Trao đổi với Zing, anh Vỹ Khang - con nuôi nghệ sĩ Hồng Nga - cho biết sau khi gia đình chủ động lên tiếng yêu cầu các YouTuber, TikToker ngừng làm phiền, tình trạng gõ cửa hoặc xuất hiện xung quanh nhà đã không còn.
"Từ sáng 20/3, tôi sang thăm má và ở với má cả ngày. Các YouTuber, TikToker không đến làm phiền má nữa. Vì gia đình đã có sự đề phòng, họ không dám đến, điều này cũng giúp má và người thân cảm thấy nhẹ nhõm hơn", anh Vỹ Khang nói.
Theo chia sẻ của anh, nghệ sĩ Hồng Nga cũng biết việc các streamer tìm đến nhà làm phiền mình. Bà cho rằng đây là những hành động xúc phạm.
Nghệ sĩ Hồng Nga. Ảnh: Song Minh. |
Về sức khỏe của mẹ nuôi, anh Vỹ Khang cho biết bà hiện vẫn ổn, đi lại hơi khó khăn vì bệnh khớp và đãng trí, hay quên. Tuy nhiên, việc ăn uống, vệ sinh cá nhân bà vẫn chủ động được.
Tâm sự với con nuôi, bà Hồng Nga nhắc đến cố NSND Diệp Lang và Vũ Linh. Bà rưng rưng bảo hôm trước đi viếng Vũ Linh được, nhưng lại không thể tiễn đưa Diệp Lang vì ông ở bên Mỹ.
Trước đây, hai nghệ sĩ từng được yêu mến qua nhiều vai diễn, góp phần làm nên sự đa sắc và hưng thịnh của sân khấu cải lương một thời.
Hiện tại, dù tuổi đã cao, đau chân, không thể đi diễn được, nghệ sĩ Hồng Nga vẫn rất nhớ nghề. Thỉnh thoảng, bà nghêu ngao vài câu hát và bày tỏ mong muốn được ra sân khấu hát với người thân.
Trước đó, gia đình nghệ sĩ Hồng Nga bức xúc vì bị các streamer giả danh nhà báo tìm đến tận nhà, muốn quay phim, chụp ảnh, livestream. Dù không được cho vào, họ vẫn gõ cửa làm phiền, thậm chí lân la ở các quán nước gần nhà bà để hỏi thêm thông tin của nữ nghệ sĩ. Gia đình đã phải tính đến việc đưa bà về nhà con gái út sống để tránh mặt.
Hồng Nga sinh năm 1946, tên thật Đinh Thị Nga, là nghệ sĩ cải lương gạo cội của sân khấu miền Nam từ trước năm 1975. Bà có thể hóa thân vào nhiều loại vai khác nhau, từ đào mụ, đào thương, đến đào độc, bà đều xử lý tốt, để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Trong sự nghiệp ca hát, Hồng Nga nổi tiếng qua các vở tuồng Lưới trời, Mắt em là bể oan cừu, Tần Thủy Hoàng, Phút sau cùng, Gã câm và người đẹp...
Sách tham khảo: Cải lương Sài Gòn 1955-1975, một công trình biên khảo được những người làm sân khấu tâm tư và nỗ lực thực hiện trong suốt 4 năm qua. Nội dung sách biên khảo được tiếp cận từ góc độ khoa học liên ngành lịch sử, nghệ thuật sân khấu, lý luận văn học, văn hóa học… với cách thao tác căn cứ vào tài liệu được người đương thời ghi lại; những bài viết tham luận từ các cuộc tọa đàm, hội thảo; các phát biểu ghi âm từ các tác giả, soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhà báo, nhà lý luận phê bình và các nhà quản lý - có vốn sống, vốn nghề, nhiều kinh nghiệm, trong sáng tác, kể chuyện, trong biểu diễn và ca hát.