Giải Dalat Ultra Trail thuộc tổ chức của Asiatrail Master. Tổ chức này đặt trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc) và tổ chức những giải chạy Ultratrail tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Mông Cổ và Việt Nam. Đây được xem là tổ chức tương đối uy tín khi có cả hệ thống tính điểm cho những VĐV muốn thi đấu.
Tuy nhiên, tai nạn đáng quên ở Dalat Ultra Trail cho thấy giải đấu này vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Các VĐV ở cự ly 70 km xuất phát từ 4h. Ảnh: BTC. |
Không lường trước được rủi ro
Để tham dự cự ly 70 km của Dalat Ultra Trail, VĐV sẽ phải mua chỗ tham dự với giá chuẩn 2,2 triệu đồng. Chỗ tham dự còn bao gồm gói dinh dưỡng, nước điện giải, áo bib, còi cứu hộ, bản đồ điện tử nhưng không bao gồm thiết bị định vị.
Vận động viên sẽ tự mình chuẩn bị dụng cụ này. Bản đồ địa hình dưới dạng GPS sẽ được cung cấp một tuần trước khi giải bắt đầu. Trong trường hợp không chuẩn bị, khả năng theo dõi vị trí của VĐV từ người thân và ban tổ chức là không có.
Trong bối cảnh giải được tổ chức vào tháng 3, tức không phải mùa mưa ở Đà Lạt, điều kiện và công tác tổ chức được xem là khá lý tưởng, rủi ro là thấp.
Lệ phí ở các cự ly của Dalat Ultra Trail. |
Tuy nhiên, việc giải đấu bị hoãn và phải dời sang tháng 6, tức là mùa mưa tại Đà Lạt đã kéo theo sự cố. Trên các nhóm về cộng đồng chạy bộ, ngoài cảm xúc tiếc thương cho VĐV xấu số, nhiều quan điểm cũng cho rằng ban tổ chức thiếu kinh nghiệm bởi cố tổ chức vào mùa mưa khi địa điểm tổ chức có sự khác biệt lớn, nhưng vẫn giữ cách xử lý cũ.
Trong văn bản luật dự giải đăng trên website chính thức của chính DUL cũng ghi rõ: “Trong trường hợp ban tổ chức nhận thấy đường chạy không đủ an toàn (có thể vì trời mưa to, gió lớn, sạt lở, thiên tai…), ban tổ chức có thể toàn quyền cân nhắc việc thay đổi đường chạy hoặc hủy bỏ cả giải đấu.
Theo nhiều runner, sau khi trời đổ mưa tầm tã khá lâu và khiến sự cố đáng tiếc xảy ra, giải đấu mới chính thức bị hoãn. Ngoài ra, lượng người của ban tổ chức tại các điểm hỗ trợ (check-point) cũng ít hơn mọi năm và gây ra nhiều khó khăn cho các VĐV dự giải.
Trả lời Zing, runner M xác nhận việc ban tổ chức đã thông báo về việc trời có thể mưa và có thể có sạt lở, nhưng giải đấu vẫn được tổ chức. “Là người tham gia chạy cuối, mình hứng hết trận mưa và lũ. Mình rất tức giận. Vì không phải chỉ một mà từ lúc mưa, tức 40 km vô cùng nguy hiểm. Không chỉ suối, lũ xoáy, mà còn là leo dốc trơn trượt nhưng không hề có ai ra trợ giúp. Cầu thì là mấy cái cây cũ mục bên dưới nước chảy dữ dội. Ngâm chân trong nước mấy tiếng đồng hồ. Không phải đi dưới mưa đâu, mà là ngâm hoàn toàn luôn!”, bạn M chia sẻ với Zing.
"Có 3 đoạn đường có thể gây chết người. Đầu tiên là đoạn sạt lở ở km 40. Hai là đoạn suối chảy xiết. Cuối cùng là đoạn leo lên dốc LangBiang. Ban tổ chức có cho người đi dọc đường đón VĐV hay không mình không biết vì rừng chẳng hề có sóng. Chắc không vì làm gì có đường cho xe. Nếu ai đó mệt phải đứng dọc đường, chắc phải ở yên đó thôi. Không ai lên hay xuống cõng được. Đó là trò chơi sinh tử"
Ngoài Dalat Ultra Trail, còn 2 giải chạy sẽ được tổ chức ở Việt Nam trong phần còn lại của năm 2020. Đó là Hoàng Su Phì Loop Ultra Trail 2020 với 2 cự ly 17 km và 51 km. Nổi tiếng và được cộng đồng runner đón nhận nhiều nhất là Vietnam Mountain Marathon (VMM) được tổ chức từ 19-20/9 ở Sapa, Lào Cai.
Đây là giải chạy với 6 cự ly 10 km, 15 km, 21 km, 42 km, 70 km và 100 km. So với Dalat Ultra Trail, VMM đắt hơn ở chi phí dự giải với giá tiền để đăng ký cho cự ly 70 km là 181 USD, bao gồm cả thiết bị xác định GPS để người thân theo dõi, nhưng số lượng chỉ có hạn, tức nếu VĐV không chuẩn bị, khả năng không kiểm soát được vị trí là rất dễ diễn ra.
Điều kiện để đăng ký 2 cự ly ultra của VMM (70 km và 100 km) là vận động viên buộc phải hoàn thành cự ly chạy marathon cơ bản (42 km) và cung cấp bằng chứng (track log) cho ban tổ chức.
Nam VĐV tử vong ở đoạn suối chảy xiết. Ảnh: V.L. |
Dalat Ultra Trail không có điều này. Ban tổ chức giải yêu cầu người muốn tham gia tự tuyên bố mình “luyện tập đủ” cho giải chạy thông qua việc ký bản cam kết với ban tổ chức trước khi giải đấu diễn ra.
Tại Mỹ, những giải chạy ultra trail có phí cao so với Việt Nam. Vì tính theo dặm, nên Mỹ thường chạy 100 dặm, tương đương 160 km đường núi. Giải Leadville Trail 100 tại Colorado (Mỹ) là ví dụ. Chi phí dự giải chạy được tổ chức lần đầu vào năm 1983 này là 335 USD. Một số giải đấu dài hơi hơn có chi phí dự lên tới hơn 1.000 USD.
Vấn đề miễn trừ trách nhiệm cũng được làm rất gắt gao. Ban tổ chức luôn theo dõi thời tiết kỹ lưỡng để đưa ra cảnh báo phù hợp. Một số giải đấu còn chuẩn bị xe cứu hỏa, cứu thương, trực thăng, để sẵn sàng cho mọi trường hợp xấu nhất.
Những trường hợp đáng tiếc
Trên thế giới, có không ít trường hợp các VĐV tử vong giữa đường chạy ultra trail. Tháng 7/2019, một nữ VĐV người Na Uy thiệt mạng trên đường chạy ultramarathon tại Italy vì bị sét đánh. Tháng 3/2020, một VĐV tử vong vì kiệt sức sau khi đã về gần tới đích trong cuộc thi chạy ultratrail cự ly 160 km tại Mỹ.
Việc mất mát là rủi ro rất khó để tính toán được ở môn thể thao đòi hỏi cao như Ultra Marathon. Bên cạnh chuyện sinh mạng, ban tổ chức các giải chạy này cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề không tên. Ví dụ như quan hệ với lãnh đạo tỉnh thành để tổ chức, lẫn việc thích nghi với những yêu cầu của địa phương như không gây tắc nghẽn giao thông, phá hỏng cảnh quan.
Ngoài ra, không ít VĐV tới các giải đấu với tham vọng vượt ngưỡng bản thân cho dù chưa hẳn đã có sự chuẩn bị đầy đủ về mặt thể chất. Họ cũng không biết cách dừng lại khi cơ thể kiệt quệ. Chính điều này có thể khiến nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra.
Trách nhiệm thuộc về ai khi VĐV marathon qua đời trên đường chạy là câu hỏi không dễ trả lời. Theo HG.org, một trong những website về luật đầu tiên trên Internet, việc cáo buộc trách nhiệm cho ban tổ chức trong trường hợp này là có thể, bất chấp việc VĐV đã ký vào biên bản miễn trừ trách nhiệm. Tại phiên tòa, bên kiện phải nhấn mạnh được sự sơ suất của ban tổ chức đã dẫn tới cái chết của VĐV như thế nào.
Mưa lớn,thậm chí lũ là một trong rủi ro mà ban tổ chức buộc phải tính tới. Ảnh: BTC. |
Ở Việt Nam, trước khi nam VĐV tử vong tại Dalat Ultratrail hôm 20/6, vào đầu năm 2019, một VĐV chạy marathon bình thường tại TP.HCM cũng tử vong ngay khi vừa cán mốc 18 km. Lý do được đưa ra ngày đó là VĐV này hoạt động với cường độ quá cao và dẫn tới trụy tim. VĐV này trước đó không có bất kỳ bệnh lý gì về tim mạch và từng hoàn thành cự ly chạy marathon cơ bản - 42 km.
Những bác sĩ được lấy ý kiến khi ấy đều nhận định việc hoạt động quá mạnh đã kéo theo sự cố đáng tiếc. Tuy nhiên, nếu biết cách ép tim và sơ cứu cơ bản đúng, chuẩn xác, khả năng cứu sống được VĐV cao hơn rất nhiều so với việc 5-10 phút đợi xe cứu thương.
Trách nhiệm lúc này một lần nữa thuộc về ban tổ chức. Ngoài việc phải theo dõi kỹ lưỡng thời tiết để kiểm soát những biến cố, ban tổ chức cần bố trí dày đặc lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ giải đấu cùng các biện pháp y tế để sẵn sàng ứng biến.
Ngoài ra, việc khám sức khỏe và kiểm soát lộ trình chạy của VĐV thông qua thiết bị GPS cũng đặc biệt cần thiết. Đó nên là yếu tố bắt buộc thay vì được khuyến cáo như lúc này.
Ultratrail Marathon vốn là môn thể thao để thử thách giới hạn của con người. Nó không dành cho những người chơi thiếu kinh nghiệm, nhưng cũng không cần để bỏ lại tính mạng của chính mình.