Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liệu bẫy Thucydides có xảy ra trên Biển Đông?

Ông Tập Cận Bình từng nói các nước cần tránh rơi vào "bẫy Thucydides", nguy hiểm có thể dẫn tới chiến tranh. Nhưng những gì Bắc Kinh đang làm tại Biển Đông khiến thế giới lo ngại.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ảnh: Getty

Tháng 9/2015, phát biểu tại thành phố Seattle, Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thẳng thừng phủ định “bẫy Thucydides”, thuật ngữ được đặt theo tên một sử gia Hy Lạp. “Bẫy Thucydides” ám chỉ những nguy hiểm có thể leo thang thành chiến tranh giữa cường quốc cũ và mới nổi.

“Chúng tôi muốn cùng Mỹ tăng cường hiểu biết lẫn nhau về đường hướng chiến lược và phát triển. Những điều như 'bẫy Thucydides' sẽ không xảy ra trên thế giới. Nhưng khi các nước lớn nhiều lần mắc sai lầm trong tính toán chiến lược, họ sẽ tự tạo các bẫy như vậy cho chính mình”.

Cảnh báo

Trong giai đoạn Thế chiến I, sự trỗi dậy của Đức và mối đe dọa từ tiềm lực hải quân lớn mạnh của nước này từng khiến Anh lo ngại. Nó dẫn tới cảnh báo về “bẫy Thucydides”. Eyre Crowe, một quan chức của Bộ Ngoại giao Anh, nêu mối nguy này vào năm 1907. “Đức rõ ràng sẽ xây dựng hải quân mạnh mẽ khi họ có đủ năng lực. Lực lượng này sẽ đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với Đế quốc Anh”, ông Crowe viết trong bài ghi chép.

Cây bút Peter Popham của tờ Independent cho rằng, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng theo cách tương tự. Tại thành phố Seattle, ông Tập kiên quyết phủ nhận “bẫy Thucydides” trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, nhưng từ nhiều năm trước đó, Trung Quốc đã chuyển đổi hàng nghìn tàu buôn thành tàu được dùng cho mục đích quân sự, phát triển tên lửa “sát thủ” nhằm đánh chìm tàu sân bay Mỹ, thử nghiệm tên lửa siêu thanh có thể tấn công tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm tàng hình được trang bị tên lửa đạn đạo.

Năm 2015, bất chấp kinh tế suy thoái, Trung Quốc tăng ngân sách quân sự thêm 10%. Một tướng quân đội Trung Quốc thậm chí cảnh báo quá trình xây dựng quân đội đã hoàn tất và “không kẻ thù nào dám bắt nạt" họ.

5 năm trước, khi sức mạnh kinh tế Trung Quốc tăng vọt, Bắc Kinh ngang nhiên gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhằm khẳng định “chủ quyền” đối với các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Nước này cũng giảo hoạt khi cho rằng, quyền lãnh đạo khu vực nằm trong “yếu tố di truyền quốc gia” của Trung Quốc.

Nhưng khi Barack Obama trở thành tổng thống Mỹ, ông và Ngoại trưởng Hillary Clinton chọn cách “xoay trục sang châu Á” nhằm khẳng định rõ rằng Trung Quốc sẽ không thể tùy tiện làm điều mà họ muốn.

Giống giai đoạn Sparta cạnh tranh Athens dưới thời Pericles, song song với những cuộc đối thoại ngọt ngào, chuyến thăm hữu nghị cùng bữa tối thịnh soạn, hai bên đều đẩy mạnh phát triển quân đội. Kịch bản tương tự đang lặp lại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Ngày 14/2, Trung Quốc triển khai hệ thống phòng không HQ-9 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 18/2, Mỹ cho rằng việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không phi pháp tới đảo Phú Lâm là trái với cam kết không quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc từng nêu. "Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, John Kirby, cho biết trong cuộc họp báo. Bắc Kinh “tố ngược” rằng, chính các cuộc tuần tra trên không và trên biển của Washington ở Biển Đông là nguyên nhân “làm leo thang căng thẳng”.

Theo phân tích của Giáo sư Graham Allison thuộc Đại học Havard, 16 trường hợp đã vướng vào “bẫy Thucydides” trong vòng 500 năm qua. Ông nhấn mạnh 12 trong số đó dẫn tới chiến tranh. May mắn khi 4 trường hợp còn lại, gồm Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ sau Thế chiến II, đã không xảy ra.

Cây bút Popham nhận định, "một cuộc chiến kiểu cũ" đang sôi sục ở Biển Đông đầu năm 2016.

Đặt nền móng cho ADIZ

Trong khi đó, bài viết với tiêu đề Triển khai hệ thống tên lửa tới Biển Đông, Bắc Kinh lập nền móng cho ADIZ, tác giả Jesse Johnson của tờ Japan Times dẫn nhận định từ các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể dùng việc triển khai tên lửa để thử phản ứng của Tokyo, Washington và các nước có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông sau khi Hải quân Mỹ thực hiện chuyến tuần tra vì tự do hàng hải lần thứ hai trên vùng biển này hồi tháng 1/2016.

Ảnh vệ tinh mới (trái) cho thấy một số bệ phóng tên lửa đất đối không ở đảo Phú Lâm của Việt Nam. Ảnh: ImageSat International

"Việc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm có thể cho thấy, Trung Quốc đang chuẩn bị tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở khu vực phía bắc Biển Đông, từ quần đảo Hoàng Sa", Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, nhận định.

Chuyên gia Storey cho rằng, sau khi các thiết bị mà Bắc Kinh thiết lập trái phép trên quần đảo Trường Sa đi vào hoạt động, một ADIZ như vậy có thể được Trung Quốc đơn phương mở rộng tới khu vực phía nam của Biển Đông, không phận cách quần đảo Hoàng Sa hàng trăm km.

Phân tích của chuyên gia Storey đồng nhất với bình luận của Tetsuo Kotani, một học giả cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế của Nhật Bản (JIIA). "Việc triển khai tên lửa phòng không là bước tiến lớn hướng tới lập ADIZ ở Biển Đông, dù vẫn còn quá sớm do Trung Quốc thiếu năng lực". Theo dự đoán của học giả Kotani, để hiện thực hóa âm mưu lập ADIZ, Bắc Kinh sẽ còn đưa radar và tên lửa tới quần đảo Trường Sa.

June Teufel Dreyer, giáo sư tại Đại học Miami (Mỹ), nhận định, thực hiện các bước tiến tại Biển Đông, tăng áp lực trên biển Hoa Đông chính là chiến thuật "lát cắt salami" mà Bắc Kinh thực hiện bấy lâu nay. 

Giáo sư Dreyer cho rằng, Bắc Kinh có mưu đồ thiết lập ADIZ ở Biển Đông vào thời điểm thích hợp. Đó là khi tàu chiến và máy bay Mỹ tuần tra trên biển và trên không quanh các đảo nhân tạo trái phép. Tuy nhiên, theo ông Dreyer, âm mưu này có thể khiến Trung Quốc quá sức, đặc biệt khi đang đối mặt với nhiều áp lực về kinh tế trong nước.

Năm 2013, Bắc Kinh vấp chỉ trích không chỉ từ Tokyo và Washington mà còn cả cộng đồng quốc tế khi đơn phương tuyên bố lập ADIZ ở biển Hoa Đông, gồm không phận trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản.

Theo tác giả Johnson, việc Trung Quốc đơn phương lập ADIZ ở Biển Đông chắc chắn sẽ bị tất cả các nước châu Á và cộng đồng quốc tế lên án. Còn dưới con mắt của một số chuyên gia khác, ADIZ trên Biển Đông sẽ tạo tiền lệ cho hành động ngày càng tăng của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông.

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia luật Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Trung Quốc đang tạo dựng cái được giới chuyên gia gọi là “tàu sân bay không thể đánh chìm” của Trung Quốc trên Biển Đông bởi trên các đảo mà nước này đang chiếm đóng, họ đặt nhiều căn cứ quân sự phi pháp. Nếu đụng độ trên biển xảy ra, chúng sẽ có lợi rất lớn cho phía Trung Quốc. Đây là lý do khiến Bắc Kinh đang đẩy mạnh hệ thống quân sự ở tuyến đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới.

Ông Hoàng Việt cho rằng, dù không tuyên bố nhưng nước này đang hiện thực hóa âm mưu lập ADIZ trên Biển Đông. "Việc đưa hệ thống tên lửa tới Phú Lâm nằm trong kế hoạch này. Trung Quốc muốn dùng sức mạnh để áp đặt luật chơi và tham vọng của họ trên Biển Đông", ông nói.

'Sau tên lửa, TQ có thể đưa thêm vũ khí đến đảo Phú Lâm'

Trao đổi với Zing.vn, ông Dương Danh Dy nhận định việc TQ điều tên lửa đến đảo Phú Lâm chỉ là bước đầu của quá trình đưa vũ khí trái phép đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm