Triều Tiên trong 3 ngày 2-5/11 đã phóng hàng chục quả tên lửa đạn đảo tới các vùng biển xung quanh nước này. Ảnh: KCNA. |
Kể từ đầu năm, Triều Tiên đã tăng mạnh các vụ phóng thử tên lửa. Đặc biệt, vào hôm 3/11, nước này đã tiến hành phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Đây là một phần trong nỗ lực của Bình Nhưỡng để phát triển loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn tới Mỹ.
Dưới đây là một vài đặc điểm chính của ICBM cũng như những loại ICBM đang được Triều Tiên phát triển.
ICBM là gì?
ICBM là các tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ khoảng 5.500 km trở lên, phần lớn được thiết kế làm phương tiện triển khai vũ khí hạt nhân. Một số loại ICBM trong biên chế quân đội các nước có tầm bắn lên tới 10.000 km và xa hơn.
Một số loại ICBM chỉ có thể mang theo một đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, phần lớn các loại ICBM hiện đại có thể mang theo nhiều đầu đạn, với mỗi đầu đạn có khả năng nhắm vào các mục tiêu riêng biệt, được đặt trong những phương tiện hồi quyển (MIRV).
ICBM có thể được phóng từ nhiều cơ sở và phương tiện khác nhau. Các cơ sở phóng cố định như hầm chứa có khả năng bảo vệ tên lửa tốt hơn, nhưng lại dễ bị thiệt hại trước các cuộc tấn công phủ đầu.
Các bệ phóng di động như từ tàu ngầm, xe tải và tàu hỏa khó bị phát hiện hơn vì có khả năng di chuyển nhanh chóng, nhưng lại dễ bị phá hủy nếu bị nhận diện.
Các loại tên lửa hạt nhân có thể được triển khai từ nhiều nền tảng phóng khác nhau như xe tải, tàu ngầm hay hầm chứa cố định. Ảnh: Reuters. |
Cho đến nay, các nước gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Ấn Độ là những quốc gia sở hữu ICBM, được triển khai trên đất liền hoặc trên biển.
Triều Tiên lần đầu phóng thử thành công loại ICBM Hwasong-14 do nước này phát triển vào tháng 7/2017.
Triều Tiên sở hữu bao nhiêu ICBM
Sau khi tiến hành 2 vụ phóng thử thành công tên lửa Hwasong-14, Triều Tiên vào tháng 11/2017 đã phóng thử một loại ICBM khác là Hwasong-15.
Nhiều chuyên gia tin rằng Hwasong-14 và Hwasong-15 của Triều Tiên có tầm bắn trên 10.000 km, có thể vươn tới phần lớn các khu vực của Mỹ khi 2 nước chỉ cách nhau khoảng 9.000 km.
Sau vụ phóng thử tên lửa Hwasong-15, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố nước này đã thực hiện thành công "nhiệm vụ mang tính lịch sử khi hoàn thiện kho vũ khí hạt nhân của quốc gia".
Được ra mắt lần đầu trong cuộc diễu binh tháng 10/2020, Triều Tiên lần đầu phóng thử tên lửa Hwasong-17 vào tháng 3. Ảnh: KCNA. |
Vào tháng 3, Triều Tiên lần đầu phóng thử loại ICBM Hwasong-17. Đây là vụ thử ICBM đầu tiên của Triều Tiên kể từ năm 2017
Trước đó, tên lửa Hwasong-17 được cho ra mắt trước công chúng trong một buổi diễu binh vào tháng 10/2020. Theo Reuters, tên lửa Hwasong-17 có kích thước đủ để mang theo đầu đạn hạt nhân tấn công vào bất kỳ khu vực nào của nước Mỹ.
Khác với những loại ICBM trước do Triều Tiên phát triển, Hwasong-17 được phóng trực tiếp từ xe tải hạng nặng có 11 trục. Điều này khiến nhiều chuyên gia nhận định rằng đây là loại ICBM nhiên liệu lỏng được triển khai từ bệ phóng di động trên bộ lớn nhất trên thế giới.
Dựa trên thông tin thu thập được từ vụ phóng vào tháng 3, chính quyền Nhật Bản nhận định tên lửa Hwasong-17 có tầm bắn vượt mốc 15.000 km. Tầm bắn này cho phép tên lửa tấn công gần như mọi khu vực trên Trái Đất, ngoại trừ một số quốc gia Nam Mỹ và một số khu vực của Nam Cực, theo Reuters.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách về Triều Tiên có tựa đề "Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi" do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2021. Cuốn sách giúp bạn đọc có cách nhìn đầy đủ, rõ nét hơn khi tìm hiểu về đất nước, con người Triều Tiên, cũng như cập nhật những thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Triều Tiên hiện nay.