Trao đổi với Zing.vn sáng 14/9, giáo sư, tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cho hay sự cố vỡ cống dẫn dòng ở thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam) chủ đầu tư không thể đổ lỗi hết do thiên tai.
"Sự cố vỡ đường ống dẫn ở thủy điện Sông Bung 2 trước hết do đơn vị thiết kế và thi công công trình", ông Hồng nhận định.
Sự cố vỡ ống dẫn thủy điện Sông Bung 2 gây ra trận "đại hồng thủy" gây ngập nhiều nhà dân vùng hạ lưu. |
Bất cẩn trong thi công và mưa lớn là nguyên nhân
Ông Hồng khẳng định về nguyên tắc, sau khi hoàn thành các hạng mục công trình theo đúng thiết kế, Hội đồng nghiệm thu đánh giá, thẩm định đảm bảo an toàn thì nhà máy thủy điện mới được phép tích nước lòng hồ.
Đơn vị thi công còn chưa hoàn tất bịt miệng cống dẫn dòng mà Công ty phát điện 2 đã tích nước lòng hồ đến hàng chục triệu khối nước là sai nguyên tắc nghiêm trọng. Đó là chưa kể công trình sau khi đổ bê tông phải đạt cường độ tối thiểu từ 100 đến 150 kg/cm2 (mất khoảng 30 - 40 ngày) mới đạt độ cứng ổn định.
GS -TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nói về sự cố ở thủy điện Sông Bung 2. |
Chuyên gia này phân tích công trình thủy điện nào cũng có phương án phòng ngừa rủi ro, trước khi tích nước lòng hồ, chủ đầu tư phải phối hợp với cơ quan chức năng thông báo rộng rãi cho người dân biết để chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra. Đằng này, chủ đầu tư công trình thủy điện Sông Bung 2 đổ lỗi hết do thiên tai là khó chấp nhận.
Còn tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nhấn mạnh vỡ đường ống dẫn ở thủy điện Sông Bung 2 là sự cố nghiêm trọng (chẳng khác nào với sự cố vỡ đập thủy điện) gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho người dân vùng hạ du.
"Bất cẩn trong thi công và mưa lớn tràn về là hai yếu tố gây ra sự cố vỡ đường ống dẫn dòng ở thủy điện Sông Bung 2", ông Tứ nói.
Thủy điện Sông Bung 2 bị bục nước đường ống dẫn dòng. Ảnh: VOV. |
Ít nhất 23 người mất tích
Trong khi đó, ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc công ty phát điện 2 (Tập đoàn điện lực Việt Nam - EVN), chủ đầu tư của dự án, cho biết sự cố bục nước đường ống dẫn dòng của thủy điện Sông Bung 2 xảy ra lúc 16h25 ngày 13/9.
Thời điểm đó, lượng nước mưa về hồ chứa đạt 560 m3/ giây và lượng nước trong hồ khoảng 28 triệu m3 nước. Lượng nước này chưa đến 1/3 dung tích của hồ chứa (khoảng 94 triệu m3 nước).
Sau khi xây đập ngăn chính gần hoàn tất đơn vị thi công sẽ tiến hành đổ bê tông bịt kín hầm dẫn dòng để tích nước. Hầm dẫn dòng của thủy điện Sông Bung 2 dài gần 400 m, rộng 12 m, cao 14 m.
Theo đơn vị thi công, để ngăn hầm này đơn vị đã đặt ở cửa van hai tấm thép lớn, mỗi tấm nặng gần 125 tấn. Sự cố xảy ra làm thiệt hại một số thiết bị thi công.
Chính quyền địa phương xã La Ê (huyện Nam Giang) cho biết có ba ngôi nhà bị lũ cuốn trôi cùng hàng chục ngôi nhà khác của người dân vùng hạ du bị ngập. Sự cố ở thủy điện Sông Bung 2 làm ít nhất 23 người mất tích hiện vẫn chưa liên lạc được.
Thủy điện sông Bung 2 có quy mô công suất 100MW, lớn thứ tư tại tỉnh Quảng Nam. Nguồn: Google Maps. |
Công trình thủy điện Sông Bung 2 có quy mô công suất 100MW (lớn thứ tư Quảng Nam, sau Thủy điện A Vương, Sông Tranh và Sông Bung 4) được triển khai xây dựng trên địa bàn các xã La Eê, Zuôi, Chơ Chuôn (huyện Nam Giang) và Tr’Hy (huyện Tây Giang) tỉnh Quảng Nam.
Dự án thủy điện Sông Bung 2 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và được khởi công xây dựng vào cuối năm 2012 với tổng vốn đầu tư ban đầu trên 3.600 tỷ đồng, công suất lắp máy 100 MW, thời gian hoàn thành dự án vào năm 2016.
Công trình này gần đây từng gây xôn xao dư luận khi được điều chỉnh số vốn tăng thêm hơn 1.600 tỷ đồng (tăng khoảng 40% so với ban đầu) với hơn 5.200 tỷ đồng.