Trước kia, biển từng đầy ắp cá thu, mực và cá mòi. Giờ đây, cuộc sống ngày càng khó khăn, ngư dân thường than thở về những mẻ lưới trống rỗng.
“Những mẻ lưới từng đầy cá, nhưng giờ thì gần như chẳng có gì”, Mamadou So, 52 tuổi, một ngư dân ở Senegal, vừa nói vừa chỉ tay vào đám cá nhỏ xíu mà ông mới vớt được lên xuồng.
Phía bên kia bán cầu, ở miền đông Trung Quốc, Zhu Delong, 75 tuổi, cũng lắc đầu ngao ngán vì mảnh lưới của ông chỉ vét được một con tôm cỡ ngón tay và vài con cá đào tam hoàng bé tẹo.
Các tàu cá Trung Quốc ở hải cảng của tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: New York Times. |
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), khai thác quá mức đang khiến các đại dương trên toàn cầu cạn kiệt.
Từ ngư dân đánh bắt cua hoàng đế Nga ở phía tây biển Bering cho đến những con tàu Mexico khai thác cá hồng ngoài khơi Florida, các hoạt động đánh bắt không bền vững đang đe doạ cuộc sống của hàng triệu người phụ thuộc vào biển để có thu nhập và thực phẩm ở các nước đang phát triển.
Khủng hoảng nghề cá ở Tây Phi
Với dân số khổng lồ và sự thịnh vượng ngày càng tăng, Trung Quốc đang có ảnh hưởng vô cùng lớn đến các đại dương trên thế giới. Họ có khả năng mua hải sản và đội tàu đánh cá biển không đâu bì kịp.
Khi vùng biển ở quê nhà cạn kiệt, ngư dân Trung Quốc đi thuyền xa hơn để khai thác vùng biển của các nước khác. Những chuyến đi biển của họ thường được chính phủ trợ cấp.
Các đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc đang hướng tới vùng biển Tây Phi, nơi hiện cung cấp phần lớn lượng hải sản cho nước này. Đội tàu đánh bắt xa bờ của họ đã tăng lên gần 2.600 chiếc (Mỹ có chưa đầy 1/10 con số này).
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers in Marine Science, hầu hết tàu Trung Quốc có kích thước rất lớn nên lượng cá đánh bắt được trong 1 tuần bằng những chiếc tàu ở Senegal đánh bắt trong 1 năm, gây thiệt hại 2 tỷ USD/năm cho các nền kinh tế Tây Phi.
Nhiều chủ tàu Trung Quốc dựa vào tiền của chính phủ để đóng tàu và chi tiêu cho những chuyến đi kéo dài hàng tháng đến Senegal.
Senegal nằm ở phía tây bắc châu Phi, giáp Đại Tây Dương. Đồ họa: Encyclopaedia Britannica. |
Theo Zhang Hongzhou, nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore, trợ cấp của chính phủ Trung Quốc cho ngành đánh bắt đã đạt gần 22 tỷ USD từ năm 2011 đến năm 2015, gấp gần 3 lần số tiền chi tiêu trong 4 năm trước đó.
Ông cho rằng con số này chưa bao gồm hàng chục triệu tiền trợ cấp và miễn thuế mà các thành phố ven biển Trung Quốc hỗ trợ cho các công ty đánh cá địa phương.
Ở Senegal, một quốc gia nghèo với dân số 14 triệu người, số lượng cá giống đang sụt giảm mạnh. Những ngư dân địa phương dùng xuồng gỗ phải cạnh tranh với các “siêu thuyền” với tấm lưới dài hàng km có thể quét sạch mọi sinh vật.
Lợi tức giảm dần của biển có nghĩa thu nhập của ngư dân sụt giảm và người dân Senegal phải mua thực phẩm với giá cao hơn.
"Chúng tôi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Nếu mọi thứ tiếp diễn như thế này, mọi người sẽ phải ăn sứa để sống", Alassane Samba, cựu giám đốc viện hải dương học của Senegal, cho biết.
Đụng độ với ông hoàng biển cả
Khi nói đến các hoạt động khai thác hải sản toàn cầu, Trung Quốc là ông hoàng của biển cả. Đây là nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Dân số nước này tiêu thụ hơn 1/3 lượng cá trên toàn cầu. Con số này tăng 6% mỗi năm.
Ngành đánh bắt cá của nước này sử dụng hơn 14 triệu lao động với 30 triệu người khác dựa vào nguồn hải sản để kiếm sống.
Ông Zhang của Đại học Nanyang nói: "Sự thật là các ngư trường truyền thống trong vùng biển Trung Quốc chỉ còn tồn tại dưới tên gọi. Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, việc đảm bảo nguồn cung thủy sản không chỉ tốt cho kinh tế mà còn ổn định xã hội và mang lại lợi ích chính trị".
Tuy nhiên, khi hướng tới vùng biển của các nước khác, ngư dân Trung Quốc đã vướng vào vô số tranh chấp hàng hải.
Tháng 3 năm ngoái, chính quyền Argentina đã đánh chìm một tàu Trung Quốc tìm cách chống đối một tàu tuần duyên. Các cuộc đụng độ bạo lực giữa ngư dân Trung Quốc và các nhà chức trách Hàn Quốc đã khiến hàng chục người thiệt mạng.
Ngư dân Senegal đánh bắt cá ở vùng biển quê nhà. Ảnh: New York Times. |
Đối với Bắc Kinh, đội tàu đánh cá giúp khẳng định tham vọng lãnh thổ của họ ở Biển Đông. Tại tỉnh Hải Nam, chính quyền khuyến khích các chủ tàu đánh bắt ở khu vực quanh Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đội tàu này nhận được nhiên liệu, đá và thiết bị dẫn đường, đồng thời được các tàu khu trục nhỏ của hải quân Trung Quốc yểm trợ để tranh chấp với ngư dân các nước khác.
Đối với Senegal, với bờ biển dài gần 500 km, đại dương là huyết mạch kinh tế và là một phần của bản sắc dân tộc.
Hạn hán liên tục do biến đổi khí hậu đã khiến hàng triệu người Senegal di cư từ nông thôn ra biển, làm tăng sự phụ thuộc của nước này vào đại dương trong bối cảnh nguồn cung hải sản suy giảm.
Với 2/3 dân số dưới 18 tuổi, tình trạng căng thẳng trên đã góp phần thúc đẩy thanh niên Senegal tìm đến châu Âu.
“Người nước ngoài phàn nàn về người di cư châu Phi đến nước họ, nhưng những người đến vùng biển của chúng tôi, ăn cắp tất cả cá của chúng tôi thì chẳng gặp vấn đề gì”, Moustapha Balde nói. Chàng thanh niên 22 tuổi này có em trai chết đuối khi tàu của anh bị chìm trên biển Địa Trung Hải.
Theo số liệu của chính phủ, hơn 100 tàu thuyền lớn đang hoạt động ở vùng biển Senegal đến từ châu Á, châu Âu và bản địa. Con số này không bao gồm các tàu treo cờ Senegal nhưng do Trung Quốc sở hữu.
Các tàu cá bất hợp pháp thường hoạt động vào ban đêm ở rìa vùng đặc quyền kinh tế của Senegal mà các tàu thủy cỡ nhỏ của nước này không thể với tới.
Chuyên gia thủy sản Dyhia Belhabib ước tính các tàu Trung Quốc đánh cắp khoảng 40.000 tấn cá mỗi năm từ vùng biển Senegal, trị giá khoảng 28 triệu USD. Con số này không bao gồm các tàu đánh cá bất hợp pháp không bao giờ bị bắt, chiếm gần 2/3 số tàu của Trung Quốc.
Khó nói không với Trung Quốc
Bảo vệ biển đôi khi chỉ có nghĩa là nói không với Trung Quốc, nhà tài trợ lớn cho cơ sở hạ tầng ở châu Phi.
"Thật khó để nói không với Trung Quốc khi họ đang làm đường cho chúng tôi”, Tiến sĩ Samba, cựu giám đốc viện hải dương học của Senegal, cho biết.
"Đôi khi người Trung Quốc phải trả tiền hối lộ để được tiếp cận nguồn hải sản. Số tiền đó không đóng góp cho kinh tế, vì vậy người dân phải đối mặt với cùng lúc nhiều vấn đề", Rashid Sumaila, giám đốc bộ phận Nghiên cứu Kinh tế Nghề cá thuộc Đại học British Columbia, Canada, nhận định.
Người bán cá và vợ của các ngư dân đợi tàu cá trở về ở thị trân Joal, Senegal. Ảnh: New York Times. |
Bắc Kinh trở nên nhạy cảm với những cáo buộc rằng đội tàu cá khổng lồ của họ đang góp phần đẩy nghề cá đến bờ vực sụp đổ.
Theo một quan chức thủy sản, chính phủ Trung Quốc đang cắt giảm trợ cấp cho hoạt động đánh bắt. Ngoài ra, tất cả tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc phải đăng ký với chính phủ để phục vụ việc theo dõi.
Tuy nhiên, ông Liu Xinzhong, Phó cục trưởng Cục thủy sản tại Bắc Kinh, cũng nói thêm rằng những lời chỉ trích về hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc đôi khi đã bị phóng đại. “Người ta đến hỏi tôi ‘Nếu Trung Quốc không đánh cá thì người Mỹ lấy cá đâu để ăn”, ông nói với phóng viên New York Times.
Ở làng chài Joal, hoạt động đánh bắt bị thu hẹp của các tàu cá đã khiến 3 nhà máy sản xuất đá của thị trấn phải đóng cửa. Trên bến cảng, từng nhóm phụ nữ đổ xô đến các con tàu đánh cá vừa trở về, tranh giành nhau số hải sản thu được.
Ở trung tâm sơ chế cá ngoài trời của Joal, người ta có thể nhận ra việc thiếu hụt hải sản trầm trọng đến thế nào khi thấy những cái kệ trống không hoặc chỉ lác đác vài con cá mòi đuôi vàng.
Daba Mbaye, 49 tuổi, một trong số ít người làm việc tại đây, lo ngại về việc làm ăn của cơ sở. “Họ chẳng để lại gì cho chúng tôi, còn chúng tôi thì đành bất lực không ngăn được họ”, ông nói.
Mbaye cho biết giờ ngư dân buộc phải bắt các con cá chưa trưởng thành. Ông lo sợ rằng cứ đà này, biển sẽ chẳng còn lại gì.