Sau 60 năm, giải Việt dã toàn quốc đã được Tổng cục Thể dục Thể thao quyết định đổi tên thành giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài, đánh dấu một bước phát triển mới của giải đấu có tuổi đời lâu nhất trong làng thể thao Việt Nam.
Đây là giải đấu duy nhất các vận động viên có thể tranh danh hiệu vô địch quốc gia các cự ly bán marathon và marthon, bên cạnh các cự ly 5 km và 10 km. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng hướng tới mục tiêu đưa giải trở thành nơi tuyển chọn vận động viên marathon đại diện cho quốc gia thi đấu ở các giải khu vực và châu lục.
Sơ đồ đường chạy nội dung marathon. Ảnh: BTC. |
Khác với các giải chạy khác, giải đấu này được Liên đoàn Điền kinh Việt Nam chứng nhận và phong đẳng cấp vận động viên cấp 1, kiện tướng cho cả vận động viên phong trào đủ đẳng cấp, nếu cán đích với thời gian tiêu chuẩn tùy theo mỗi nội dung của nam và nữ.
Trong lần đầu tiên đưa một giải chạy tầm quốc gia đến với một hòn đảo, ban tổ chức nỗ lực đưa giải đấu lượt lên trên một giải thể thao thông thường, với mong muốn chung tay lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng những hành động thiết thực.
Gần 2.000 vận động viên chuyên nghiệp và phong trào dự giải sẽ chạy trên cung đường được cắm 3.000 lá cờ tổ quốc, khoác lên mình chiếc áo chạy mang màu cờ tổ quốc. Một hình ảnh được xem là "nhuộm đỏ" đảo Lý Sơn trong ngày 5/7. Kết thúc giải, 3.000 lá cờ sẽ tặng lại cho ngư dân Lý Sơn để cùng những chiếc tàu vươn khơi đánh bắt xa bờ và khẳng định chủ quyền vùng biển đảo của tổ quốc.
Các vận động viên chuyên nghiệp và phong trào sẽ thi đấu tranh giải cá nhân ở các cự ly 21,1 km, 42,195 km nam, nữ hệ chuyên nghiệp và phong trào, 10 km nam chuyên nghiệp, nam trẻ, nam, nữ phong trào, với tổng giải thưởng gần 500 triệu đồng. Ngoài tranh tài ở các cự ly cá nhân, vận động viên đội tuyển các tỉnh ngành còn thi đấu tính điểm đồng đội, toàn đoàn.