Sau thời gian đầu không đánh giá đúng mức mối đe doạ của dịch Covid-19, chính quyền Tổng thống Trump được cho là đã thất bại trong việc chống lại virus corona, khiến cho nước Mỹ giờ đây là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, với số ca nhiễm và tử vong nhiều hơn tất cả các nước còn lại.
Nhưng sự thất bại này còn kéo theo một hậu quả nhãn tiền khác: hình ảnh bấy lâu nay của nước Mỹ như một quốc gia lãnh đạo thế giới, một đối tác đáng tin cậy, giờ đây cũng lung lay nghiêm trọng.
Các nhân viên y tế ở New York đưa một bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ nhà tới bệnh viện. Mỹ đã trở thành nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch bệnh, với nhiều ca tử vong và nhiễm virus hơn bất cứ quốc gia nào khác. Ảnh: New York Times. |
Thất bại song song
"Phản ứng tự cho mình là trung tâm và vô cảm của chính quyền Mỹ với dịch Covid-19 cuối cùng sẽ khiến những người dân Mỹ mất đi hàng nghìn tỷ USD, và hàng nghìn những cái chết có thể phòng tránh được", ông Stephen Walt, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard, nhận định.
"Nhưng đó không phải là thiệt hại duy nhất mà nước Mỹ phải gánh chịu. Rất khác với 'Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại', thất bại lịch sử về mặt chính sách này sẽ làm lu mờ danh tiếng của Mỹ như một quốc gia biết cách làm việc hiệu quả", ông Walt nói thêm.
Giáo sư Walt cũng cảnh báo rằng sự thay đổi có hại này có thể sẽ còn kéo dài. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2016, ông Trump đã khiến nhiều đồng minh lâu năm đặt dấu hỏi về Mỹ, ảnh hưởng tiêu cực đến các liên minh đa phương và chọn đối đầu thay vì hợp tác. Các lệnh trừng phạt, cấm vận và quay lưng với lần lượt Trung Quốc, Iran và châu Âu đã gây chia rẽ trên toàn cầu.
Trong khi đó, những nhà lãnh đạo nước ngoài như Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lắng nghe các đối tác một cách lịch sự và tiếp tục thể hiện mối quan tâm tới lợi ích của việc giữ gìn mối quan hệ rộng lớn hơn.
Nhưng xa hơn nữa, sự thất bại của ông Trump trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 khiến cả những người Mỹ và các đối tác cảm thấy thất vọng.
Những quyết định thất thường và bốc đồng của ông Trump, vốn vẫn được chịu đựng trước đây, giờ trở nên hết sức nguy hiểm trong thời kỳ dịch bệnh. Bấy lâu nay ở phía bên kia Đại Tây Dương, nhiều người ở châu Âu đã cho rằng không thể đặt sự niềm tin vào tổng thống Mỹ, nhưng giờ đây thì ông Trump được coi là một mối đe doạ.
Không chỉ là sự thất bại trong lãnh đạo, Washington đã có những hành động liều lĩnh và thù địch một cách công khai.
Nhiều người Đức tỏ ra hết sức giận dữ khi 200.000 khẩu trang y tế, dự kiến được vận chuyển đến Berlin từ Thái Lan, đã biến mất và sau đó được điều hướng đến Mỹ. "Chúng tôi coi đây là một hành động cướp bóc thời hiện đại. Đây không phải là cách để đối xử với đối tác xuyên Đại Tây Dương. Ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu, chúng ta không nên sử dụng những chiến thuật của miền Tây hoang dã", ông Andreas Geisel, một chính trị gia hàng đầu ở Berlin nhận định.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhìn Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hồi tháng 3/2017. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, các quan chức châu Âu cũng không hài lòng khi có tin Tổng thống Trump đề nghị mua độc quyền vắc-xin phòng Covid-19 do một công ty Đức phát triển với giá 1 tỷ USD, động thái làm gia tăng căng thẳng sau khi ông Trump ban hành lệnh cấm đi lại giữa Mỹ và châu Âu mà không tham khảo ý kiến của các nhà khoa học cũng như phía EU.
Câu hỏi cho khả năng lãnh đạo của Mỹ
Các nỗ lực quốc tế để ứng phó với virus corona cũng bị cản trở tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do sự phản đối của Mỹ với các vấn đề thuật ngữ.
Washington đã bỏ qua những kêu gọi nhằm tạo ra một lực lượng đặc biệt hoặc liên minh toàn cầu chống Covid-19. Ông Trump trong khi đó dường như không quan tâm đến thảm hoạ đang giáng xuống hàng chục triệu người ở các quốc gia đang phát triển.
"Cuộc chiến của ông Trump chống lại sự đa phương đã khiến cho ngay cả những thể chế như G7 cũng không còn làm việc hiệu quả. Có vẻ như virus corona đang phá huỷ những dấu tích cuối cùng của trật tự thế giới", tờ Der Spiegel nhận định.
Các cuộc họp báo hàng ngày về Covid-19 ở Washington cũng tiếp tục làm suy yếu sự tôn trọng đối với khả năng lãnh đạo thế giới của Mỹ. Tổng thống Trump xuất hiện, tuyên truyền những thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm, đặt cược vào linh cảm của mình, tranh cãi với các phóng viên và mâu thuẫn với các chuyên gia y tế và nhà khoa học.
Mặc dù công khai từ chối sự giúp đỡ của nước ngoài, ông Trump đã liên hệ riêng với các đồng minh châu Âu và châu Á - trong đó có Hàn Quốc - để tìm kiếm viện trợ vật tư y tế chống Covid-19. Ông cũng tiếp tục đổ lỗi cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Trump đã hành động thiếu hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Ảnh: AP. |
Đối với một thế giới đang theo dõi những gì diễn ra ở Mỹ, việc không có một hệ thống chăm sóc sức khoẻ công bằng, giá cả phải chăng, việc các bang của Mỹ phải tranh giành nguồn cung thiết bị y tế, và việc không có một sự phối hợp tập trung - làm người ta liên tưởng đến điều xảy ra ở một quốc gia đang phát triển, chứ không phải là quốc gia hùng mạnh nhất, có ảnh hưởng nhất trên trái đất.
Đó là danh hiệu đang tuột dần khỏi tay nước Mỹ - một sự tụt dốc có thể sẽ không thể đảo ngược. Cuộc khủng hoảng vì đại dịch trong nước, và nhận thức toàn cầu về sự ích kỷ và kém cỏi của người Mỹ, có thể sẽ thay đổi mọi thứ. Theo ông Walt, ông Trump đã làm tổng thống "trong một thời kỳ mà danh tính Mỹ đã bị ảnh hưởng một cách vô song".