Xe tải chở bò của tiểu thương tại Ấn Độ. Ảnh: indiatimes.com |
Bò là động vật linh thiêng đối với người theo đạo Hindu ở Ấn Độ. Song đối với người dân Bangladesh, nơi tín đồ Hồi giáo chiếm đa số dân, thịt bò là loại thực phẩm thiết yếu. Vì thế, theo Times of India, dân buôn lậu đã vận chuyển trái phép khoảng hai triệu trâu, bò qua biên giới Ấn Độ - Bangladesh.
Doanh thu của hoạt động buôn lậu trâu, bò lên tới 385 triệu bảng mỗi năm và Narendra Modi, Thủ tướng Ấn Độ, muốn chấm dứt tình trạng ấy.
“Giết hay buôn lậu một con bò tương đương với tội hiếp dâm một cô gái Hindu hayphas một ngôi đền Hindu”, Jishnu Basu, người phát ngôn của tổ chức Rashtriya Swayamsevak Sangh, tuyên bố. Rashtriya Swayamsevak Sangh là tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc của người Hindu có ảnh hưởng lớn tại Ấn Độ. Ông Narendra là một thành viên của tổ chức này.
Khoảng 30.000 binh sĩ Ấn Độ đang canh gác đường biên giới với Bangladesh. Giờ đây ngăn chặn nạn buôn lậu trâu, bò là một trong những nhiệm vụ mà họ phải thực hiện.
Từ khi nhận nhiệm vụ mới tới nay, lực lượng biên phòng Ấn Độ đã tịch thu chừng 19.000 con trâu, bò và bắt 400 kẻ buôn lậu.
Chủ trương mới của Ấn Độ khiến giá thịt trâu, bò ở Bangladesh tăng thêm 40% trong 6 tháng qua.
Với số lượng bò, trâu lên tới 300 triệu, Ấn Độ là nước xuất khẩu thịt trâu, bò lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ lớn thứ năm.
Song, với việc ông Narendra Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ, chính phủ đã tăng cường hoạt động bảo vệ bò. Giới chức không chỉ sử dụng quân đội, mà còn thành lập những nhóm tự quản bò trong các cộng đồng dân cư. Song chủ trương bảo vệ bò cũng dẫn tới những cuộc đụng độ bạo lực giữa binh sĩ và bọn buôn lậu. Những kẻ buôn lậu đã giết hai lính biên phòng vì họ đuổi theo chúng.