Đây là lần đầu tiên vaccine của Novavax được xuất khẩu qua COVAX, chính phủ Ấn Độ cho biết.
Cho đến nay, Ấn Độ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều chưa phê duyệt vaccine của Novavax. Giữa tháng 11 vừa qua, Giám đốc phụ trách pháp lý của Viện Huyết thanh Ấn Độ Prakash Kumar Singh cảnh báo 10 triệu liều vaccine Novavax do đơn vị này sản xuất sẽ hết hạn vào cuối năm 2021, nếu không được phép xuất khẩu.
Lô vaccine Novavax đầu tiên xuất khẩu theo cơ chế COVAX đã được Ấn Độ chuyển giao cho Indonesia. Ảnh: New York Times. |
Trong khi đó, Indonesia là quốc gia đầu tiên phê duyệt khẩn cấp vaccine của Novavax hôm 1/11. Ông Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Indonesia, gọi quyết định trên là “một bước đi quan trọng” trong chương trình tiêm chủng của đất nước Đông Nam Á này.
“Loại vaccine trên dễ dàng được vận chuyển, lưu trữ và phân phối hơn ở Indonesia, quốc gia bao gồm nhiều hòn đảo”, ông Budiman nói với AP.
Vaccine của Novavax sử dụng công nghệ khác với các loại vaccine đang có trên thị trường hiện nay. Loại vaccine này không cần được lưu trữ trong kho lạnh sâu, khiến việc phân phối trở nên dễ dàng hơn, nhất là tại các quốc gia đang phát triển.
Tháng 6 vừa qua, Novavax công bố vaccine của hãng dược phẩm này có hiệu quả hơn 90% đối với các biến thể chủ yếu của Covid-19. Tỷ lệ này được đánh giá dựa trên kết quả thử nghiệm với 30.000 người ở Mỹ và Mexico.
Dù chưa được phê duyệt rộng rãi, Novavax dự kiến đạt công suất khoảng 150 triệu liều mỗi tháng vào cuối năm nay qua các hợp đồng với Viện Huyết thanh Ấn Độ, công ty SK Bioscience của Hàn Quốc, Takeda của Nhật Bản và một số đối tác khác.