Khi một năm thời tiết cực đoan vì bão, cháy rừng và sóng nhiệt dần khép lại, người đứng đầu Liên Hợp Quốc đặt ra thách thức cho các nhà lãnh đạo thế giới: biến 2021 thành năm mà nhân loại kết thúc “cuộc chiến với thiên nhiên”, cam kết hướng tới tương lai không còn ô nhiễm carbon làm Trái Đất nóng lên.
Các báo cáo mới nêu bật các hiện tượng thời tiết cực đoan kỷ lục năm 2020, cùng với đó là việc gia tăng khai thác nhiên liệu hóa thạch gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Một người đứng trên nóc nhà khi cháy rừng bùng phát dọc theo sườn đồi ở Chino Hills, California, hôm 27/10. Ảhh: AP. |
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tiếp tục đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp nhằm kiềm chế biến đổi khí hậu, kèm theo các cảnh báo nghiêm trọng. Cảnh báo xuất hiện trong bối cảnh Liên Hợp Quốc đang chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu ngày 12/12 tại Pháp, nhân kỷ niệm 5 năm ký kết Hiệp định Khí hậu Paris, theo AP.
“Hành tinh đang bị hủy hoại”, ông Guterres nói trong bài phát biểu. “Nhân loại đang gây chiến với thiên nhiên. Đây là hành động tự sát”.
“Hỏa hoạn, lũ lụt, lốc xoáy và vòi rồng như ngày tận thế dần trở thành hiện tượng bình thường mới”.
Trong một báo cáo, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết năm nay sẽ kết thúc với nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,2 độ C so với mức trung bình của nửa cuối những năm 1800. Các nhà khoa học chỉ ra nguyên nhân nóng lên do khí giữ nhiệt từ việc đốt cháy than, dầu và khí đốt tự nhiên.
Phần lớn lượng nhiệt bị giữ lại tỏa ra các đại dương trên thế giới và khiến nhiệt độ của chúng tăng lên mức kỷ lục.
“Có ít nhất 1/5 khả năng nhiệt độ tăng lên hơn 1,5 độ C đến năm 2024”, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết. Hiệp định Khí hậu Paris đặt mục tiêu giữ nhiệt độ không vượt quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp.
Phân tích mới của các nhà khoa học của Climate Action Tracker, những người theo dõi ô nhiễm carbon, cho thấy nếu các cam kết về cắt giảm khí thải được tuân thủ, nhiệt độ nóng lên sẽ bị giới hạn ở 2,6 độ hoặc thấp hơn - 2,1 độ C.
Tổng thư ký LHQ Guterres đã nhìn thấy hy vọng từ các lời hứa của 100 quốc gia rằng đến giữa thế kỷ 21, họ sẽ không để khí giữ nhiệt gia tăng trong khí quyển, loại bỏ khí phát thải từ công nghiệp và đưa ra các kế hoạch cắt giảm ô nhiễm ngắn hạn. Trung Quốc và tổng thống đắc cử Joe Biden đã cam kết đưa mức phát thải carbon ròng về 0.
“Tôi tin tưởng chắc chắn rằng năm 2021 có thể là một năm nhảy vọt mới - năm nhảy vọt của tính trung lập carbon”, ông Guterres nói.