Mỗi người mỗi nước mỗi non
Khi vào sân khấu như con một nhà
Châu Thanh nhắc đến câu thơ vẫn được chia sẻ trong giới về tình nghệ sĩ. Nghệ sĩ cho biết: "Khi những người thân của mình ra đi, không chỉ riêng tôi mà các anh em nghệ sĩ khác và khán giả cũng rất buồn. Thầy Diệp Lang và Vũ Linh đi, để lại nỗi mất mát rất hơn cho sân khấu".
Châu Thanh: "Nhiều bạn Gen Z đang yêu thích cải lương"
Sự mất mát ấy làm cho nền nghệ thuật ảnh hưởng, bởi những người tâm huyết với nghề đã lần lượt ra đi rồi. Hiện tại, tình hình cải lương cũng rất khó khăn.
Ngày nay, lưới thông tin và mạng xã hội gần gũi với đời sống, cải lương ít được đón nhận hơn. Đó cũng là một thiệt thòi lớn, khán giả ít đi xem hát như thời xưa.
Cải lương giống như cái nôi, như nguồn sống của tôi vậy. Nên khi sự đón nhận của khán giả giảm sút, tôi rất buồn, mong có sự nhiệm màu để mọi người biết hát cải lương và dành lại tình yêu cho nó.
Nghệ sĩ Châu Thanh. Ảnh: Xuân Phước. |
Lớp trẻ hiện nay theo nghề cải lương là người rất giỏi, các bạn ca hay và có ngoại hình. Nhưng dưới sự ảnh hưởng chung, họ dù có cố gắng vẫn rất khó. Tôi chỉ mong sự nỗ lực của lớp trẻ sẽ đem lại nguồn sinh khí mới, để cải lương được sống trong lòng khán giả mộ điệu.
Tôi đôi khi cũng rất ngạc nhiên vì khán giả vẫn yêu mến cải lương, đặc biệt là các bạn trẻ, kể cả các bạn Gen Z. Nhưng trong dòng chảy mới, đa số các bạn “tuổi teen” vẫn thích dòng nhạc mới hơn. Nên khi mở ra những chương trình mới về cải lương, vọng cổ, được khán giả đón nhận tôi rất mừng.
Dù hiện tại cải lương đã qua thời hoàng kim rồi nhưng tôi vẫn may mắn và cảm thấy hạnh phúc khi được đón nhận. Khi tôi đi hát, khán giả thuộc hết những bài tôi diễn và hát theo. Ngoài ra, các bầu show cũng yêu thương, mời tôi diễn cả trong nước lẫn quốc tế, đó là niềm hạnh phúc lớn lao của tôi ở thời điểm này.
NSND Lệ Thủy: "Để khán giả không ngó lơ, cần có vở diễn hay"
Trước tiên, khi anh chị em nghệ sĩ ra đi, giới cải lương cảm nhận sự mất mát. Nhưng có lẽ, sứ mệnh của bộ môn nghệ thuật này đã hoàn thành rồi, lớp nghệ sĩ lớn đã làm tròn bổn phận nên ra đi. Giờ còn lại lớp nhỏ, phải cố gắng làm thế nào để giữ vững sân khấu nghệ thuật cải lương, để những người đi trước cảm thấy an lòng vì đã có người tiếp nối.
NSND Lệ Thủy. Ảnh: Minh Tuyền. |
Các em, các cháu bây giờ ca hay, diễn giỏi, nhưng rất tiếc không có sân khấu để diễn. Sau khi thi, lấy được bằng, họ xếp lại một góc chứ không được đi diễn như chúng tôi ngày trước. Nghệ thuật là phải diễn hoài, diễn mỗi đêm để thay đổi và đo lường khán giả, để ngày một nhiều suất diễn hơn.
Ngày xưa, chúng tôi hát một vở, tuồng thường mấy năm. Để ra được sân khấu, chiếm tình cảm của khán giả, người nghệ sĩ phải diễn ít nhất 10 vở mới hay được, còn muốn thấm nhuần thì phải hơn 30 vở. Thế hệ trẻ ngày nay không có cơ duyên đó, không có sân khấu để diễn thường xuyên nên rất tiếc tài năng.
Bây giờ khán giả cũng thích nghệ sĩ cải lương lắm chứ không phải ngó lơ. Nhưng để được lâu bền, phải có những vở diễn hay, tác giả giỏi viết ra những tuồng tốt thì mới được yêu mến nhiều.
Khán giả vẫn còn rất ủng hộ cải lương. Riêng tôi đi miền Tây, nhiều người vẫn mê, nghêu ngao ca vọng cổ. Nhưng có lẽ, mình chưa đáp ứng được nhu cầu của mọi người nên họ không xem nhiều như trước.
NSND Thanh Tuấn: "Truyền nghề cho người trẻ là quan trọng"
Những người đã cống hiến cả đời cho cải lương như anh Diệp Lang hay Vũ Linh ra đi là mất mát to lớn đối với nghệ thuật nước nhà, nhưng đó là quy luật. Khán giả có niềm yêu thương vô hạn, đặc biệt với những người tài, nhưng sự ra đi là điều không thể tránh khỏi.
Sau khi mở cửa, nhiều mô hình nghệ thuật xâm nhập và lấn át nên sân khấu cải lương bị chững lại và dần đi xuống. Tình hình này đã khoảng 20 năm nay rồi, giờ chỉ đành chịu thôi. Mỗi bộ môn nghệ thuật sẽ có những giá trị và đối tượng khán giả riêng.
Khán giả thích gì sẽ coi đó, cải lương nên giữ vững bản sắc của cải lương, chỉ cần làm hết mình để phục vụ người xem khi họ còn thương yêu mình.
Tôi có mở trung tâm để truyền dạy nghề, ban đầu chỉ vài chục người, con số này sau đó tăng nhiều hơn. Các học viên gồm nhiều độ tuổi, từ mười mấy đến cả ngoài 60 vẫn yêu thích bộ môn này. Vậy nên ngọn lửa đam mê cải lương không hề mất đi, lúc nào cũng có người đến và đón nhận các giá trị của nó.
NSND Thanh Tuấn. Ảnh: Minh Tuyền |
Ở tuổi này, còn được khán giả yêu thương là tôi hãnh diện. Chỉ cần còn yêu nghệ thuật, còn được cống hiến thì tôi sẽ nhả sợi tơ vàng cho đến hơi thở cuối cùng. Với tôi, được sống với nghề là niềm hạnh phúc lớn.
Chừng nào chưa mệt mỏi thì tôi sẽ không ngừng. Tôi sẽ diễn, sẽ ca hát, theo nghệ thuật đến khi hơi tàn, gục ngã mới thôi. Chừng nào khán giả còn yêu thương, tôi sẽ còn hát.
Việc “hết thời” tùy vào khán giả. Thật sự, nghệ sĩ không hết thời, chỉ là do không tạo được dấu ấn sâu đẹp trong lòng khán giả, để khán giả yêu thương. Khi người ta bỏ mình, không còn đứng trên sân khấu được nữa, nghệ sĩ sẽ tự cảm thấy bản thân “hết thời”.
Sách tham khảo: Cải lương Sài Gòn 1955-1975, một công trình biên khảo được những người làm sân khấu tâm tư và nỗ lực thực hiện trong suốt 4 năm qua. Nội dung sách biên khảo được tiếp cận từ góc độ khoa học liên ngành lịch sử, nghệ thuật sân khấu, lý luận văn học, văn hóa học… với cách thao tác căn cứ vào tài liệu được người đương thời ghi lại; những bài viết tham luận từ các cuộc tọa đàm, hội thảo; các phát biểu ghi âm từ các tác giả, soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhà báo, nhà lý luận phê bình và các nhà quản lý - có vốn sống, vốn nghề, nhiều kinh nghiệm, trong sáng tác, kể chuyện, trong biểu diễn và ca hát.