Cơ sở này được phát hiện bởi đại tá Vinayak Bhat, sĩ quan quân đội Ấn Độ về hưu, nhà phân tích hình ảnh vệ tinh chuyên về Trung Quốc, Washington Free Beacon cho biết. Cơ sở được đặt tại phía tây Tân Cương, cùng các căn cứ vũ khí công nghệ cao khác.
Trạm vũ khí laser chống vệ tinh đặt gần một hồ nước, cách khoảng 233 km về phía nam Urumqi, thủ phủ của Tân Cương. Cơ sở gồm 4 tòa nhà chính có mái che di động, theo ông Bhat đánh giá là có chứa hệ thống laser hóa học công suất lớn được cung cấp bởi neodymium (kim loại thuộc nhóm đất hiếm).
Ông Bhat cho biết thêm các nhà kho nhỏ hơn cũng có mái che di động, bên trong chứa hệ thống theo dõi mục tiêu bằng tia laser. Tất cả hệ thống được kết nối với nhau, cho phép Trung Quốc có thể bắn một đến ba tia laser vào vệ tinh đang bay mà họ muốn phá hủy.
Trung Quốc đang sử dụng các trạm theo dõi vệ tinh được đặt rải rác trên khắp đất nước như một phương tiện để xác định và nhắm mục tiêu laser. “Một khi dẫn đường vệ tinh chính xác và các dữ liệu khác được kết nối, vũ khí năng lượng định hướng ở 5 địa điểm khác nhau có thể đảm nhận nhiệm vụ tấn công”, ông Bhat nói.
Từng chiếu laser vào vệ tinh Mỹ
Trước đó, trong một báo cáo được Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) công bố vào tháng 2, Trung Quốc có thể sẽ triển khai khẩu pháo laser trên mặt đất vào năm tới. Báo cáo cho biết Trung Quốc có thể đã có khả năng ở mức hạn chế trong việc phá hỏng cảm biến trên vệ tinh bằng tia laser.
Ảnh vệ tinh cơ sở được cho là chứa vũ khí laser có thể bắn hạ vệ tinh của Trung Quốc ở Tân Cương. Ảnh: Twitter/Raj. |
“Vào năm 2020, Trung Quốc có thể sẽ chế tạo được vũ khí laser trên mặt đất để phá hoại cảm biến của vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo thấp. Nó có thể tạo ra các hệ thống năng lượng cao hơn nhằm mở rộng mối đe dọa đối với các cấu trúc không phải vệ tinh quang học”, theo báo cáo Những thách thức đối với an ninh trong không gian của DIA.
DIA cho biết thêm vũ khí năng lượng định hướng có thể được sử dụng để làm hỏng hoặc phá hủy thiết bị và phương tiện của đối thủ. Những vũ khí này có thể làm hỏng hóc tạm thời hoặc vĩnh viễn mục tiêu. Đặc biệt việc xác định nguồn gốc cuộc tấn công là rất khó khăn.
Người ta chưa thể xác định căn cứ ở Tân Cương có phải là nơi đã từng chiếu tia laser vào vệ tinh Mỹ trong tháng 8 và tháng 9/2006 hay không. Việc chiếu tia laser được thực hiện khi vệ tinh đi qua Trung Quốc.
Ian Easton, nhà phân tích về Trung Quốc tại Viện dự án 2049, nói rằng vệ tinh của Mỹ rất dễ bị tổn thương bởi vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc. Mỹ đang vận hành gần một nửa trong số 270 vệ tinh quân sự trên quỹ đạo, cùng hàng trăm vệ tinh dân dụng, thương mại có thể sử dụng cho mục đích quân sự.
“Trung Quốc rõ ràng đã thử nghiệm và triển khai ít nhất một vũ khí laser chống vệ tinh lớn trên mặt đất. Nó có thể sử dụng để nhắm mục tiêu vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo thấp. Bắc Kinh cũng đang phát triển tên lửa chống vệ tinh phóng từ tàu ngầm, có thể tấn công vệ tinh Mỹ ở quỹ đạo địa tĩnh”, ông Easton nói.
Thử nghiệm vũ khí EMP
Ngoài các nhà kho lớn có mái che di động bị nghi là chứa vũ khí laser, cơ sở tại Tân Cương còn có các thiết bị lạ mà ông Bhat nhận định là vũ khí xung điện từ (EMP). Hình ảnh vệ tinh cho thấy một dãy cột xếp thành hàng dài dẫn vào một máy phát lớn.
Khu vực được cho là nơi thử nghiệm vũ khí xung điện từ. Ảnh: Twitter/Raj. |
“Cơ sở này có thể được sử dụng để bảo vệ thiết bị quân sự Trung Quốc và tấn công ngược trở lại vào các thiết bị điện tử của đối phương bằng xung điện từ”, ông Bhat nói.
Xung điện từ thường được tạo ra từ vụ nổ hạt nhân, bức xạ Mặt trời có thể phá hủy các thiết bị điện tử ở khoảng cách hàng nghìn km. Ngoài ra, ở Tân Cương còn có một máy phát xung di động, một hệ thống tác chiến điện tử được sử dụng để gây nhiễu khả năng liên lạc của vệ tinh.
Trong một tuyên bố, quân đội Trung Quốc nói rằng họ đã làm "mù" một vệ tinh vào năm 2005 bằng cách sử dụng tia laser có công suất từ 50-100 kW bắn từ Tân Cương. Những công nghệ và thiết bị tiên tiến đang phát triển tại cơ sở ở Tân Cương có thể được sử dụng để chống lại Mỹ trong cuộc xung đột tương lai.