Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loài cua tuyết thổi bùng cuộc chiến dầu mỏ ở vùng cực Bắc

Mâu thuẫn trong cách diễn giải của EU và Na Uy về một hiệp ước quy định việc đánh bắt cua tuyết có thể gây ra hiệu ứng domino làm cuộc chiến dầu mỏ trên biển Barents thêm nóng.

Nhìn bên ngoài, cuộc chiến căng thẳng giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Na Uy ở một khu vực xa xôi nằm trong vòng cực Bắc dường như chỉ xoay quanh những con cua tuyết.

Tuy nhiên, tranh chấp thực sự không dừng lại ở chuyện ai được quyền đánh bắt những loài giáp xác hiền lành sống tại vùng biển bao quanh Svalbard, quần đảo duy nhất thuộc Na Uy ở biển Barents.

Theo một số chuyên gia, thứ thực sự nằm trong tầm ngắm là dầu mỏ. Các nước đều đang chạy đua để giành giật mặt hàng hái ra tiền vốn có rất nhiều ở vùng địa cực này.

Một hiệp ước, hai cách diễn giải

"Không nước nào muốn từ bỏ nguồn tài nguyên mà không nhận lại được gì. Đó cũng là nguyên tắc ở đây", Bộ trưởng Thủy sản Na Uy Per Sandberg nói với AFP.

cuoc chien dau mo o vung cuc bac anh 1
Quần đảo Svalbard nằm trong vòng cực Bắc. Đồ họa: Rohrmannspace.

Na Uy, nước không phải thành viên EU, đã kịch liệt chỉ trích Brussels vì cho phép tàu bè châu Âu đến từ các quốc gia vùng biển Baltic đánh bắt cua tại quần đảo Svalbard. Oslo khẳng định việc này vi phạm chủ quyền của Na Uy.

Hồi tháng 1, một con tàu mang tên "Senator" của Latvia đã bị lực lượng bảo vệ bờ biển Na Uy chặn lại khi đang đánh bắt cua ở khu vực quần đảo Svalbard. Chủ tàu vừa nộp phạt một khoản tiền lớn gần đây.

"Những gì đã xảy ra là chuyện hoàn toàn mới",ông Sandberg nói. "EU không hề cảm thấy xấu hổ khi đưa ra những quyết định kiểu này mà không tham khảo ý kiến của chúng tôi".

Mâu thuẫn trong cách diễn giải của EU và Na Uy về Hiệp ước Svalbard năm 1920 ký kết tại Paris là trọng tâm của vấn đề.

Hiệp ước thừa nhận "chủ quyền toàn vẹn và tuyệt đối của Na Uy" nhưng cho phép các quốc gia ký kết có quyền bình đẳng trong các hoạt động kinh tế trên quần đảo Svalbard và lãnh hải của nó.

Vấn đề cốt lõi là đạt được đồng thuận về phạm vi địa lý của hiệp ước và các bên ký kết hưởng lợi bình đẳng đến đến bao xa khi tiếp cận các nguồn tài nguyên.

cuoc chien dau mo o vung cuc bac anh 2
Tàu Senator của Latvia bị lực lượng bảo vệ bờ biền Na Uy ngăn chặn khi đánh bắt cua tuyết tại khu vực quần đảo Svalbard hồi tháng 1/2017. Ảnh: Independent Barents Observer.

Với cách diễn giải "chặt", Oslo tuyên bố thỏa thuận này chỉ áp dụng trong giới hạn 12 dặm lãnh hải xung quanh quần đảo Svalbard và không xa hơn.

Song Brussels có cách hiểu rộng hơn về hiệp ước và nói rằng thỏa thuận áp dụng cho phạm vi 200 dặm xung quanh Svalbard, tương đương với định nghĩa về vùng đặc quyền kinh tề vốn chưa ra đời khi hiệp ước trên được ký kết.

Cua tuyết, lần đầu được ghi nhận ở biển Barent vào năm 1996, là một loài xâm lấn và quan trọng hơn là loài chỉ sống cố định ở một khu vực dưới đáy biển.

Điều này có nghĩa là các quy tắc áp dụng trong việc đánh bắt cua tuyết sẽ giống với các quy tắc áp dụng cho hoạt động khai thác dầu mỏ hơn là nghề cá.

Hiệu ứng domino

Ông Harald Sakarias Brovig Hansen, nhà nghiên cứu tại Viện Fridtjof Nansen, cảnh báo rằng tranh chấp trong việc đánh bắt cua có thể tạo ra "tiền lệ" cho những "tranh chấp liên quan đến dầu mỏ và khí đốt".

cuoc chien dau mo o vung cuc bac anh 3
Cua tuyết sống cố định ở dáy biển. Ảnh: Europeche.

"Chúng tôi lo sợ sẽ có hiệu ứng domino. Nếu một bên được công nhận là có quyền đánh bắt cua tuyết theo quy định của hiệp ước, thì nhiều bên khác có thể cũng sẽ đến và giành phần", ông nói, đề cập đến dầu mỏ.

"Chiếc bánh này" có thể thấy là rất hấp dẫn vì hồi tháng 4, Cơ quan Dầu mỏ Na Uy đã nâng mức ước tính về trữ lượng dầu mỏ ở vùng biển Barents phần thuộc Na Uy lên gấp đôi.

Theo số liệu thống kê, một trữ lượng tương đương 17,7 tỷ thùng dầu có thể nằm ở phía đông nam quần đảo Svalbard.

Các công ty dầu mỏ đang tiến hành thăm dò. Na Uy đã cấp giấy phép thăm dò mở rộng đến khu vực tranh cãi. "Đại gia" năng lượng Statoil của nước này luôn đẩy mạnh hoạt động thăm dò về phía bắc và đã lên kế hoạch khoan tại khu vực trong mùa hè này.

cuoc chien dau mo o vung cuc bac anh 4
Một giàn khoan dầu của Staoil. Ảnh: Staoil.

Việc khoan thăm dò theo giấy phép Korpfjell, được cho là có triển vọng cao, có thể chọc giận các bên ký kết Hiệp ước Svalbard và khiến họ đòi quyền tiếp cận bình đẳng đối với nguồn dầu mỏ tại khu vực.

"Tôi nghĩ rằng cua tuyết là một quả bóng thử nghiệm", Per Arne Totland, tác giả và chuyên gia về các vấn đề Svalbard, nhận định.

"Trong trường hợp này, Nga, Mỹ, EU và Trung Quốc đều có chung lợi ích và mong muốn tiếp cận các nguồn tài nguyên với phạm vi lớn nhất mà hiệp ước có thể cho phép".

Trong một động thái hòa giải với EU, Oslo đã đề nghị đổi một phần hạn ngạch đánh bắt cua tuyết (500 tấn trong tổng số 4.000 tấn) của họ cho các nước EU để lấy hạn ngạch đánh bắt cá. Tuy nhiên, EU đã từ chối vì nếu họ chấp nhận thỏa thuận này, Na Uy sẽ có lợi thế hơn trong hiệp ước.

"Brussels muốn một thỏa thuận có ích với Na Uy qua đó phép tiếp tục tiếp tục các hoạt động đánh bắt cua tuyết mà không phải rút lại cách giải thích của EU về hiệp ước năm 1920", phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu Enrico Brivio nói.

Vịnh nhỏ châu Âu dậy sóng vì tranh chấp Croatia - Slovenia

Tòa quốc tế sắp ra phán quyết về tranh chấp lâu năm giữa Slovenia và Croatia, 2 quốc gia tách ra từ Nam Tư cũ, xung quanh vịnh Piran và vùng đất bao quanh chỉ rộng 13 km2.

Biên giới Trung - Ấn lại căng thẳng vì vùng đất trên dãy Himalaya

Dải đất yên bình giữa những ngọn núi hoang vu của dãy Himalaya vừa trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế trong vụ tranh chấp biên giới mới đây giữa 2 cường quốc đang lên của châu Á.

Quyên Quyên - Đông Phong

Theo AFP

Bạn có thể quan tâm