Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loại hải sản 'tinh hoa Nhật Bản' đổ về Việt Nam tăng đột biến

Tại thị trường Việt, sò điệp - loại hải sản "tinh hoa của Nhật Bản" - hàng nguyên vỏ có giá rất đắt đỏ. Đáng chú ý, lượng hải sản ngoại này đổ về Việt Nam tăng đột biến 2.078%.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin nửa đầu năm nay, xuất khẩu sò điệp nguyên liệu đông lạnh của Nhật Bản sang Việt Nam tăng đột biến.

VASEP dẫn dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho hay 6 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu sò điệp nguyên liệu đông lạnh có vỏ ở mức 239 JPY/kg (1,51 USD/kg). Tính riêng tháng 6, giá sò điệp của nước này đạt 278 JPY/kg, hồi phục đáng kể so với tháng trước đó và tăng mạnh so với mức đáy 155 JPY/kg vào tháng 3.

Đáng chú ý, Nhật Bản đã xuất khẩu 13.075 tấn sò điệp nguyên vỏ sang Việt Nam trong nửa đầu năm nay. So với cùng kỳ năm trước, lượng sò điệp Nhật đổ về thị trường Việt tăng đột biến tới 2.078%, tuy nhiên giá trung bình đạt 231 JPY/kg, giảm 49%.

Đặc biệt, tháng 6 ghi nhận đơn hàng cao kỷ lục với 5.256 tấn sò điệp, tăng mạnh 1.110% so với tháng cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế, Nhật Bản đang cố gắng đa dạng thị trường xuất khẩu loại hải sản này. Trước kia, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sò điệp chính của Nhật Bản. Trung bình hàng năm, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 95.000 tấn sò điệp nguyên liệu từ Nhật.

so diep anh 1

Sò điệp Nhật Bản nhập khẩu về Việt Nam tăng 2.078%. Ảnh: Huy hải sản.

Tuy nhiên, từ khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm đối với thủy sản Nhật Bản do sự kiện xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra đại dương vào tháng 8/2023, Nhật Bản không ngừng đa dạng thị trường xuất khẩu sò điệp.

Theo đó, Việt Nam, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước ở Đông Nam Á trở thành thị trường tiêu thụ sò điệp chính của Nhật Bản.

Tại Việt Nam, sò điệp là món ăn quen thuộc của những thực khách "sành ăn", nhưng sò điệp Nhật có giá bán khá đắt đỏ.

Trên thị trường, sò điệp Hokkaido nhập khẩu hàng sống nguyên vỏ được rao bán giá 700.000-850.000 đồng/kg. Loại hải sản này được ví như "tinh hoa từ biển cả" của Nhật Bản. Còn cồi sò điệp giá 1,2-1,4 triệu đồng/kg. Với sò điệp đông lạnh, giá dao động 150.000-300.000 đồng/kg tuỳ loại.

Cách đây vài năm, một số cửa hàng ở nước ta còn rao bán cồi sò điệp khô Nhật Bản với giá lên tới 10 triệu đồng/kg.

Cồi sò là phần ngon và quý nhất của sò điệp với vị ngọt, tính mát. Thịt cồi sò điệp trắng ngà, thơm ngon mà không dai. Trong ẩm thực Nhật Bản, cồi sò điệp thường được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn ngon như sushi và sashimi. Ngoài ra, loại hải sản này còn được chế biến thành các món hấp, nướng...

Mới đây, để giới thiệu món hải sản tinh hoa này của Nhật Bản, một nhà hàng tại Ba Đình (Hà Nội) còn tổ chức tiệc giới thiệu, ăn thử cồi sò điệp cao cấp. Theo đó, sò điệp được chế biến thành sushi, sashimi và nhiều món ăn truyền thống kiểu Nhật để khách thưởng thức.

Việt Nam không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn mà còn được nhắm đến làm nơi gia công loại hải sản nổi tiếng này của Nhật.

Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, Việt Nam có nhiều nhà máy gia công hải sản, trong đó có sò điệp nên có sẵn kinh nghiệm sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam làm nơi gia công, từ đó xuất khẩu sang Mỹ và các nước ASEAN.

Từ đầu năm nay, các doanh nghiệp thủy sản Nhật Bản bắt đầu thí điểm chế biến sò điệp Hokkaido tại Việt Nam. Một chuyến hàng khoảng 20 tấn sò điệp nguyên vỏ đã được doanh nghiệp Nhật đưa sang Việt Nam chế biến, sau đó xuất ngược về Nhật Bản để bán cho các nhà hàng và đơn vị bán lẻ.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2024, nước ta đã chi ra 101,5 triệu USD để nhập các loại thủy hải sản từ Nhật Bản, trong đó có một lượng lớn là sò điệp.

Có hàng xuất khẩu bị trả về do chưa đảm bảo an toàn thực phẩm

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần nâng cao nhận thức về sản xuất có trách nhiệm, doanh nghiệp không vì lợi nhuận mà đánh đổi sức khỏe người tiêu dùng, hình ảnh nông sản quốc gia.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói gì về giải pháp tăng xuất khẩu nông sản?

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói trước khi nghĩ đến chính sách thị trường cần có các giải pháp về liên kết sản xuất nông nghiệp.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

https://vietnamnet.vn/loai-hai-san-tinh-hoa-nhat-ban-do-ve-viet-nam-tang-dot-bien-2314194.html

Tâm An/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm