Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa đạn đạo trong những ngày gần đây. Ảnh: Reuters. |
Suốt thời gian qua, Triều Tiên phản ứng gay gắt trước các cuộc tập trận quân sự của Mỹ và Hàn Quốc, khẳng định sẽ đáp trả mạnh mẽ.
Phản ứng này đã được tiết lộ trong tuần này, khi Triều Tiên bắn hơn 20 tên lửa vào hôm 2/11, một trong số đó rơi xuống gần biên giới biển Hàn Quốc. Đây là lần Bình Nhưỡng bắn nhiều tên lửa nhất trong một ngày, Reuters đưa tin.
Đến ngày 3/11, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên bắn 2 đợt tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía đông, mỗi đợt 3 quả tên lửa. Trong đó, một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bị nghi bắn từ Bình Nhưỡng, theo Yonhap.
AP nhận định đây là động thái leo thang đáng kể, khi trong năm nay thế giới chứng kiến kỷ lục số lần Triều Tiên thử tên lửa. Điều này đặt ra câu hỏi liệu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Phản ứng từ thấp tới cao
Dựa vào những gì xảy ra trong quá khứ, Triều Tiên có khả năng sẽ liên tục có hành động cho đến khi nước này thu hút được sự chú ý của Mỹ. Sau đó, Bình Nhưỡng sẽ tìm cách thương lượng để nới lỏng các lệnh trừng phạt, hoặc để đạt các nhượng bộ khác.
Và trong những ngày này, Triều Tiên cần thu hút sự chú ý theo cách lớn hơn, trong bối cảnh chính quyền của ông Biden tập trung cho bầu cử giữa kỳ, còn Nga và phương Tây bị chi phối bởi xung đột tại Ukraine.
Điều này có nghĩa Triều Tiên sẽ phải làm nhiều hơn nữa để thu hút đủ sự chú ý mà họ muốn. Nhưng đi kèm với tính toán này là khả năng tình hình có thể bị đẩy đi quá xa. Tại Hàn Quốc, ngày càng có nhiều ý kiến về việc phát triển chương trình hạt nhân nội địa.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát cuộc tập trận hôm 8/10. Ảnh: KCNA. |
Giới quan sát cho rằng Triều Tiên có nhiều cách phản ứng ở các cấp độ khác nhau để bày tỏ sự không hài lòng. Mức thấp nhất là việc đưa ra lời lẽ mạnh mẽ trên phương tiện truyền thông. Sau đó, họ có thể tiến hành các vụ phóng tên lửa tầm ngắn giống như loại được bắn hôm 2/11.
Sau đó là các cuộc thử tầm xa hơn, bao gồm phóng ICBM được thiết kế với khả năng nhắm vào Mỹ, hoặc tên lửa tầm trung. Phản ứng ở mức cao nhất được coi là việc Triều Tiên cho thử thiết bị hạt nhân.
Mỗi lần nâng cấp phản ứng là một lần căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên, nơi hàng trăm nghìn quân ở 2 nước, cùng với lính Mỹ, tập trung dọc biên giới và được trang bị những loại vũ khí mạnh hàng đầu thế giới.
Các hệ lụy được tính toán kỹ
Trong nhiều tháng, Hàn Quốc và Mỹ cho rằng Triều Tiên sẽ tiến hành đợt thử hạt nhân lần thứ 7. Đáng chú ý, mỗi vụ thử vũ khí của Triều Tiên - dù là tên lửa tầm ngắn hay bom hạt nhân - đều giúp Bình Nhưỡng tiến gần hơn đến mục tiêu cuối cùng, đó là xây dựng kho vũ khí hạt nhân đầy đủ, có khả năng nhắm tới mọi thành phố trên đất liền của Mỹ.
Phân tích gần đây từ CSIS cho thấy Triều Tiên đã đạt được tiến bộ lớn trong việc xây dựng Trạm phóng vệ tinh Sohae. Ngoài mở rộng khả năng gửi các phương tiện phóng vệ tinh, trạm có thể “hỗ trợ phát triển công nghệ cho các chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nổi của Triều Tiên”.
Hàn Quốc và Mỹ trong cuộc diễn tập vượt sông chung ở Yeoju hôm 19/10. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, Triều Tiên hiểu rõ những gì đang xảy ra trên thế giới. Ví dụ, với Mỹ, trong tháng này, Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị công du châu Á cho loạt hội nghị thượng đỉnh và đối mặt với cuộc bầu cử giữa kỳ quan trọng.
Trước đây, Bình Nhưỡng cũng từng phóng thử vũ khí khi nước Mỹ có bầu cử. AP nhận định hành động ấy có lẽ là nhằm đưa nước này lên vị trí ưu tiên cao hơn trong chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ. Nhưng một vụ thử hạt nhân mới vào lúc này có thể đi kèm rủi ro cho Triều Tiên, theo Jeffery Robertson - phó giáo sư nghiên cứu ngoại giao tại Đại học Yonsei.
Ông Robertson nhận định trong suốt 30 năm qua, khu vực này hình thành thế cân bằng giữa một bên là năng lực vũ khí thông thường có phần vượt trội của Hàn Quốc (và liên minh với Mỹ), và bên còn lại là năng lực vũ khí hạt nhân còn “non trẻ” của Triều Tiên.
“Do đó, nếu Hàn Quốc theo đuổi năng lực hạt nhân độc lập, thế cân bằng này sẽ biến mất”, ông nhận định.
Tuy nhiên, AP cho rằng chưa chắc điều này đã khiến Triều Tiên ngồi yên trong ngắn hạn, bởi có khả năng Bình Nhưỡng sẽ tận dụng mọi phương thức để đạt được mục tiêu của mình.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách về Triều Tiên có tựa đề "Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi" do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2021. Cuốn sách giúp bạn đọc có cách nhìn đầy đủ, rõ nét hơn khi tìm hiểu về đất nước, con người Triều Tiên, cũng như cập nhật những thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Triều Tiên hiện nay.