Sáng 16/3 (giờ Việt Nam), lễ tang NSND Diệp Lang diễn ra tại chùa Viên Quang (San Marcos, Mỹ). Người thân trong gia đình và đồng nghiệp có mặt để tiễn biệt ông.
Diệp Tiên - con trai của NSND Diệp Lang - túc trực bên lễ tang cha. Nghệ sĩ Hương Lan, Tài Linh, Kim Tiểu Long, Y Phụng, Leon Vũ... đến thắp hương và chia buồn cùng gia quyến. Bà Thu Phong - vợ nghệ sĩ Diệp Lang - khóc mỗi khi quan khách tới viếng. Gia đình không nhận phúng điếu tại lễ tang.
Trong lễ tang, các nghệ sĩ ca vọng cổ để tưởng nhớ "ông hội đồng" Diệp Lang. Nghệ sĩ Kim Tiểu Long thể hiện trích đoạn cải lương Không là cát bụi, Cát bụi cuộc đời.
Các nghệ sĩ Việt tại Mỹ đến lễ tang tiễn biệt NSND Diệp Lang. Ảnh: Leon Vũ/Kim Tiểu Long. |
Nghệ sĩ Kim Tiểu Long chia sẻ: "Vĩnh biệt ba Diệp Lang. Đến giây phút này, con vẫn nhớ hết những lời tâm sự mà ba chỉ dạy. Con sẽ ghi nhớ suốt đời. Thương nhớ ba nhiều".
Tại Việt Nam, lễ tưởng niệm NSND Diệp Lang diễn ra tại chùa Tường Nguyên (TP.HCM) vào ngày 17/3. Ban tổ chức lễ tưởng niệm cho biết gia đình nghệ sĩ mong muốn buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, không có sự hoạt động của đội ngũ YouTuber, TikToker.
NSND Diệp Lang qua đời lúc 6h ngày 11/3 (22h theo giờ Việt Nam) tại bang California, Mỹ, hưởng thọ 83 tuổi. Sau cơn đau tim, nghệ sĩ cải lương ra đi trong vòng tay người thân.
Thông tin ông qua đời khiến nhiều đồng nghiệp và khán giả tiếc nuối.
“Được gần bác, làm việc chung với bác, con học hỏi nhiều điều hay trong nghề nghiệp cũng như cuộc sống, đặc biệt cách diễn, cách ca trong tịnh có động và trong động vẫn có tịnh hơn. 300 tác phẩm video, audio con được đồng hành cùng bác là vốn liếng nghệ thuật to lớn giúp cho con trưởng thành hơn. Con biết bác rất yêu thương con và con cũng luôn kính yêu bác”, nghệ sĩ Ngọc Huyền viết.
Nghệ sĩ Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sinh năm 1941, quê gốc ở Châu Thành, Đồng Tháp. Ông được giới mộ điệu cải lương biết tới và hâm mộ qua các vai hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu) hay vở diễn Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp, Nửa đời hương phấn, Tiếng sóng Rạch Gầm, Tâm sự Ngọc Hân...
Sách tham khảo: Cải lương Sài Gòn 1955-1975, một công trình biên khảo được những người làm sân khấu tâm tư và nỗ lực thực hiện trong suốt 4 năm qua. Nội dung sách biên khảo được tiếp cận từ góc độ khoa học liên ngành lịch sử, nghệ thuật sân khấu, lý luận văn học, văn hóa học… với cách thao tác căn cứ vào tài liệu được người đương thời ghi lại; những bài viết tham luận từ các cuộc tọa đàm, hội thảo; các phát biểu ghi âm từ các tác giả, soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhà báo, nhà lý luận phê bình và các nhà quản lý - có vốn sống, vốn nghề, nhiều kinh nghiệm, trong sáng tác, kể chuyện, trong biểu diễn và ca hát.