kính mời lão phu vào trong chánh điện để bỉ nhân được tiếp chuyện.

Thấy Đinh Bộ Lĩnh đối đãi với Hoàng Tất Thông ân cần và kính trọng, một vài người trong văn võ các quan không bằng lòng, chỉ muốn hỏi vặn chánh sử những câu thật hóc búa để làm cho ông mất thể diện.

Nguyễn Bặc hỏi ngay:

- Hồi nãy, lão phu có nói đến chữ trung, dám hỏi lão phu: Trần Minh công là một bề tôi của triều đình, nay bỗng dưng ly khai, xưng hùng một phương, như thế còn giữ đúng nghĩa chữ trung nữa không?

Hoàng Tất Thông bình tĩnh đáp:

- Trần Minh công cũng như anh em Bố Hải Khẩu đều là thần tử của triều đình nhà Ngô, không phải triều đình của Dương Tam Kha. Y chỉ là kẻ loạn thần cần phải tiêu diệt.

Nguyễn Bặc hỏi tiếp:

- Nếu quả như lão phu nói, cớ sao Trần Minh công không kéo quân Bố Hải Khẩu lên kinh đô Cổ Loa hỏi tội Dương Tam Kha?

Hoàng Tất Thông vẫn cố giữ bình tĩnh đáp:

- Trần Minh công và tướng sĩ Bố Hải Khẩu sở dĩ chưa kéo lên Cổ Loa hỏi tội tên phản nghịch, cũng vì biết rõ người và mình. Do đó lực lượng Bố Hải Khẩu chưa đủ sức chống lại quân địch, buộc lòng phải lo củng cố lực lượng sẵn có, quy tụ thêm lực lượng mới, kết hợp với các bậc anh kiệt khác để chung lo đại sự.

Bấy giờ Đinh Điền cất tiếng hỏi:

- Lão phu có nói đến bậc thượng tướng ở Bố Hải Khẩu, chẳng hay đó là những vị nào? Tài thao lược ra sao?

Hoàng Tất Thông đáp:

- Trần Minh công tài đức kiêm toàn, quy tụ được dưới cờ nhiều bậc hào kiệt, không riêng ở vùng Bố Hải Khẩu, mà khắp cả nước, từ các vùng xa xôi như Hoan Châu, Ái Châu, các nơi gần như Hồng Châu, Cổ Loa...

Bên văn vào hạng như tôi có đến vài chục người, bên võ thì những người đủ sức làm tướng cầm quân ra trận như Trưng Tấn Vương, Lã Đường, Trần Thường có đến ba bốn chục người…

Tất Thông mượn cớ xem tướng mạo Đinh Bộ Lĩnh

Bấy giờ mọi người mới thực lòng mến phục nhân tài Bố Hải Khẩu và đức độ của Trần Lãm. Mọi sự đố kỵ lúc ban đầu đều tiêu tan hết. Vừa lúc đó bữa tiệc được bày ra ngay tại sảnh đường để chiêu đãi phái đoàn Bố Hải Khẩu.

Dinh Bo Linh anh 2

Bộ tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân.

Trong lúc ăn uống, mọi người nói chuyện rất vui vẻ...

Hoàng Tất Thông được ngồi bên phải Đinh Bộ Lĩnh, đối diện với Đinh Dự. Ông lợi dụng chỗ ngồi sát gần và lấy cớ đàm luận với động chủ Hoa Lư để xem tướng Đinh Bộ Lĩnh, coi có phải là người sẽ làm nên việc lớn không.

Ông thấy Đinh Bộ Lĩnh là một chàng trai tuổi vào khoảng dưới ba mươi, thân thể cường tráng, mặt vuông, trán rộng và cao, trên trán có ba lằn xuôi như chữ “xuyên” biểu lộ người có nhiều hy vọng thành công trong mọi toan tính về tương lai.

Hai mắt sáng như sao tỏ ra là người thông minh, nhận thức mau lẹ. Khi nói chuyện với ai, gặp vấn đề gay cấn, quan trọng, hai mắt tròn xoe, nhìn thẳng vào người đối thoại phát ra những luồng nhãn quang như muốn thôi miên, chứng tỏ ông là người có tính cương quyết.

Sống mũi cao, thẳng và dày, chóp mũi nở lớn. Hai gò má cao vừa, đều. Miệng vuông, rộng, có góc cạnh, môi trên môi dưới dày vừa phải, đúng với câu “đàn ông rộng miệng có tài”. Hai tai to, vành tai đầy đặn, cao dày, có thành có quách phân minh, có trái thùy châu nhỏ giọt.

Nhìn chung, tướng diện của Đinh Bộ Lĩnh như khuôn thiên đầy đặn, như mặt trời buổi sáng, mặt trăng đêm rằm, đúng là tướng mạo bậc đế vương.

Hoàng Tất Thông mừng thầm trong lòng, vì gặp được Đinh Bộ Lĩnh không khác gì cá gặp nước, mây gặp rồng, nếu mai kia Trần Minh công qua đời mà có được một người như thế kế tục sự nghiệp thì may mắn cho đất nước cho trăm họ biết bao.

Đinh Bộ Lĩnh làm gì sau khi nhận thư của Trần Lãm?

Sau khi có bức thư báo tin phái bộ Bố Hải Khẩu sắp đến giao hiếu, Đinh Bộ Lĩnh liền cho mời các quan văn, võ đến họp bàn.

Đinh Bộ Lĩnh giỏi như thế nào?

Đinh Bộ Lĩnh là con người khác thường. Nếu đất Bố Hải Khẩu được con người ấy đến hợp tác, cùng lo chung việc lớn, chắc sẽ sớm thành công.

Gặp cơn hoạn nạn mới biết ai là kẻ trung thần

Những kẻ thật lòng yêu nước và nhớ ơn nhà Ngô không thể cúi đầu khoanh tay để cho tên loạn thần Dương Tam Kha tọa hưởng phú quý và tác oai tác quái.

Nguyễn Đình Tư / NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY