Các lò dành cho những người muốn bỏ con xuất hiện đầu tiên ở Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc từ năm 2011. Lò gồm một phòng điều hòa nhiệt độ, nôi và lồng ấp. Khi ai đó bỏ trẻ vào lò, chuông sẽ reo và nhân viên sẽ xuất hiện để đón đứa bé.
Cận cảnh một lò cưu mang trẻ bị bỏ rơi ở Nam Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Trung Quốc có 25 lò trong cả nước và nước này sẽ thành lập thêm các lò trong 18 khu vực khác.
Ông Zhou, một quan chức của Sở Nội vụ Bắc Kinh, chia sẻ với CNN rằng chính quyền muốn mở mỗi năm một lò và ưu tiên dự án này.
Người ta thường bỏ rơi con vì chúng khuyết tật, ốm nặng hoặc là bé gái. Cha mẹ các em thường không đủ khả năng tài chính để nuôi con hoặc do áp lực sinh con trai.
Nhiều người cho rằng các lò trẻ em không cha mẹ góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ bị bỏ rơi, cung cấp môi trường an toàn, ấm áp cho trẻ. Theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ Trung Quốc, các lò sẽ đăng tin tìm kiếm cha, mẹ của các bé. Nếu bố mẹ hoặc người bảo vệ hợp pháp không nhận hoặc thông báo hết hạn, các tổ chức xã hội sẽ nhận các em. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích chính sách của Bộ Nội vụ vì cho rằng các lò trẻ sẽ khuyến khích các đấng sinh thành bỏ con.
Theo People's Daily, từ khi một cơ sở trẻ em bị bỏ rơi khai trương ở tỉnh Quảng Châu, người dân đã đem 80 em bé tới đây.
Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc đưa tin, một lò ở Nam Kinh rất “có duyên" với trẻ bất hạnh. Một chủ cửa hàng gần cơ sở cho hay cô thấy cảnh cha, mẹ bỏ con hàng ngày. Ông Fuxian Yi, chuyên gia dân số tại Đại học Wisconsin-Madison tại Mỹ không tin rằng các lò cưu mang trẻ sẽ khuyến khích các bậc phụ huynh bỏ con.
"Nam Kinh chỉ là một trường hợp cá biệt", ông nhận định.