Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Linh qua đời ngày 5/3. Ngày 1/4, gia đình làm lễ cúng thất lần thứ tư cho ông tại nhà riêng. Ngoài người thân, nhiều bạn bè đồng nghiệp và khán giả cũng đến thắp hương cho cố nghệ sĩ.
Từ sớm, một đội ngũ streamer có mặt quanh khu vực nhà riêng của Vũ Linh để chụp ảnh, livestream. Chia sẻ với Zing, nghệ sĩ Linh Tâm cho biết có khoảng 10 người đứng cầm điện thoại quay chụp trước nhà Vũ Linh, họ đợi 4-5 giờ liền để bắt được "toàn cảnh lễ cúng thất của ông hoàng cải lương".
Nghệ sĩ Linh Tâm thắp hương tưởng niệm đàn anh thân thiết. Ảnh: NS Linh Tâm. |
"Khoảng gần 10 người đến từ sớm, đợi hơn 4 tiếng đồng hồ trước nhà anh Năm (tên thân mật đồng nghiệp thường gọi NS Vũ Linh - PV). Nhưng lần này họ cũng đỡ hơn, không quá quấy rối, chỉ đứng bên kia đường chĩa máy vào nhà livestream thôi. Bởi thế gia đình cũng không phản ứng nhiều vì không ảnh hưởng đến lễ thất", nghệ sĩ Linh Tâm nói.
Nam nghệ sĩ xác nhận việc sau đó anh đã mời các streamer vào nhà ăn cơm và nói: "Mấy em ăn cơm chay không? Mấy YouTuber có ăn cơm chay không? Ăn cơm chay lòng lương thiện xuống. Bớt ác chút".
Tuy nhiên, nam nghệ sĩ cải lương giải thích thêm, đó là lời bông đùa anh dành cho các streamer chứ không chỉ trích hay đá xéo bất cứ ai.
"Tôi thấy các em đứng đội nắng bên ngoài hơn 4 giờ, tội và thương nên mời vào ăn cơm nhưng họ không vào. Họ cũng muốn video đăng trên YouTube, TikTok có người xem. Nhưng cũng có một vài người đặt chuyện, đưa thông tin sai sự thật về Hồng Phượng, Hồng Nhung, Bình Tinh,... và chuyện tài sản. Họ đặt điều tội mấy đứa nhỏ nhà anh Năm", nghệ sĩ Linh Tâm nói thêm.
Tình trạng các streamer làm phiền nghệ sĩ đã bị lên án một thời gian qua, đặc biệt là sau đám tang của Vũ Linh. Thời điểm "ông hoàng cải lương" mất, nhiều YouTuber, TikToker túc trực để livestream, chụp ảnh, đưa tin sai sự thật khiến gia đình cố nghệ sĩ bức xúc.
Ngoài ra, một lượng streamer cũng tìm đến tận nhà nghệ sĩ Hồng Nga làm phiền bà khiến gia đình phải cầu cứu. Hiện tại, tình trạng này vẫn khiến nhiều người nổi tiếng "đau đầu".
Sách tham khảo: Cải lương Sài Gòn 1955-1975, một công trình biên khảo được những người làm sân khấu tâm tư và nỗ lực thực hiện trong suốt 4 năm qua. Nội dung sách biên khảo được tiếp cận từ góc độ khoa học liên ngành lịch sử, nghệ thuật sân khấu, lý luận văn học, văn hóa học… với cách thao tác căn cứ vào tài liệu được người đương thời ghi lại; những bài viết tham luận từ các cuộc tọa đàm, hội thảo; các phát biểu ghi âm từ các tác giả, soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhà báo, nhà lý luận phê bình và các nhà quản lý - có vốn sống, vốn nghề, nhiều kinh nghiệm, trong sáng tác, kể chuyện, trong biểu diễn và ca hát.