Trong buổi tọa đàm về tiến độ các công trình đường sắt đô thị ngày 31/3, thượng tá Nguyễn Văn Tòng – Phó Phòng CSGT Hà Nội, tỏ ra lo lắng về công tác đảm an toàn giao thông trên tuyến đường thi công các tuyến đường sắt đô thị.
Ông chỉ ra hàng loạt các điểm thi công chưa đảm bảo đủ rào chắn, biển cảnh báo, cảnh giới và người hỗ trợ hướng dẫn phương tiện. Trong khi tiến độ thi công chậm, không đảm bảo an toàn giao thông.
Thực tế, trong quá trình thi công tuyến Cát Linh-Hà Đông đã xảy ra 6 vụ tai nạn, trên tuyến Nhổn - ga Hà Nội xảy ra 3 vụ, trong đó nhiều vụ nghiêm trọng, gây chết người.
Trong quá trình phối hợp với đoàn liên ngành Sở Xây dựng, Sở GTVT kiểm tra, giám sát, thượng tá Tòng nhận thấy công trường thi công các dự án đường sắt ở Thủ đô còn nhiều tồn tại. Nhiều máy hàn lớn để ngoài mưa không che chắn, người đi bên ngoài sẽ bị điện giật. Hàng rào bên trong vô cùng cẩu thả, dây điện buộc loằng ngoằng, các mối hạn chắp vá.
Cũng theo ông Tòng, các khối sắt để ráp hàng rào, dễ lật xuống, gây nguy hiểm cho người đi bên ngoài... Đặc biệt là các điểm thi công thuộc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Thượng tá Nguyễn Văn Tòng tỏ ra lo lắng về an toàn lao động, an toàn giao thông trên các tuyến đường thi công hai dự án đường sắt đô thị Hà Nội. Ảnh: Minh Quân. |
Vị Phó Phòng CSGT cũng cho biết, việc thi công hai trục đường sắt trên cao khiến việc đảm bảo an toàn giao thông gặp nhiều khó khăn. Mặt đường nơi thi công buộc phải rào chắn, phần đường còn lại rất hẹp.
“Có điểm chỉ còn 5 m, chỉ vừa đủ một chiếc xe buýt như tuyến Xuân Thủy – Cầu Giấy. Tại đây, đã từng có trường hợp xe buýt va chạm với xe máy gây chết người trên đường Cầu Giấy”, thượng tá Tòng nói. Ngoài ra nhiều điểm công trường công nhân hàn xì để rơi tàn lửa xuống đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Phó Phòng CSGT kiến nghị, các đơn vị nhà thầu cần đẩy nhanh tiến độ thi công, linh hoạt trong vấn đề dựng rào chắn ban ngày và ban đêm. Đồng thời tính toán các biện pháp phối hợp với lực lượng cảnh sát đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông tối ưu cho các phương tiện lưu thông tránh ùn tắc, tai nạn.
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái cũng cho biết, công trường tuyến Cát Linh – Hà Đông, đoạn qua vành đai 3 không thi công vào ban ngày nhưng vẫn quây rào gây cản trở giao thông. Nhiều nơi thiếu biển cánh báo công trường thi công…
“Rất nhiều người dân quận Thanh Xuân hỏi lãnh đạo bao giờ công trình thi công xong”, vị phó chủ tịch quận nói và kiến nghị Chủ đầu tư cần có một tiến độ thi công chặt chẽ.
Công trường thi công dự án đường sắt Hà Nội còn nhiều bất cập như thiếu biển cảnh báo, công nhân hàn xì để rơi tàn lửa xuống đường. Ảnh: Anh Tuấn. |
Còn Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng cho biết, tại các công trình xây dựng nhà ga trên địa bàn, nhiều công trường rất ít công nhân làm việc. Trong khi sắp tới mùa mưa bão, khu vực Ba La ngập úng rất nghiêm trọng.
Ông Lê Huy Hoàng - Phó Trưởng ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội thừa nhận chậm tiến độ thi công dự án đường sắt đô thị. Ông cho rằng, đây là tuyến đường sắt đầu tiên của TP Hà Nội, do đó còn nhiều vấn đề phát sinh, cần được khắc phục. Một số quy chuẩn, quy phạm chưa có nên phải đi mượn nước ngoài dẫn đến việc chậm tiến độ.
Về công tác đảm bảo an toàn, Phó trưởng ban quản lý dự án cho biết, sau sự cố tháng 5/2015, lãnh đạo ban đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, yêu cầu nhà thầu tăng thêm 2 nhà giám sát nước ngoài để đảm bảo an toàn cho công trình. Việc này được các nhà thầu đã thực hiện tốt.
Hiện giao thông trên tuyến Xuân Thủy – Cầu Giấy hạn chế ùn tắc, tuyến quốc lộ 32 các phương tiện lưu thông tốt. Giữa tháng 4, ban quản lý sẽ phối hợp với Sở GTVT thử nghiệm dùng cẩu lắp dầm U của tuyến đường sắt trên cao chuẩn bị công tác lao dầm sắp tới.