Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ấn Độ bắn hạ vệ tinh, cuộc đua không gian trở nên gay cấn

Ấn Độ vừa gia nhập câu lạc bộ các nước có khả năng tấn công ngoài vũ trụ sau vụ bắn hạ vệ tinh hôm 27/3. Điều đó khiến cuộc đua vũ khí không gian trở nên khốc liệt hơn.

Hôm 27/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố đã bắn hạ thành công một trong các vệ tinh của chính nước này, thể hiện khả năng chiến lược trong không gian mà ít quốc gia trên thế giới có được. Sự kiện này góp phần làm leo thang sự cạnh tranh giữa New Delhi với Bắc Kinh và Islamabad, New York Times nhận định.

Bước nhảy vọt công nghệ nói trên đã được Lầu Năm Góc xác nhận, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc đã chứng minh khả năng tiêu diệt mục tiêu trong không gian. Trung tướng David D. Thompson, phó tư lệnh Bộ chỉ huy Không gian, Không quân Mỹ, cho biết Lầu Năm Góc đã biết trước vụ thử nghiệm của Ấn Độ, vì nước này thông báo thiết lập vùng cấm bay ở khu vực thử nghiệm.

Lịch sử vũ khí chống vệ tinh của Ấn Độ

So với các cường quốc không gian khác, Ấn Độ xuất phát khá muộn trong cuộc đua sở hữu năng lực tấn công ngoài quỹ đạo. Tháng 4/2012, VK Saraswat, giám đốc Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), nói rằng Ấn Độ đã sở hữu các công nghệ quan trọng cho vũ khí chống vệ tinh (ASAT). Những công nghệ này được thừa hưởng từ radar và tên lửa đánh chặn của chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Vu khi chong ve tinh cua An Do anh 1
Tên lửa chống vệ tinh chưa rõ định danh trong vụ thử nghiệm ASAT của Ấn Độ vào ngày 27/3. Ảnh: DRDO.

Đến tháng 7/2012, Ajay Lele, nhà nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ nói rằng một vụ thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh sẽ củng cố vị thế của Ấn Độ, nếu một quy chế quốc tế kiểm soát sự phát triển của ASAT được thành lập. Ông cho rằng thử nghiệm bắn hạ vệ tinh ở quỹ đạo thấp có mục đích không được coi là vô trách nhiệm.

Chương trình không gian của Ấn Độ đã phát triển đáng kể trong thập niên qua. Năm 2014, Ấn Độ đã đưa vệ tinh thăm dò lên quỹ đạo Sao Hỏa. DRDO tuyên bố rằng họ sẽ phóng tàu vũ trụ có người lái lên không gian trong vòng 3 năm tới. Những tiến bộ về công nghệ không gian đã tạo tiền đề vững chắc cho New Delhi trong việc thử nghiệm ASAT.

Vụ thử nghiệm ASAT đầu tiên của Ấn Độ được gọi là “Sứ mệnh Shakti”, có nghĩa là “quyền lực” theo tiếng Hindi. Nó sẽ giúp bảo vệ lợi ích đất nước trong không gian. Loại vũ khí bắn hạ vệ tinh của Ấn Độ chưa rõ định danh, nhưng nhiều khả năng nó được phát triển từ tên lửa đánh chặn ngoài không gian PAD trong chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo của New Delhi.

Vệ tinh mục tiêu bị bắn hạ ở độ cao cách trái đất 300 km. Vụ nổ tạo ra khoảng 270 mảnh vỡ. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết vụ thử nghiệm ở vị trí thấp để đảm bảo rằng các mảnh vỡ sẽ quay trở lại khí quyển trái đất và bị thiêu cháy trong vài tuần tới.

Bắn hạ vệ tinh là công nghệ cực kỳ khó khăn. Các nhà khoa học ước tính, vệ tinh mà Ấn Độ vừa bắn hạ đang di chuyển bên ngoài không gian với tốc độ khoảng 27.358 km/h. Do đó, mọi tính toán đều phải chính xác đến từng giây.

Nguy cơ không gian bị quân sự hóa

Khi Trung Quốc bắn hạ một vệ tinh thời tiết vào năm 2007, một mối lo ngại toàn cầu nổi lên đối với việc vũ khí hóa vũ trụ ngày càng tăng. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự cạnh tranh trong khu vực giữa Ấn Độ và Trung Quốc, 2 quốc gia đông dân nhất thế giới đã lấn sân sang vũ trụ.

“Thử nghiệm của Ấn Độ là động thái chống lại Trung Quốc. Sự phát triển của công nghệ và khả năng này sẽ khiến trật tự không gian trở nên rất bất ổn”, Kazuto Suzuki, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Hokkaido, Nhật Bản và là một chuyên gia về an ninh vũ trụ cho biết.

Vu khi chong ve tinh cua An Do anh 2
Tên lửa đánh chặn ngoài không gian PAD trong chương trình phòng thủ tên lửa của Ấn Độ. Ảnh: DRDO.

Saurav Jha, tổng biên tập tờ Delhi Defense Review, tạp chí liên quan đến quốc phòng, nói rằng bắn hạ vệ tinh là một thành tựu lớn. Nó cũng quan trọng như vụ thử hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ. New Delhi đã liên tục thúc đẩy chương trình không gian của nước này từ lần phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1975.

New Delhi đã tham gia vào sứ mệnh không gian có người lái cùng với Liên Xô vào năm 1984. Trong tháng 12/2018, Ấn Độ phóng vệ tinh nặng nhất từ trước đến nay, hơn 2 tấn lên quỹ đạo. Động lực cho quá trình này rõ ràng là Trung Quốc. Khi Bắc Kinh đẩy mạnh các vụ phóng vệ tinh và tàu thăm dò, New Delhi cũng cố gắng bắt kịp.

Ông Jha cho biết thêm vụ thử nghiệm ASAT là một phần của cuộc cạnh tranh Trung - Ấn. Một yếu tố khác là nhắm đến đối thủ Pakistan. Năm ngoái, Trung Quốc đã giúp Pakistan phóng một vệ tinh viễn thám lên quỹ đạo. Thử nghiệm này cho thấy rằng Ấn Độ có thể biến con mắt trên bầu trời của Pakistan thành rác ngoài không gian.

Điều này có thể khiến cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Ấn Độ và Pakistan trở nên nguy hiểm hơn. Trước vụ thử nghiệm, quân đội 2 nước được đánh giá là tương đương nhau. Mỗi bên đều miễn cưỡng để bắt đầu cuộc xung đột, vì sợ rằng đối phương có thể tạo ra cuộc phản công tàn khốc.

Nhưng một số nhà phân tích cho rằng Ấn Độ giờ đây có thể thực hiện cuộc tấn công phủ đầu vào các vệ tinh của Pakistan. Điều đó có thể hủy bỏ học thuyết lâu đời về sự hủy diệt được đảm bảo lẫn nhau mà cả hai nước đã tuân theo.

Quân sự hóa không gian đang diễn ra, cho dù có ai thích điều đó hay không. Theo ông Jha, công nghệ vệ tinh đã trở thành nền tảng cho truyền thông và quân sự toàn cầu. Ông Jha và một số nhà phân tích khác nói rằng Mỹ, Nga và Trung Quốc đã thảo luận về hiệp ước không phổ biến vũ khí trong vũ trụ. Với thử nghiệm này, vị trí của Ấn Độ bây giờ cũng phải được xem xét.

Ấn Độ bắn hạ vệ tinh, tuyên bố trở thành 'siêu cường không gian'

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố lực lượng nước này đã bắn hạ một vệ tinh quỹ đạo Trái Đất tầm thấp trong cuộc tập trận được lên kế hoạch từ trước.

Cuộc chiến trong không gian có thể sắp xảy ra

Các nhà phân tích nhận định, sự phụ thuộc vào vệ tinh trong cạnh tranh sức mạnh quân sự giữa các cường quốc có thể dẫn đến cuộc xung đột trong không gian.


Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm