Việc khinh khí cầu Trung Quốc bay ngang qua Mỹ trước khi bị bắn hạ trong những ngày qua đã thu hút sự chú ý lớn từ công chúng. Trong đó, loại tên lửa Mỹ dùng cho cả 4 lần bắn ở South Carolina, Alaska, Michigan và Canada đều là AIM-9X Sidewinder.
Tập đoàn công nghệ Raytheon chính là đơn vị chịu trách nhiệm tên lửa AIM-9X Sidewinder vốn được sử dụng rất nhiều trong kho vũ khí của Mỹ suốt nhiều thập kỷ qua. Tên lửa AIM-9X không chỉ được sản xuất dành riêng cho quân đội Mỹ mà còn bán với số lượng lớn cho các nước đồng minh.
Hãng Raytheon cho biết có đến 31 quốc gia mua tên lửa AIM-9, bao gồm Hàn Quốc, UAE, Indonesia. Mặc dù là loại tên lửa không đối không, thế hệ mới nhất của AIM-9X cũng có thể phóng từ mặt đất hay tấn công các mục tiêu trên bộ.
Tên lửa trị giá 439.000 USD
Theo Bloomberg, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi 111,9 triệu USD để mua 255 tên lửa AIM-9X, tương đương 439.000 USD/quả. Tuy nhiên, các quốc gia khác sẽ phải trả thêm cho các thiết bị, linh kiện liên quan và chi phí đào tạo. Đơn cử như năm 2011 Malaysia đã mua 20 tên lửa AIM-9X-2 với giá 52 triệu USD sau khi tính tổng mọi phụ phí.
Tên lửa AIM-9X là loại tên lửa tầm nhiệt, siêu thanh, tầm ngắn. Các bộ phận chính của loại tên lửa này bao gồm bộ dẫn đường bằng tia hồng ngoại, máy dò mục tiêu quang học, đầu đạn có lực sát thương lớn và động cơ tên lửa. Bộ phận dẫn đường sẽ giúp tên lửa xác định mục tiêu bất kể thời gian nào trong ngày.
Có trọng lượng 84 kg và dài 3 m, AIM-9X chạy bằng nhiên liệu rắn. Biến thể Block II của tên lửa này còn có tính năng cao cấp hơn như khoá mục tiêu sau khi phóng, giúp phi công không cần phải theo dõi qua màn hình để ngắm bắn.
Tên lửa này được trang bị trên hàng loạt máy bay quân sự hiện đại từ F-16 Fighting Falcon đến F-22 Raptor. Với tính linh hoạt của mình, tên lửa AIM-9 đã giúp máy bay chiến đấu F-22 ghi điểm lần đầu tiên bắn hạ mục tiêu trên không là chiếc khí cầu Trung Quốc.
Mỹ không tiết lộ số lượng tên lửa của tập đoàn Raytheon mà họ đang sở hữu, nhưng tờ Bloomberg cho rằng con số có thể lên đến 10.000 thiết bị tính đến năm 2021.
Ưu thế của tên lửa Sidewinder
Theo Iain Boyd, Giám đốc Trung tâm sáng kiến về An ninh (Center for National Security Initiatives) tại Đại học Colorado, sử dụng tên lửa để bắn hạ các vật thể lạ sẽ giúp giảm thiểu nguy hiểm cho phi công vì họ có thể ngắm bắn mục tiêu từ xa.
"Họ sẽ phải tiến gần đến mục tiêu hơn nếu muốn sử dụng pháo bắn. Từng có nhiều trường hợp gặp sự cố do bộ phận cảm biến trên máy bay quân sự", chuyên gia cho biết.
Một ưu điểm khác của dòng tên lửa Sidewinder là vì nó không được thiết kế để bắn hạ các vật thể bay như khinh khí cầu nên giá thành rẻ và sẽ không vô tình phá hủy những bộ phận trên mục tiêu, khác với tên lửa tầm trung dò bằng radar như AIM-120 AMRAAM trước đó. Khả năng tầm nhiệt của AIM-9X cũng là một ưu thế trong quá trình bắn hạ.
"Tên lửa hoạt động tốt dù là ngày hay đêm. Vào ban ngày, Mặt trời sẽ làm nhiệt độ khí cầu tăng. Tên lửa sẽ dựa vào lượng tán xạ ánh nắng Mặt trời để nhắm bắn mục tiêu. Trong khi đó, vào buổi đêm, nhiệt độ của khí cầu sẽ cao hơn so với nhiệt độ môi trường", cựu đại tá Không quân Mỹ Michael Pietrucha cho biết.
Ngay cả khi vật thể không phát nhiệt, tên lửa Sidewinder vẫn có thể tìm ra nhờ khoảng cách với mặt đất, ông nói thêm. "Ngày trước chúng ta thường bắn hạ khí cầu chứa khí hydro bằng đạn có khả năng phóng hỏa. Nhưng đó đã là chuyện của 100 năm về trước", ông Pietrucha nói.
Tiềm năng của tên lửa Sidewinder
Tên lửa Sidewinder đã được quân đội Mỹ sử dụng từ lâu. Nó được chế tạo lần đầu vào những năm 1950 bởi Hải quân Mỹ, sau đó được đưa vào không quân sử dụng. Sidewinder là tên lửa tầm nhiệt đầu tiên được đi vào hoạt động.
Khi đó, những biến thể đầu tiên chỉ có thể dùng với khoảng cách gần và cũng không thể triển khai vào ban đêm. Nhưng những thay đổi sau này đã khắc phục nhược điểm trên. 9X là phiên bản mới nhất của tên lửa Sidewinder và đi vào hoạt động từ năm 2003.
Theo Bloomberg, các nhà chức trách Mỹ cho rằng việc sử dụng 9X để bắn hạ các khinh khí cầu là một ý tưởng rất mới lạ. Phần đầu đạn nhỏ và tầm bắn thấp giúp AIM-9X khi phóng sẽ an toàn và đạt hiệu quả cao hơn các tên lửa tương tự như AIM-120, Glen VanHerck, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phương Bắc (NORTHCOM) và Bộ Chỉ huy Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD), nhận định.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.
NASA phát triển động cơ hạt nhân để lên Hỏa tinh nhanh hơn
Tên lửa và tàu vũ trụ dùng năng lượng hạt nhân có thể rút ngắn thời gian di chuyển từ Trái Đất đến Hỏa tinh, không còn mất 7 tháng như hiện nay.
Tên lửa hạt nhân siêu tốc của NASA chỉ cần 45 ngày để đến Hoả Tinh
Với các công nghệ tên lửa hiện nay, phải mất 6 tháng để đi từ Trái Đất đến Hỏa Tinh. Con số này có thể rút đi 4 lần trong tương lai gần.
Vòng sáng xoáy ốc xuất hiện trên bầu trời Hawaii, có thể từ tên lửa
Vòng sáng hình xoắn ốc ấn tượng này được cho là do tên lửa Falcon 9 của SpaceX để lại sau khi phóng lên quỹ đạo.