Trong khi hệ thống phần thưởng sinh học của chúng ta không thay đổi gì mấy suốt 25.000 năm qua, thì xã hội chúng ta tạo ra chắc chắn đã thay đổi hoàn toàn. Trong thế giới của chúng ta ngày nay có những nguồn dopamine dồi dào mà trước kia không tồn tại.
Vào thời của Duncan, mục đích của dopamine là tạo ra tình huống có ích cho cơ hội sinh tồn. Xin đừng nghĩ là tôi đang đề nghị không nên tận hưởng bất kỳ nguồn dopamine ‘không cần thiết’ nào giúp ta vui sống – Không hề! Tôi cũng xem phim bộ, thỉnh thoảng ăn kem ngon lành và chắc chắn rất mê bỏng ngô khi tới rạp xem phim.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC. |
Thay vì vậy, ở đây tôi đề xuất rằng hiểu cách vận hành của dopamine là kỹ năng sinh tồn tối quan trọng, nhất là trong một xã hội như xã hội chúng ta, trong đó những kẻ trộm dopamine – mà lát nữa đây tôi sẽ nói tới – lảng vảng khắp nơi.
Vậy thì dopamine làm được gì cho chúng ta? Là một thành phần trong món rượu tiên, dopamine sản sinh động lực, quyết tâm, ham muốn và cảm giác hài lòng, cũng như đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta lưu được những ký ức lâu dài.
Về mặt kỹ thuật, có bốn con đường sản sinh ra dopamine trong não bộ, nhưng ở đây chúng ta sẽ chỉ tập trung vào hai đường: con đường chi phối phần thưởng, và con đường chi phối các chức năng điều hành của não bộ như sức mạnh ý chí và khả năng ra quyết định.
Hãy trở lại với một khái niệm quan trọng: mức dopamine cơ sở. Andrew D. Huberman, giáo sư và nhà nghiên cứu về não bộ ở Đại học Stanford, đã giải thích xuất sắc khái niệm này. Để khiến chúng ta nỗ lực hơn khi tìm kiếm, học tập, và đạt được tiến bộ, mức dopamine tăng lên trước và trong quá trình những hoạt động này diễn ra, rồi giảm xuống dưới mức cơ sở trước đó, sau khi hoạt động hoàn tất. Hãy sử dụng thang từ 1 tới 10 để minh họa.
Mức dopamine cơ sở của mỗi người mỗi khác – đây phần nào là đặc điểm có tính bẩm sinh. Tuy nhiên, trong ví dụ cụ thể này, mức cơ sở được quy định là 5. Giả sử bạn làm việc gì đấy khiến dopamine tăng lên, như xem video hài trên instagram, khiến dopamine tăng lên mức 6. ngay sau khi xem xong, dopamine của bạn sẽ giảm còn 4,9, để khuyến khích bạn ‘tiếp tục tìm kiếm’.
Thế là bạn xem một video nữa, mà bạn cũng thích thú không kém video đầu tiên, nhưng do bạn khởi đi ở mức thấp hơn (4,9), lần này bạn chỉ tăng dopamine lên được mức 5,9, và rồi lại rơi xuống 4,8. Cứ tiếp tục như vậy, hết video này tới video khác, cho đến khi bạn không còn hứng thú nữa vì không còn thấy các video đó thú vị như lúc mới bắt đầu xem. Mức cơ sở của bạn giờ chỉ còn 4, và chủ quan mà nói, bạn cảm thấy tồi tệ hơn so với khi bắt đầu lướt “feed” (bảng tin).
Có lẽ bạn từng trực tiếp trải nghiệm những ngoại lệ với quy tắc này. Đôi khi hiệu ứng dopamine thực ra khiến chúng ta nhiệt tình và tích cực hơn sau khi hoạt động xảy ra. Vậy thì điều gì tạo ra khác biệt? Thế này, nếu bảng tin của bạn là những video toàn các nội dung thực sự có tính củng cố động cơ cho bạn, sau khi xem xong bạn sẽ thấy sôi nổi hơn trước khi xem.
Hãy nghĩ đây là hai kiểu dopamine khác nhau: nhanh và chậm. Tôi muốn nói rõ ở đây: thực ra không hề có dopamine ‘nhanh’ hay ‘chậm’ theo nghĩa đen. Điều tôi muốn nói là tác động của dopamine đã được tiết ra, vốn có thể kéo dài hay ngắn ngủi. Tương tự khái niệm tinh bột chậm và nhanh. Tinh bột nhanh, mà bạn nhận được từ bánh mì trắng, mì Ý và đường, giúp bạn tăng nhanh năng lượng, nhưng bạo phát thì bạo tàn. những video trên instagram cũng vậy. Trong khi đó, tinh bột chậm, mà bạn nhận được từ bánh mì nâu, các loại đậu, gạo lứt và ngũ cốc nguyên cám, mang tới cho bạn nguồn năng lượng lâu dài.
Vậy thì điều gì kích hoạt dopamine chậm? Câu trả lời là các hoạt động và trải nghiệm sẽ hữu ích với bạn trong tương lai, với những lợi ích vượt ra ngoài thời điểm hiện tại. Hãy nhắc lại điểm này – đây là một điểm quan trọng: dopamine chậm có đặc điểm là những hoạt động và trải nghiệm sẽ thực sự hữu ích cho bạn trong tương lai, mà lợi ích vượt ra khỏi thời điểm hiện tại. Theo định nghĩa này, hầu hết những gì tổ tiên chúng ta trải nghiệm đều mang tới dopamine chậm.
Bình luận