Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper gọi điện cho người đồng cấp Hàn Quốc trong tuần này, ông đã chịu áp lực về việc nhanh chóng ký một thỏa thuận chia sẻ chi phí, mà Tổng thống Donald Trump kỳ vọng sẽ chuyển thành những đóng góp nhiều hơn từ Seoul.
Nhưng các quan chức đang làm việc và đã nghỉ hưu của Mỹ nói rằng dường như có rất ít hy vọng đạt được thỏa thuận mới trong những ngày tới, cũng như những tuần và tháng tới, Reuters cho biết.
Hai trong số các quan chức nói rằng Tổng thống Trump dường như đã từ chối cơ hội tốt nhất, khi Hàn Quốc đề nghị tăng 13% so với mức đóng góp hiện tại. Lời đề nghị từ phía Seoul và quyết định từ chối của Tổng thống Trump, cùng với những chi tiết chưa được báo cáo trước đó, khiến Mỹ và Hàn Quốc rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm suy yếu khả năng sẵn sàng của liên quân trước cuộc xung đột tiềm tàng với Triều Tiên.
Một số chuyên gia về quan hệ Mỹ - Hàn, cho biết có nguy cơ lớn hơn đang gây tổn hại liên minh được sinh ra từ Chiến tranh Triều Tiên vẫn còn phổ biến ở Hàn Quốc. Khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ được triển khai tới Hàn Quốc, nơi được xem là sự răn đe đối với Bình Nhưỡng, cũng như thông điệp gửi tới Trung Quốc về khả năng của Mỹ ở châu Á.
Hàn Quốc giàu có và nên trả nhiều tiền hơn
Quan điểm của Tổng thống Trump cho rằng Hàn Quốc giàu có, với nền kinh tế lớn hơn Australia, đang lợi dụng Mỹ. Trong khi đó, Seoul nhận thức những yêu cầu của Washington là vô lý.
Tổng thống Trump vẫn bảo lưu quan điểm Hàn Quốc giàu có và nên đóng góp nhiều hơn. Ảnh: Reuters. |
Việc Tổng thống Trump từ chối lời đề nghị của Hàn Quốc diễn ra vào tuần trước, sau khi tham khảo ý kiến của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Đề nghị của Seoul diễn ra sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, cho thấy Hàn Quốc cuối cùng đã đề xuất trả nhiều tiền hơn.
Nhưng mức tăng của Hàn Quốc thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của Tổng thống Trump, người ban đầu tìm mức tăng gấp 5 lần, từ 900 triệu USD lên 5 tỷ USD.
“Đó không phải là khoản tiền nhỏ, ngay cả khi chúng tôi đưa ra mức tăng 13%”, một quan chức Hàn Quốc tham gia đàm phán cho biết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Esper và Ngoại trưởng Pompeo lập luận rằng Hàn Quốc đã trả không tới một phần ba chi phí liên quan trực tiếp đến việc đồn trú của binh sĩ Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, chưa kể các tài sản tình báo và quân sự khác của Mỹ liên quan đến quốc phòng của Hàn Quốc.
Một quan chức Mỹ nói rằng chúng tôi thất vọng vì không thể đạt được điều gì đó mà hai bên cùng chấp nhận được.
Trong một diễn biến khác mà Reuters nắm được, năm ngoái, Hàn Quốc thậm chí còn đề xuất giảm đóng góp của họ. Đề xuất diễn ra vào ngày 19/11/2019 đã khiến phái đoàn Mỹ tại Hàn Quốc nổi giận và cắt ngắn cuộc hội đàm.
Những bế tắc tiếp tục đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có thể làm gì nếu Hàn Quốc không đưa ra con số có thể chấp nhận với Tổng thống Trump, người đã không giấu giếm sự bất mãn của mình về chi phí triển khai quân đội ở nước ngoài.
Lầu Năm Góc từ chối bình luận về các cuộc đàm phán và đẩy vấn đề sang Bộ Ngoại giao, nơi đang dẫn đầu các cuộc đàm phán. Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng cũng từ chối bình luận về vấn đề. Một số quan chức của chính quyền Tổng thống Trump nói rằng các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.
“Tổng thống rõ ràng đã kỳ vọng rằng các đồng minh của chúng ta trên khắp thế giới, bao gồm Hàn Quốc có thể và nên đóng góp nhiều hơn”, một quan chức quốc phòng nói trong điều kiện giấu tên.
Áp lực từ đại dịch Covid-19
Giai đoạn đàm phán cuối cùng diễn ra vào giữa tháng 3 đã được tiến hành, ngay cả khi Mỹ áp đặt hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Cuộc đàm phán trực tiếp giữa quan chức Mỹ và Hàn Quốc vẫn diễn ra ở thành phố Los Angeles.
Quân đội Mỹ - Hàn trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: AFP. |
Hàn Quốc cuối cùng đã đưa ra con số của mình, nhưng không đủ gây ấn tượng với phía Mỹ, theo một số quan chức tham gia đàm phán. Tuy nhiên, vẫn có một số hy vọng rằng, với sự tập trung khẩn cấp của Mỹ và Hàn Quốc vào việc đối phó với đại dịch Covid-19, thỏa thuận có thể đủ tốt.
Hàn Quốc được xem là hình mẫu trong việc đối phó với Covid-19, cho biết họ sẽ cung cấp bộ kit xét nghiệm có sẵn cho Mỹ và giúp xét nghiệm quân đội Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc.
Eliot Engel, nghị sĩ đảng Dân chủ, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, từng viết trên Twitter rằng Tổng thống Trump nên làm việc với đồng minh về Covid-19 và không nên tống tiền bạn bè.
Một quan chức Mỹ thừa nhận rất khó để đạt được thỏa thuận trước cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc vào ngày 15/4 tới. Quan chức này lo ngại đàm phán có thể kéo dài đến mùa hè và đến gần hơn cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, có thể khiến Tổng thống Trump không thể chấp nhận được việc hạ thấp yêu cầu của mình.
Trong khi cuộc đàm phán đang bế tắc, Mỹ đã cho 4.000 nhân viên dân sự người Hàn Quốc nghỉ việc do không đạt được thỏa thuận trước hạn chót vào ngày 1/4. Mỹ nói rằng họ cần những đóng góp của Hàn Quốc để giúp trả lương cho nhân viên dân sự địa phương.
Giới phân tích cho rằng cuộc đối đầu về chi phí giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ còn kéo dài, khi mà cả hai nước, đặc biệt là Mỹ đang tập trung vào việc chiến đấu với đại dịch Covid-19 hơn là các cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí.