Các cáo buộc đang được điều tra bao gồm cướp máy bay vì mục đích khủng bố và vi phạm hiệp ước quốc tế trong cách đối xử với con người, Reuters đưa tin ngày 24/5.
Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte cho biết một vài người trên chuyến bay bị ép chuyển hướng đã lập tức được yêu cầu cung cấp chứng cứ sau khi đặt chân đến thủ đô Vilnius vào ngày 23/5.
“Tình huống chưa có tiền lệ này phải được điều tra kỹ lưỡng”, bà Simonyte nói tại sân bay, sau khi gặp mặt hành khách trên chuyến bay bị chuyển hướng.
Trước đó, khi còn cách không phận Lithuania 2 phút, chuyến bay 4978 của hãng hàng không Ryanair bất ngờ đổi hướng. Chiếc máy bay được một tiêm kích của Belarus hộ tống tới Minsk vì tin báo có bom. Tuy nhiên, nhà chức trách Belarus không tìm thấy bom trên máy bay.
Nhà hoạt động đối lập Roman Protasevich, người bị cáo buộc tham gia biểu tình trái phép, chờ đợi trước phiên tòa tại Minsk, Belarus vào ngày 10/4/2017. Ảnh: Reuters. |
Hai hành khách trên chuyến bay 4978 bị bắt, gồm nhà hoạt động đối lập Roman Protasevich cùng nữ sinh viên Sofia Sapega. Protasevich đang bị Belarus truy nã vì đưa tin về các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vào năm 2020.
Sự việc bị một số nhà lãnh đạo trong Liên minh châu Âu (EU) lên án và bị coi là “vụ cướp máy bay”.
Là quốc gia thành viên của EU, Lithuania kêu gọi EU và NATO có phản ứng. Ursula von der Leyen, lãnh đạo Ủy ban châu Âu, yêu cầu Protasevich phải được phóng thích ngay lập tức. Bà Leyen còn khẳng định những người chịu trách nhiệm cho “vụ cướp máy bay Ryanair phải bị trừng phạt”.
Trong bài đăng trên Twitter, Simon Coveney, Ngoại trưởng Ireland - nơi đăng ký kinh doanh của Ryanair, nhận định “EU sẽ bị Belarus coi là yếu đuối nếu không ra quyết định hoặc do dự”.
Cũng trên Twitter, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng sự việc lần này nghiêm trọng, nguy hiểm, và cần mở cuộc điều tra quốc tế.
Bob Menedez, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại thuộc Thượng viện Mỹ, và lãnh đạo của 7 ủy ban ngoại giao nghị viện châu Âu cùng ra tuyên bố lên án hành động ép máy bay hạ cánh là “vụ không tặc”.
Họ kêu gọi cấm mọi chuyến bay qua bầu trời Belarus ở cả hai chiều đi lại. Đồng thời, nhóm này yêu cầu NATO và các thành viên EU áp lệnh trừng phạt và ngừng “khả năng sử dụng Interpol” của Belarus.
Nữ sinh viên Sofia Begas cũng bị bắt cùng Roman Protasevich. Ảnh: Instagram/Sofia Begas. |
Tương tự, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken yêu cầu “cuộc điều tra toàn diện” vào hành động gây nguy hiểm tới mạng sống của hành khách, bao gồm công dân Mỹ.
“Vì có dấu hiệu cho thấy có sự lừa dối để ép máy bay hạ cánh, chúng tôi ủng hộ Hội đồng Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế tổ chức họp mặt sớm nhất để đánh giá sự việc”, ông Blinken nói trong một tuyên bố.
Mỹ cùng EU, Anh, và Canada từ trước đã áp lệnh phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với gần 90 quan chức Belarus, bao gồm chính Tổng thống Lukashenko. Động thái này được đưa ra sau cuộc bầu cử Belarus vào tháng 8/2020 mà phía đối lập và phương Tây cho là có gian lận.