Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lo ngại thủy điện tràn lan ở đầu nguồn Quảng Nam

So với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Quảng Nam dẫn đầu khu vực với 42 công trình thủy điện đã và đang xây dựng gây nhiều lo ngại cho giới chuyên gia.

Quảng Nam hiện có 42 dự án thủy điện được phê duyệt với tổng công suất lên gần 1,6 triệu MW. Riêng trên dòng chính Vu Gia - Thu Bồn có 10 công trình thủy điện được xây dựng với tổng công suất 1.200 MW. 

Thuy dien tran lan o Quang Nam anh 1
Thủy điện Sông Bung 2 xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn dòng gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: Nam Cường.

Rừng phòng hộ đầu nguồn suy giảm vì...thủy điện 

Trước việc phát triển thủy điện tràn lan ở khu vực đầu nguồn Quảng Nam, đại diện Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM) lo ngại hiện lượng phù sa các con sông bồi lắng ở Quảng Nam đã đến mức báo động. Sông Vu Gia tại trạm quan trắc Thành Mỹ (huyện Nam Giang) trung bình mỗi năm có 460.000 tấn đất, cát bồi lắng. 

Theo ICEM, với lượng cát bồi lắng quá lớn như vậy, phố cổ Hội An ở vùng hạ lưu sẽ là nơi hứng chịu nhiều trận lũ lớn. Đó là chưa kể khi thủy điện sông Bung 4 đi vào tích nước (490 triệu m3) thì lưu lượng nước ở sông Bung cạn kiệt, vùng hạ lưu khô hạn, xâm nhập mặn vào mùa khô.

Căn cứ sơ đồ quy hoạch, nếu như năm 2009 tổng công suất thủy điện trong nước là 9.200 MW thì đến năm 2020 dự báo tăng lên 17.400 MW, chiếm hơn 23% trên tổng các nguồn điện năng quốc gia. Kết quả nghiên cứu của Tổ chức con người và thiên nhiên cho thấy: Trung bình 1 MW công trình thủy điện mất đến 16 ha rừng.

Riêng ở lưu vực thủy điện Sông Tranh 3 (huyện Tiên Phước) và thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My), do bất cập trong quá trình tái định cư, đồng bào nơi đây đã xâm hại, tàn phá hơn 100 ha rừng phòng hộ đầu nguồn lấy đất làm nương rẫy khi dời đến nơi ở mới. 

Thuy dien tran lan o Quang Nam anh 2
Thủy điện xây dựng tràn lan khiến rừng phòng hộ đầu nguồn Quảng Nam bị tàn phá nghiêm trọng. Ảnh: Minh Hoàng.

Nguy cơ gây ảnh hưởng sinh kế người dân

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, lo lắng các công trình thủy điện đang tác động tiêu cực lớn đến môi trường, sinh thái của các lưu vực sông, đến sinh kế của người dân, an toàn cộng đồng, an ninh nước và an ninh lương thực.

Ông Tứ đề xuất Chính phủ cần xem xét lại một cách thận trọng, hạn chế phát triển tràn lan, giảm thiểu tác động tiêu cực cho môi trường, sinh thái các dòng sông, văn hóa cộng đồng ven sông, sinh kế của người dân thế hệ.

Khi thiết kế và thi công thủy điện cần xét đến yếu tố biến đổi khí hậu khi xác định cấp công trình, tính toán kỹ thuật công trình, duy trì và phục hồi rừng đầu nguồn.

Cần có kịch bản liên quan đến sự cố vỡ đập và các phương án phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại cho cộng đồng trong phạm vi ảnh hưởng của đập. Thông tin về phát triển thủy điện, an toàn đập và các vấn đề liên quan cần minh bạch và công khai rộng rãi đến các cơ quan chức năng cùng người dân.

Thuy dien tran lan o Quang Nam anh 3
Động đất kích thích từng gây sạt lở nghiêm trọng sát đập chính thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam). Ảnh: Minh Hoàng.

Lập kịch bản phòng ngừa thảm họa cho thủy điện

GS.TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, cho rằng phát triển thủy điện là chủ trương đúng. Tuy nhiên việc quản lý quy hoạch, xây dựng, vận hành thủy điện còn lỏng lẻo.

Do vậy, cơ quan chức năng không thể khoán trắng sinh mạng của hàng chục nghìn người dân cùng với những tài sản, kết cấu hạ tầng quốc gia ở hạ du của đập cho các doanh nghiệp thủy điện. 

Trong khi đó, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, băn khoăn cả nước đã triển khai xây hơn 1.000 thủy điện lớn nhỏ, nhưng hiện nay quy chuẩn quốc gia về thủy điện mới chỉ dừng lại giai đoạn soạn thảo.

Tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng về đất, đá, bê tông... chưa có cho công nghệ đập bê tông đầm lăn; tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về chỉ số an toàn hồ chứa cũng chưa được ban hành.

GS.TS Hồng đề xuất các Bộ, ngành cùng chủ đầu tư cần nghiêm túc đánh giá lại sự ổn định của đập; có quy trình tích nước, xả lũ công trình, đạt mục tiêu tổng hợp sử dụng nước (đảm bảo nước sinh hoạt cho dân, tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, phát điện, giao thông....).

Chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng kịch bản ứng phó, phòng ngừa thảm họa trong tình huống xấu xảy ra.

"Nếu không đánh giá, thi công thủy điện thiếu nghiêm túc thì tuổi thọ công trình bị rút ngắn hay xảy ra sự cố như vụ vỡ ống dẫn dòng tại công trình thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam) vừa qua thì dễ gây thảm họa khó lường", GS Hồng nói.

'Sự cố Sông Bung 2 nghiêm trọng chẳng khác gì vỡ đập'

Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nhận định chủ đầu tư công trình thủy điện Sông Bung 2 chưa hoàn thành các hạng mục mà đã tích nước lòng hồ sai nguyên tắc gây ra sự cố nghiêm trọng.



Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm