Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vịnh nhỏ châu Âu dậy sóng vì tranh chấp Croatia - Slovenia

Tòa quốc tế sắp ra phán quyết về tranh chấp lâu năm giữa Slovenia và Croatia, 2 quốc gia tách ra từ Nam Tư cũ, xung quanh vịnh Piran và vùng đất bao quanh chỉ rộng 13 km2.

Những vị khách đang ăn ngon lành món risotto mực ít biết rằng món hải sản của địa phương này được đánh bắt ở vùng biển tranh chấp lâu năm nhất EU giữa Slovenia và Croatia.

tranh chap bien Croatia va Slovenia anh 1
Vùng gạch sọc là khu vực tranh chấp giữa Croatia và Slovenia. Đồ họa: Independent.

Tọa lạc trên bán đảo có địa hình dốc đứng, thị trấn Piran nằm ở phía tây nam là viên ngọc trên bờ biển ngắn của Slovenia. Thị trấn có các tòa nhà thời Trung Cổ hướng về bến cảng nơi những chiếc thuyền nhấp nhô trên biển Adria xanh màu ngọc lam.

Thế nhưng ẩn sau khung cảnh nên thơ này là những cơn sóng ngầm dữ dội. Croatia cũng tuyên bố chủ quyền với vịnh Piran. Ngày 29/6 này, một tòa trọng tài được thành lập vào năm 2009 tại The Hague (Hà Lan) sẽ ra phán quyết về lãnh thổ 13 km2 bao gồm vịnh Piran cũng như khu vực đất liền không có người ở xung quanh.

Chia rẽ sau Nam Tư cũ

Cuộc tranh chấp đã làm quan hệ giữa Croatia và Slovenia luôn căng thẳng kể từ khi cả hai tuyên bố tách khỏi Liên bang Nam Tư vào năm 1991. Đường biên giới chung dài 670 km giữa 2 láng giềng đã trở thành điểm nóng từ đó.

Slovenia khẳng định họ có quyền lịch sử đối với toàn bộ vịnh Piran trong khi Croatia tuyên bố sở hữu một nửa vịnh. Với đường bờ biển chỉ dài 46 km, Slovenia tin rằng họ sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vùng biển quốc tế nếu tòa án phán quyết có lợi cho Croatia, nước có đường bờ biển trải dài tới 1.700 km.

"[Phán quyết] là chuyện Slovenia có quyền tiếp cận vùng biển quốc tế một cách danh chính ngôn thuận hay không", bà Verica Trstenjak, giáo sư luật người Slovenia giảng dạy tại Đại học Vienna (Áo), nói.

"Đây là một cuộc tranh chấp nhiều cảm xúc đối với đất nước nơi có bờ biển rất ngắn".

tranh chap bien Croatia va Slovenia anh 2
Tranh chấp vịnh Piran là chủ đề nóng tại Slovenia trong khi Croatia dường như không quan tâm vụ kiện.

Joseph Krulic, nhà phân tích người Pháp chuyên nghiên cứu về các quốc gia thuộc Nam Tư cũ, nói với AFP rằng tòa án có thể lựa chọn "một thỏa hiệp trao cho Slovenia một hành lang hẹp với khả năng tiếp cận có chủ quyền đối với vùng biển quốc tế"

Dù vậy theo ông Krulic, quyết định này phần lớn mang tính "biểu tượng" vì Slovenia đã được đảm bảo quyền tiếp cận các vùng biển quốc tế theo luật quốc tế ngay cả khi nước này không có chủ quyền đối với vịnh Piran.

Bất chấp kết quả

Bất kể kết quả ra sao, Croatia đã nói rõ rằng họ sẽ phớt lờ phán quyết đó. Quốc gia này - chỉ đồng ý tham gia vụ kiện sau khi Slovenia bãi bỏ phủ quyết về việc gia nhập EU năm 2009 của Croatia - đã rút khỏi vụ kiện cách đây hai năm sau bê bối nghe lén điện thoại.

Một thẩm phán người Slovenia của tòa trọng tài và một quan chức Slovenia đã bị nghe lén khi đang thảo luận chiến thuật khiến tòa đưa ra phán quyết có lợi cho Slovenia. Cả hai đều từ chức nhưng Croatia nói rằng họ đã mất lòng tin vào sự công tâm của tòa án.

"Croatia sẽ không chấp nhận hay từ chối phán quyết của tòa trọng tài vì một lý do rất đơn giản: tòa này không tồn tại", Tổng thống Croatia Kolinda Grabar Kitarovic nói với báo Dnevnik gần đây.

tranh chap bien Croatia va Slovenia anh 3
Tranh chấp vịnh Piran giữa Slovenia và Croatia là một trong những tranh chấp lãnh thổ lâu năm nhất EU. Ảnh: Getty.

Một biên giới vô hình chia đôi con vịnh đã hiện diện trong thực tế. Các đội tuần tra bờ biển của cả hai bên thường xuyên ngăn chặn thuyền buồm đi vào vùng biển mà mỗi bên cho là của họ.

Zdravko Novogradec, một ngư dân Slovenia, cho biết chiến thắng của nước này sẽ mở rộng vùng đánh bắt cá nhỏ bé của ông nhưng ông không hy vọng vào một kết quả tích cực.

"Sẽ chẳng có gì thay đổi cả bởi vì người Croatia từ chối thỏa hiệp", ông nói.

Nguy cơ leo thang căng thẳng

Trong khi gần như không tạo ra phản ứng tại Croatia, câu chuyện lại thống trị các báo ở Slovenia trong nhiều tuần liền. Chính phủ Slovenia trông chờ một kết quả có lợi cho nước này mà cuối cùng Croatia sẽ phải chấp nhận.

Tuy nhiên, truyền thông Slovenia đã ngân lên một giai điệu bi quan.

"Không có sự tin tưởng lẫn nhau (giữa Slovenia và Croatia) và việc phân xử của tòa trọng tài không đáng tin cậy. Tình hình dường như lại một lần nữa rơi vào vô vọng", nhà báo Sasa Vidmajer viết trên tờ Delo.

tranh chap bien Croatia va Slovenia anh 4
Croatia đã tuyên bố sẽ không chấp nhận hoặc bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài về tranh chấp vịnh Piran. Ảnh: Getty.

Các nhà quan sát cũng cảnh báo rằng việc không tuân thủ phán quyết của Croatia có thể làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ với Slovenia, điểm đến quan trọng của Croatia để vào khu vực không cần thị thực Schengen.

Theo một số nhà bình luận, điều tồi tệ nhất là vụ kiện có thể dẫn Croatia đến Tòa án Công lý Quốc tế (ICC).

"Không chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài, Croatia sẽ đặt mình vào một vị trí hoàn toàn mới", tờ Novi Croatian Novi bình luận vào tuần trước.

"Slovenia sẽ tố cáo Croatia vi phạm luật quốc tế, dựng lên những rào cản (đối với Croatia) bất cứ nơi nào có thể, trong khi Croatia sẽ phải đối mặt với sức ép từ các đồng minh của Slovenia ở châu Âu và trên thế giới".

Tranh chấp chủ quyền biển đảo đe doạ an ninh nhiều nước

Năm 2016 khép lại với những diễn biến phức tạp, khó lường hơn trong tình hình khu vực và quốc tế, kinh tế thế giới bấp bênh, tốc độ tăng trưởng xuống mức thấp nhất nhiều năm qua.

Nhật muốn cùng quản lý quần đảo Kuril tranh chấp với Nga

Tranh chấp 4 hòn đảo mà Nhật gọi là Lãnh thổ phương Bắc là nút thắt trong quan hệ Nga - Nhật hơn 70 năm qua.

Đông Phong - Quyên Quyên

Theo AFP

Bạn có thể quan tâm