Chiều nay (23/12), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau về việc ứng phó với bão số 10.
Bão số 10 hình thành trên Biển Đông. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia. |
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều ngày 23/12 áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 10 năm 2024).
Hồi 16h ngày 23/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 112,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km/h), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 5-10 km/h.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi.
Các đơn vị tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; căn cứ tình hình cụ thể, quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: Từ vĩ tuyến 9,5-13,5 độ vĩ Bắc, từ kinh tuyến 110,0 đến 114,5 độ Kinh Đông; trong 48 giờ tới: Từ vĩ tuyến 9,0-12,5 độ Vĩ Bắc, từ kinh tuyến 109,0-112,5 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương ứng phó diễn biến của bão. Trực ban nghiêm túc (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 10, vùng biển phía Tây Bắc khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) và vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 4,0-6,0m; biển động mạnh. Vùng biển từ Phú Yên đến Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3,0-6,0m; biển động mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Bão và không khí lạnh gây mưa lớn từ đêm nay cho Trung và Nam Trung Bộ. Dự báo khu vực Đà Nẵng - Khánh Hòa mưa 40-100 mm, cục bộ có nơi trên 200 mm trong hôm nay và ngày mai. Phía đông Tây Nguyên ngày mai mưa 30-60 mm, cục bộ có nơi trên 100 mm.
Ngày 25/12, Trung và Nam Trung Bộ, phía đông Tây Nguyên mưa 40-80 mm, cục bộ có nơi trên 150 mm.
Từ đêm nay đến ngày 26/12, trên các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện đợt lũ, đỉnh lũ các sông ở báo động 1-2, có nơi trên báo động 2 (cao nhất là báo động 3).
Hơn 600 trang Việt Nam - Lãnh thổ và các vùng địa lý đã bao quát toàn bộ cảnh quan và đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam trên nhiều góc nhìn như tự nhiên, khí hậu, đất đai, sông ngòi, dân cư, đặc trưng kinh tế. Đây được xem là tác phẩm kinh điển về địa lý Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo.